Chủ Nhật, 08 Tháng Năm, 2016 1.192

LAUDATO SI' DẠY TÔI ĐIỀU GÌ?

Bài viết của Nguyên Khang trong Tập San Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, s. 20 tháng 9&10 2015, tr 48. " Tôi nhìn lại tôi, thấy mình quên ơn, thất lễ, thiếu cười, ít nghĩ đến việc chung" ..."Cần nhất lúc này, đừng chán nản buông xuôi trước thời cuộc đen tối, hãy đứng dậy, "ta cùng lên đường, đi xây lại Việt Nam" (Trịnh Công Sơn)" Rất nên đọc.
Xuân Thảo xin thêm một số điều khác theo dòng thời gian - thời sự, nhằm chung tay "làm đẹp cuộc sống" thay vì chỉ vô cảm im lặng, hoặc chỉ nói suông mà không làm

LAUDATO SI’ DẠY TÔI ĐIỀU GÌ?

Tôi tự mô tả con người tôi như sau:

Tràn đầy email trong một ngày, đọc không xuể.

Tràn đầy hình ảnh trong facebook, hoa mắt nhìn không ra.

Tôi phải tập lướt bỏ, chỉ nhìn những tiêu đề chính. Rồi tôi xin bạn bè kể cho tôi nghe những gì người ấy đã đọc, để tôi theo kịp với thời đại. 

Tôi "hít thở những hơi thở thời đại", có khi bị sặc sụa.

Tôi bị bội thực vì ngồn ngộn những tin tức mình.

Thông điệp Laudato Si' về "Chăm sóc ngôi nhà chung" có nên bị tôi cho lướt qua?

Thưa: Phải đọc để cứu lấy trái đất này.

Này nhé, tác giả, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết những điều xem chừng rất nhỏ:

   1. Thay vì đốt lò sưởi, có thể chỉ mặc ấm thôi (số 211).

   2. Tránh sử dụng các vật có chất liệu nhựa hóa chất (211).

   3. Hạn hẹp lại việc sử dụng nước (211).

   4. Phân loại các rác thải (211).

   5. Nấu nướng vừa đủ cho bữa ăn (211).

   6. Sử dụng các phương tiện lưu thông công cộng hay xe ô tô với nhiều người (211).

   7. Trồng cây (211).

   8. Tắt đèn khi không sử dụng (211).

   9. Sử dụng lại một cái gì đó thay vì quăng đi (211).

   10. Trong gia đình: Biết xin phép, cám ơn, xin lỗi (số 213).

   11. Trong các đại chủng viện, các dòng tu: Giáo dục sự khắc khổ có trách nhiệm (214).

   12. Cảm tạ Chúa trước và sau bữa ăn (227).

   13. Nói một lời dễ thương, một nụ cười (230).

   14. Lo lắng cho có một nơi công cộng: một tòa nhà, một vòi phun nước, một đài kỷ niệm, một khung cảnh thanh bình, một công trường  (232).

Tôi ấn tượng lời dạy nào?

  - Sao lại dạy cả đến các vị tu trì? Mà thế nào là "khắc khổ có trách nhiệm"?

   -Có lời dạy đụng đến quí bà quí cô Việt Nam? Nấu nướng vừa đủ cho bữa ăn. 

   - Hình như người Việt chúng ta dồn tất cả các loại rác vào có một bao? Cả thủy tinh lẫn đồ nhọn vào với đồ ăn.... Coi chừng người bới rác bị chảy máu tay!

   - Việt Nam có bao nhiêu triệu xe máy cá nhân? Mỗi xe xì ra bao nhiêu khói vào buồng phổi trẻ em Việt Nam?

 Tôi nhìn lại tôi, thấy mình quên ơn, thất lễ, thiếu cười, ít nghĩ đến việc chung.

 Và còn phải đấm ngực ăn năn nhiều lắm lắm. Tôi phải đi xin lỗi, sám hối, hành hương...

 'Một ngày mùa đông, một người Việt Nam, ra bên dòng sông." (Trịnh Công Sơn)

 Cảm ơn Laudato Si', cảm ơn đức Phanxicô.

 Và có lẽ còn nhiều sáng kiến khác, để giáo dục con cái đang sống ở nước Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa.

 Cần nhất lúc này, đừng chán nản buông xuôi trước thời cuộc đen tối, hãy đứng dậy, "ta cùng lên đường, đi xây lại Việt Nam" (Trịnh Công Sơn)

 

Nguyễn Khang

(Tập San Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, s.20 tháng 9&10 2015)

LAUDATO SI'  DẠY TÔI ĐIỀU GÌ? - 1

Xuân Thảo xin viết tiếp:

Trong Tông Huấn LAUDATO SI còn rất nhiều điều hay và bổ ích...

 " Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI giúp chúng ta nhận thức, môi trường tự nhiên mang đầy vết thương do thái độ vô trách nhiệm của chúng ta gây nên. Ngay cả môi trường xã hội cũng mang đầy thương tật. Chỉ vì tất cả cùng rơi vào một điều xấu, đó là ý tưởng cho rằng không có những chân lý cố định không thể tranh luận, những chân lý hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, và vì thế sự tự do của con người không bị đặt trong một giới hạn nào cả. Người ta quên rằng, “con người không tự tạo tự do cho riêng mình. Con người không thể tự tạo ra mình. Con người là tinh thần và ý chí, nhưng cũng là vật chất” [12]. Với sự âu lo của một người cha, Đức Giáo Hoàng kêu gọi chúng ta nhận thức, “ tạo thành đang bị hư hoại, đây là nơi chúng ta hiện diện, nơi toàn thể không thuộc về chúng ta mà chúng ta lại hưởng thụ cho riêng mình. Việc lạm dụng các tài nguyên của tạo thành đã khởi sự ngay từ đó, chúng ta không còn nhận ra một khoảng khắc nào trên chúng ta, nhưng chỉ còn nhìn thấy mỗi chúng ta” (Laudato Si, s.6)

"Thượng Phụ giáo chủ Barthôlômêô đặc biệt nói về sự cần thiết phải sám hối, vì mỗi người theo cách của mình đã hủy hoại hành tinh, “trong mức độ chúng ta đã gây nên những thiệt hại nhỏ bé cho sinh thái”; chúng ta cũng phải nhận ra “những cộng tác dù nhỏ bé hay lớn lao tạo nên sự hủy hoại hay tàn phá tạo thành”[14]. Về điểm này, ngài đã lập đi lập lại với những lời mạnh mẽ và kích động, đòi buộc chúng ta phải nhận ra lỗi lầm đã chống lại tạo thành : “Con người đã tàn phá tạo thành của Thiên Chúa với nhiều phương cách sinh học ; con người đã phá hoại sự toàn vẹn của trái đất, gây nên sự biến đổi khí hậu, bóc lột trái đất từ những cánh rừng tự nhiên hay tàn phá những vùng ẩm ướt ; con người đem đến những tai họa cho kẻ khác, gây bệnh hoạn vì làm nhơ bẩn nguồn nước, đất đai và không khí bằng những chất độc hại – đó là tội lỗi” [15]. Vì “một tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chính chúng ta và là một tội lỗi chống lại Thiên Chúa”[16].(Laudato Si, s.8)

Đồng thời, Đức Thượng Phụ Barthôlômêô gây chú ý đến nguồn gốc đạo đức và tinh thần về vấn đề môi trường, đòi buộc chúng ta tìm cách giải quyết, không những về mặt kỹ thuật, nhưng còn ngay trong việc thay đổi con người, vì thật ra, chúng ta chỉ đối mặt với các hiện tượng. Ngài đề nghị với chúng ta từ việc tiêu thụ sang hy sinh, từ sự tham lam sang quảng đại, từ phung phí sang khả năng chia sẻ, bước vào sự khổ hạnh, điều đó có nghĩa là, học hỏi để ban phát, chứ không phải chỉ biết từ chối. Đó là một cách yêu thương, từng bước từ vượt qua điều chúng ta ham muốn đến việc trao ban điều mà vũ trụ của Thiên Chúa cần thiết. Đó là việc giải thoát khỏi lo âu, ham hố và ràng buộc” [17]. Ngoài ra chúng ta là Kitô hữu, còn được mời gọi, đón nhận “vũ trụ như một bí tích của cộng đoàn, như một phương tiện chia sẻ với Thiên Chúa và tha nhân trong chiều kích vũ trụ. Đó là một xác quyết khiêm tốn, gặp gỡ với điều của Thiên Chúa và nhân loại trong những thành phần nhỏ nhất của trang phục không viền mối sáng tạo của Thiên Chúa, ngay cả trong hạt bụi nhỏ bé nhất của hành tinh chúng ta” [18].(s.9)

Thánh Phanxicô thành Assisi gửi cho chúng ta thông điệp gì?

Đức GH Phanxicô nói tiếp:

"10. Tôi không muốn tiếp tục thông điệp này mà không gợi lên một ảnh hình tốt đẹp có thể động viên chúng ta. Tôi coi danh hiệu này như một hình ảnh hướng dẫn và như một thứ gợi hứng cho tôi ngay lúc được chọn làm Giám Mục thành Rôma. Tôi tin rằng, thánh Phanxicô là mẫu gương tuyệt vời cho việc tôn trọng những gì yếu đuối và cho một sinh thái được sống cách trọn vẹn đầy niềm vui đích thực. Ngài chính là vị thánh cho tất cả những ai tìm hiểu và làm việc trong lãnh vực sinh thái; ngài được nhiều người không phải là Kitô hữu yêu mến. Ngài cho thấy một sự chú tâm đối với tạo thành của Thiên Chúa và đối những kẻ nghèo hèn và cô đơn nhất. Ngài yêu thích niềm vui với một tâm hồn thanh thản, ngài đã sống sự tận hiến quảng đại với tâm hồn rộng mở. Ngài là một vị huyền nhiệm và là một lữ khách sống trong sự đơn sơ và hòa hợp với Thiên Chúa, với kẻ khác, với vạn vật và với chính bản thân. Trong ngài, chúng ta thấy rõ mức độ ngài liên kết tất cả việc chăm sóc thiên nhiên, sự công bằng với kẻ nghèo, việc dấn thân cho xã hội và bình an nội tâm vào một điểm gắn kết chung với nhau, không thể phân ly.

