Thứ Ba, 04 Tháng Năm, 2010 1.926

4. Dọn bài và tập dượt

Cũng như dạy học phải có phương pháp sư phạm để giúp học sinh tiếp thu nhanh chóng các bài học, thì tập hát, tập dượt – tức là dạy hát – cũng nên theo một số phương pháp nào đó để giúp ca viên tiếp thu nhanh chóng các bài hát. Nếu người ta đã có thể nói đến nghệ thuật dạy học, thì chúng ta cũng có thể nói đến một thứ nghệ thuật tập dượt.

Quả vậy, tập dượt [10] là công việc nặng nhọc nhất của ca trưởng. Ca trưởng nào biết biến buổi tập dượt thành một buổi sinh hoạt nghệ thuật lý thú, trong đó ca viên tiếp thu mau mắn, vui tươi, mà ca trưởng cũng cảm thấy phấn khởi, nhẹ nhàng … thì ca trưởng đó nắm được phần nào nghệ thuật tập dượt vậy.

Muốn thế, ca trưởng phải biết chọn bài hay và phù hợp với phụng vụ cũng như năng lực ca đoàn (đây là công việc đòi hỏi nhiều kiến thức mà ca trưởng sẽ học hỏi dần qua các chương trình ca trưởng I, II và III). Kế đến, ca trưởng phải biết dọn bài để tập hát và biết tất cả những gì liên quan đến chính công việc tập dượt.

1. Dọn bài để tập dượt

Ca trưởng dọn bài càng chu đáo, thì tập dượt càng có hiệu quả. Ca trưởng bỏ ra một giờ để dọn bài, thì sẽ lợi cho cả ca đoàn hằng mấy chục giờ. Có những ca trưởng không dọn bài, hoặc không biết dọn bài, sẽ làm mất rất nhiều thì giờ của ca viên và làm cho buổi tập hát trở nên nặng nề. Sau đây là một số việc cần làm khi dọn bài :

1.1. Ca trưởng phải thuộc bài hát mình sắp tập, thuộc tất cả các bè (người ca trưởng phải vững xướng âm để không mất nhiều thì giờ cho việc này, khi tập dượt bản hát chỉ là để giúp trí nhớ). Nếu bài hát có nhiều bè, mỗi bè lại vào bè khác nhau, thì ca trưởng nên dựng cho mình một sơ đồ điều khiển, theo đó ca trưởng sẽ hát những phần nào mà mình muốn lưu tâm để giúp ca viên lấy hơi vào bè, hoặc khắc phục khó khắn về cao độ, về tiết tấu …

1.2. Ca trưởng tìm cách để giúp ca viên khắc phục các khó khăn về cao độ và tiết tấu, nếu có.

a. Gặp cao độ khó, có thể dựa trên mấy nguyên tắc sau :

- Dựa trên các dấu trụ của thang âm để đọc các dấu phụ

- Đọc dấu dễ trước cho quen rồi mới đọc đến các dấu khó

- Dựa lên dấu cơ bản để đọc các dấu hoá bất thường :

+ Nếu gặp dấu thăng bất thường, thì dựa vào dấu nằm trên nó 1/2 cung.

Thí dụ : đọc Sol thăng dựa vào dấu La.

+ Nếu gặp dấu giáng bất thường, thì dựa vào dấu nằm dưới nó 1/2 cung.

Thí dụ : đọc Mi giáng dựa vào dấu Rê

thí dụ 1: -Đọc dấu cột trụ : Fa-La-Đô 

               -Đọc dấu dễ trước: xon, la, đô, fa   
                             -Đọc lab dựa trên xon, đọc reb dựa trên đô, đọc xonb dựa trên fa.  

- Gặp một quãng lớn, có thể dùng quãng đảo nhỏ hơn để tập làm quen trước khi đọc chính quãng lớn


                thí dụ 2  

    

 

 

1.3. Ca trưởng để ý đến các yếu tố về thanh nhạc :

 

a. Các chỗ lấy hơi : lúc khởi tấu, giữa bài, lấy hơi trộm, lấy hơi rời …

b. Cách phát âm và đóng vần của những chữ phải vươn tiếng, phải ngân dài, nhất là cuối câu, cuối đoạn.

1.4. Ca trưởng tìm hiểu ý nghĩa cũng như tiết tấu của bản nhạc, để diễn tả cho sống động nhờ cường độ, sắc thái âm thanh cũng như nhờ nhịp độ phù hợp.

1.5. Ca trưởng tìm cách tập làm sao cho sinh động và mau lẹ.

1.6. Ca trưởng chọn cách điều khiển nào hữu hiệu và phù hợp với từng chỗ, từng câu, từng đoạn. Điều khiển cho cộng đoàn nên đơn giản, rõ ràng hơn là cho ca đoàn.

1.7. Bổ sung những chi tiết cần sửa chữa, rút kinh nghiệm của lần tập trước đó. Có thể nhờ người nghe để góp ý, hoặc thâu băng để nghe lại.

2. Tập dượt

2.1. Những điều kiện bên ngoài

a. Nơi tập : sạch sẽ, thoáng khí, sáng sủa, dễ chịu, yên tĩnh, không gây chia trí.

b. Tư thế đứng ngồi : đứng là tư thế thuận lợi cho việc ca hát, nhưng lại mau mệt. Trong khi tập dượt nên cho ngồi, thỉnh thoảng đứng lên để hát thử một vài đoạn đã tập kỹ, hoặc để thay đổi tư thế cho máu lưu thông.

c. Thời gian : từ 1 giờ 30 đến 2 giờ, nghỉ ở giữa 10 – 15 phút. Chất lượng của buổi tập quan trọng hơn số lượng thời gian. Ca trưởng cần chuẩn bị dọn bài kỹ lưỡng, và ca viên cần tỉnh táo và sẵn sàng.

d. Thời điểm : Buối sáng thì tinh thần sảng khoái, nhưng giọng chưa đẹp ; buổi tối giọng hát tốt hơn những thường tinh thần mệt mỏi hơn. Tránh tập buổi trưa. Nếu tập tối, không nên tập lúc ca viên đói quá hoặc no quá.

đ. Đúng giờ : Đây là một điều kiện quan trọng, nói lên tinh thần kỷ luật của ca viên. Phải tập cho ca viên có thói quen đúng giờ để khỏi làm mất thì giờ của nhau : Ca trưởng phải luôn đúng giờ. Nếu có gì bận đột xuất, phải tới trễ hoặc vắng mặt, cần thông báo kịp thời cho ca viên hoặc có người thay thế. Đến giờ, mà chưa đủ người, có thể đợi thêm chừng 5 phút, rồi bắt đầu ngay, dù ít người : có thể ôn trước cho bè nào đến đông đủ hơn cả, hoặc kiểm tra thanh nhạc cho từng cá nhân … Có thể tổ chức thi đua đúng giờ để động viên nhau …

e. Hiện diện : sự hiện diện đầy đủ của ca viên là một yếu tố tích cực cho buổi tập dượt. Thiếu vắng nhiều sẽ làm nản lòng cả ca trưởng lẫn ca viên khác. Nên có quy định tối thiểu về vấn đề này như sau :

- Ai vắng nhiều tháng vì công việc chính đáng : nên làm đơn xin tạm nghỉ, và ban điều hành cần thông báo cho tất cả các ca viên khác biết.

- Ai vắng vì bệnh tật hay công việc đột xuất : tìm cách thông báo kịp thời cho ca trưởng hoặc Đoàn trưởng.

- Ai vắng thất thường, không lý do, không xin phép, không thông báo nhiều lần : nên cho nghỉ hẳn.

Như vậy sẽ có những ca viên hiện diện thường xuyên để tập luyện, con số này có thể ít, nhưng thà ít mà đều còn hơn nhiều mà vắng mặt, không đi tập mà vẫn hát lê. Các ca viên thường trực này làm nòng cốt cho ca đoàn. Trong những dịp lễ lớn, lễ quan trọng như Giáng sinh, Tết, Phục sinh … Có thể mời thêm một sốca viên tăng cường đến tập và hát trong những dịp lễ nhất định nào đó.

 

2.2. Những điều kiện tinh thần

Buổi tập dượt cho ca đoàn vừa mang tính cách một buổi học hát, vừa mang tinh cách một buổi sinh hoạt nghệ thuật, lại mang tính cách của việc tông đồ.

- Là một việc tông đồ, buổi tập dượt đòi hỏi lòng tự nguyện, sự hy sinh nơi ca trưởng cũng như ca viên.

- Là một sinh hoạt nghệ thuật, buổi tập dượt dòi hỏi bầu khí thoải mái và an vui.

- Là một việc học tập, buổi tập dượt đòi hỏi sự nghiêm túc và cố gắng nơi mọi ca viên.

Để đáp ứng lại những tính cách, những đòi hỏi đó, người ca trưởng phải có tinh thần vừa của một nhà sư phạm, vừa của một người làm nghệ thuật, vừa của một người làm việc tông đồ.

a. Là một nhà sư phạm, người ca trưởng trong khi tập dượt cần có những điều kiện tinh thần như :

a.1 Lòng kiên nhẫn để chịu đựng được những điều chưa hoặc không vừa ý mình. Pierre Kaelin có viết : “Ai không cảm thấy sự ray rứt vì không đạt được lý tưởng thì không phải là một nghệ sĩ. Ai cảm thấy sự ray rứt đó mà không có khả năng chịu đựng một mình thì không phải là một bậc thầy” (xem L’art choral, Editions Berger – Levrault, Paris 1974). Người ca trưởng kiên nhẫn sẽ không nổi nóng la rầy những sai sót của ca viên trong khi tập dượt, nhưng biết khích lệ để người ta sửa sai, không nên làm cho họ nản lòng, thất vọng vì sai sót của họ.

a.2. Tính lạc quan là sự tin tưởng rằng ca viên có thể tiến bộ, dù là chậm chạp. Do đó, cần tìm ra những ưu điểm, dù nhỏ nhoi để khích lệ họ ; cầm tìm ra những tiến bộ, dù ít ỏi, để khen ngợi họ. Có như vậy, họ mới thấy hy vọng mình sẽ tiến bộ, và cố gắng hát hay hơn trong tương lai. Nhờ đó mà họ cũng có được niềm vui trong học tập.

a.3. Lòng công minh và bao dung : khi có sai sót, người thầy phải nhận ra và quy lỗi đúng đối tượng, không đổ lỗi chung chung cho mọi người, nhất là trong tình trạng nóng giận, trách mắng. Trái lại, cần biết sửa sai trong tinh thần bao dung, thông cảm với sai sót của kẻ khác và tự nhủ lòng rằng chính bản thân mình cũng có thể sai sót như vậy được.

a.4. Làm gương : Ca trưởng làm nhiều hơn nói trong khi tập dượt. Muốn ca viên hát thế nào thì mình phải làm mẫu trước để ca viên nghe và bắt chước theo. Không nên nói dài dòng mà chính mình lại chẳng hát mẫu bao giờ. Nếu cần để dặn dò điều gì, thì phải để ca viên im lặng hoàn toàn đã. Không cần nói to, chỉ cần nói rõ, để tập cho ca viên biết giữ thinh lặng. Nên nói đến tinh thần bài hát hơn là nói đến kỹ thuật ; nói với tâm hồn của ca viên hơn là nói với các cơ quan phát âm của họ.

b. Là một người làm nghệ thuật, ca trưởng, trong những buổi tập dượt, cần tạo được những điều kiện tinh thần như :

b.1. Niềm vui : chính ca trưởng phải vui tươi để tạo được bầu khí vui tươi trong sinh hoạt nghệ thuật hợp ca. Tuy rằng, muốn hát cho hay, cần phải khổ công luyện tập một cách nghiêm túc, nhưng phải biết hoá giải các gian lao, cực khổ, mệt nhọc đó bằng niềm vui của những người làm nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính phải đem lại niềm vui thực sự không những cho người thưởng thức nó, mà còn cho chính cả những người làm ra và thể hiện nghệ thuật nữa.

b.2. Sự tinh tế : trong diễn tấu cũng như thưởng thức âm nhạc, chính người ca trưởng phải có được sự nhạy cảm trong âm nhạc, sự nhạy cảm này được bồi đắp bằng việc học tập một cách nghiệm túc ngang tầm với trách nhiệm ca trưởng của mình. Kế đến, ca trưởng có khả năng truyền đạt sở thích tinh tế về nghệ thuật đó đến cho toàn ca đoàn. Muốn vậy, phải nâng cao kiến thức âm nhạc cho ca viên và càng ngày càng nâng cao trình độ diễn tấu cũng như thưởng thức âm nhạc của ca viên bằng chính những bài hát hay mà ca trưởng đã chọn lựa kỹ càng để đem ra tập cho ca đoàn. Không có gì giáo dục thị hiếu nghệ thuật tốt cho bằng việc hát được, nghe được chính những bài hát có nghệ thuật. Chính điểm này làm cho ca viên cảm thấy việc hát của mình là bổ ích về mặt tinh thần, và từ đó lại càng gia tăng niềm vui tinh thần cho họ.

c. Là một người làm việc tông đồ, ca trưởng trong khi tập dượt cần tỏ ra :

c.1. Nhiệt thành : bất chấp mọi vất vả, hy sinh việc cá nhân để lo cho việc chung, chỉ mong làm sao tập hát cho hay để ca đoàn có thể làm tròn nhiệm vụ của mình là “Tôn vinh Thiên Chúa và Thánh hoá các tín hữu.”

c.2. Khiêm tốn :

- Không tìm vinh dự cho cá nhân, không tìm cách tự đề cao mình.

- Tránh gièm pha, chỉ trích, nói xấu, ganh ghét các ca đoàn hoặc ca trưởng khác, cùng xứ hay khác xứ.

Chính việc tham gia ca đoàn phục vụ Hội Thánh như một việc tông đồ là động cơ thúc đẩy ca trưởng lẫn ca viên vượt qua được mọi khó khăn bất ngờ xảy ra, để kiên trì tập luyện, hoàn thành sứ mạng ca hát của mình.

2.3. Phương pháp tập dượt

a. Một số nguyên tắc chung :

a.1. Điều gì cần tập, nên tập ngay, không nên để hát sai rồi mới sửa. Cần chuẩn bị cho ca viên vượt khó khăn, hơn là để cho họ hát sai rồi mất giờ sửa lại. Như vậy, ca trưởng phải có khả năng hát mẫu để ca viên bắt chước, không những về cao độ và tiết tấu mà thôi, nhưng cả về cường độ, cách phát âm, âm sắc v.v…

a.2. Hát hay là hát có hồn bằng một giọng hát đẹp. Giọng hát đẹp là kỹ thuật, là hình thức để chuyển đạt tâm tình, nội dung của bài hát. Yếu tố quan trọng vẫn là tâm tình, tâm hồn, sự diễn cảm.

a.3. Do đó bí quyết của phương pháp sư phạm âm nhạc là tập luyện cách diễn tả hơn là tập luyện các kỹ thuật thanh nhạc.

a.4. Người thầy huấn luyện học viên :

- Trước hết và trên hết qua nhân cách của mình.

- Kết đó, qua điều thầy làm (Ca trưởng hát mẫu khi tập dượt).

- Và rất ít qua điều thầy nói (không nên căn dặn quá nhiều một lúc).

a.5. Trí nhớ được tăng cường nhờ lặp đi lặp lại nhiều lần cách quãng, hơn là học liền tù tì thật kỹ trong một lần : khi tập dượt, nên thay đổi tập bài mới, ôn bài cũ, mỗi lần mỗi đoạn, cho thay đổi.

a.6. Mỗi lần một ít, nhưng nên tập kỹ để hát cho có hồn. Mỗi lần ôn tập lại, cố gắng để ý hoàn chỉnh hơn về một khía cạnh nào đó.

b. Phương pháp tập dượt

Có hai phương pháp chính, đó là phương pháp tổng hợp (trực tiếp) và phương pháp phân tích (gián tiếp).

b.1. Phương pháp tổng hợp (trực tiếp)

- Ca trưởng hát mẫu tổng hợp vừa cao độ, tiết tấu, cường độ, phát âm, âm sắc. Phối hợp cùng lúc kỹ thuật và nghệ thuật.

- Ca viên hát thuộc lòng (không nhìn vào sách hát), mắt hướng nhìn về ca trưởng và lắng nghe để lặp lại thật giống ca trưởng (sách hát chỉ để giúp trí nhớ khi gặp bài dài).

Phương pháp này tạo được sự tương quan trực tiếp giữa người ca trưởng và các ca viên. Đây là phương pháp chủ yếu dùng để tập chung cho cộng đoàn, tập chung cho ca đoàn, tập riêng cho từng bè đối với các bài hát tương đối ngắn hoặc tương đối dễ.

b.2. Phương pháp phân tích (gián tiếp)

- Ca viên nhìn vào sách để xướng âm, rồi mới ráp lời

- Sau đó ca trưởng mới nắn về cường độ, tập cách phát âm …

Phương pháp này còn gọi là phương pháp gián tiếp vì sự tập trung của Ca viên không trực tiếp đến ca trưởng, mà gián tiếp qua trung gian của bài bản, của các dấu nhạc, của tiết tấu, của lời ca v.v… Chỉ nên áp dụng phương pháp này khi :

- Muốn ca viên luyện tập thêm về xướng âm.

- Gặp những đoạn nhạc khó về cao độ hoặc tiết tấu.

c. Diễn tiến khi tập một bài mới :

Thường trước khi tập một bài mới, ca trưởng nên giới thiệu sơ qua ý chính cũng như cấu trúc của bài. Nếu được, giải thích thêm chủ đích của tác giả được thể hiện qua âm nhạc, hoàn cảnh sáng tác … Khi tập chung cho cả cộng đoàn, thì chỉ nên đọc qua lời ca các câu cần tập một lần, nếu cần nói lên tâm tình phải có khi hát nhạc đó, rồi bắt đầu tập ngay (vì thường không có nhiều thì giờ).

c.1. Nếu bài hát dễ, ngắn : Ca trưởng nên dùng phương pháp tổng hợp. Ca trưởng hát mẫu để ca đoàn hoặc cộng đoàn lặp lại, không cần nhìn vào sách, mà nên khuyến khích để họ học thuộc lòng ngay.

Khi tập cho cả cộng đoàn, nên chọn bài dễ và ngắn (từ 2 đến 4 câu nhạc) và có thể tập theo cách thức sau :

+ Tập từng câu vừa phải, đừng quá dài, Nếu câu quá dài thì chọn chỗ mà cắt ra làm hai phần sao cho có ý nghĩa :

Ca trưởng hát trước một lần

Ca trưởng lặp lại chỗ khó, hoặc lặp lại nửa câu sau

Ca trưởng hát lại một lần nữa, rồi mời cộng đoàn hát theo

Nếu cộng đoàn hát đúng rồi, thì nên kịp thời mời họ hát thêm một vài lần nữa.

Nếu hát sai, thì sửa lại ngay chỗ sai, có thể xin cộng đoàn lặp đi lặp lại vài ba lần chỗ sai đó để cho quen. Khi sửa lại một chỗ sai, nên hát thêm các lời ca nằm trước hoặc sau đó, để chỗ lặp lại có ý nghĩa.

+ Tập xong một câu, thì tập sang câu mới, diễn tiến như câu đầu.

Khi hát được câu hai rồi, nên cho lặp lại cả hai câu vài lần. Trước khi mời cộng đoàn hát lại cả hai câu, ca trưởng nên nhắc lại “vắn tắt”cao độ của câu một, nhất là nhắc lại chỗ khó để cộng đoàn nhớ lại.

Rồi tiếp tục sang câu ba, rồi ôn lại cả ba câu …

Lưu ý : khi điều khiển cộng đoàn, cử chỉ của ca trưởng phải rõ ràng và đơn giản hơn là khi điều khiển ca đoàn.

- Khi tập chung cho ca đoàn hoặc riêng cho từng bè, ca trưởng cũng dùng cách thức như trên. Vì thường có rộng thời giờ hơn nên ca trưởng lưu tâm uốn nắn cho ca đoàn hát có tâm tình hơn.

c.2. Nếu bài hát dài, ít bè, ca trưởng cũng có thể dùng phương pháp tổng hợp, tập trung tập dượt một đoạn rồi mới sang đoạn khác. Tập bè trên một câu, rồi tập sang bè dưới, sau đó ráp chung hai bè hát cho được một vài câu, rồi mới tập sang các câu khác.

c.3. Nếu bài dài nhiều bè, ca trưởng cần tập theo từng đọan. Mỗi đoạn có thể tập theo các giai đoạn sau :

- Giai đoạn phá vỡ (học hát) : các bè (với sự trợ lực của các trưởng bè) học riêng cho thuộc bè của mình, chủ tâm vào cao độ và tiết tấu, còn cường độ và cách phát âm những chỗ đặc biệt thì bè trưởng phải thống nhất với ca trưởng trước khi muốn tập kỹ cho bè