11. Chứng cứ của ngài cho chúng ta thấy, một sinh thái trọn vẹn đòi hỏi phải có một sự rộng mở đến các yếu tố vượt trên ngôn ngữ toán học hay sinh học, và hướng chúng ta đến bản chất nhân bản. Tất cả những gì xảy ra khi chúng ta yêu thương một người, mỗi lần như thế, người đó sẽ chiêm ngắm mặt trời, mặt trăng hay là một sinh vật bé nhỏ nhất, phản ứng của anh là ca hát lên và lôi kéo tất cả tạo vật vào bài ca của mình. Anh ta bước vào sự hiệp thông trọn vẹn với cả tạo thành và sẽ giảng thuyết cho cả loài hoa “và mời gọi chúng cùng ca tụng Chúa, nếu như chúng là một loài có lý trí”[19]. Phản ứng của anh sẽ vươn xa hơn mọi thứ đánh giá dựa theo tri thức hay kinh tế, vì đối với anh mỗi tạo vật là một anh em, một chị em, nối kết với anh bằng liên hệ tình yêu thật êm dịu. Đệ tử của Ngài là thánh Bônaventura, thuật lại như sau : “Khi nghiệm thấy rằng tất cả thụ tạo đều có chung một nguồn gốc cuối cùng nơi Thiên Chúa, ngài cảm thấy tràn đầy sự âu yếm với tất cả. Vì thế, ngài đã gọi các tạo vật bé nhỏ nhất là anh em, là chị em” [20]. Đừng hạ thấp xác tín này thành một thứ lãng mạn siêu thực, vì chúng đưa đến những hệ luận các định kiến xác định thái độ của chúng ta. Nếu chúng ta đến gần thiên nhiên và môi trường chung quanh, mà không có chút rộng mở để kinh ngạc và trầm trồ, nếu chúng ta không nói với thế giới chung quanh bằng ngôn ngữ huynh đệ và đẹp đẽ, thì thái độ của chúng ta sẽ trở thành thái độ của sở hữu chủ, của người tiêu thụ hay chỉ là của những người bóc lột tài nguyên, không có khả năng thiết đặt ranh giới cho chú tâm trực tiếp của mình. Nhưng nếu chúng ta cảm nghiệm được liên kết với tất cả những gì đang hiện hữu, thì sự điều độ và chăm sóc sẽ tự đến. Sự nghèo khó và đơn sơ của thánh Phanxicô không phải là sự khổ hạnh ở bên ngoài, nhưng là một điều gì triệt để : một sự từ chối biến thực tại trở thành đối tượng sử dụng và thống trị.

12. Mặt khác, thánh Phanxicô rất trung thành với Thánh Kinh, đề nghị chúng ta nhận ra thiên nhiên là quyển sách sáng ngời, trong đó, Thiên Chúa nói với chúng ta và cho chúng ta thấy một ánh quang đẹp đẽ và nhân từ của Người : “Vì các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng Tạo Thành” (Kn 13,5) và “quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua công trình của Người” (Rm 1, 20). Vì thế, thánh Phanxicô muốn tu viện phải để ra một mảnh đất không canh tác, để cho cỏ dại có thể mọc lên, để những ai chiêm ngắm chúng có thể nâng tâm hồn lên với Chúa, Đấng là tác giả các vẻ đẹp này [21] Vũ trụ còn hơn là một vần đề phải giải quyết, chúng là một mầu nhiệm thật thân thương, để chúng ta chiêm ngắm trong niềm vui và ca tụng....

.....

21. Chúng ta phải nhìn vào sự ô nhiễm do rác thải gây nên, gồm cả các chất cặn bả nguy hiểm có mặt trong nhiều vùng khác nhau. Mỗi năm có hằng trăm triệu tấn rác thải được tung ra, mà phần đông không phải do rác sinh học : rác thải trong gia đình và chợ búa, rác thải do xây dựng, do bệnh viện, điện khí, kỹ nghệ, nhất là những rác thải độc hại và phóng xạ. Ngôi nhà trái đất của chúng ta, càng ngày càng trở nên một bãi rác khổng lồ. Trong nhiều vùng trên trái đất, những người già thường nhớ đến những cánh đồng như thuở xưa, nay thì tràn đầy rác rưởi. Cũng như rác thải công nghiệp do những sản phẩm hóa chất được sử dụng trong làng mạc hay nơi đồng áng có thể gây nên hậu quả gia tăng chất hóa học trong cơ thể của người dân chung quanh, cũng như đưa đến những yếu tố độc hại cho một nơi thấp hơn. Thường người ta cũng phải đo lường mức độ hậu quả trên sức khỏe con người không còn có thể đảo ngược lại được.

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương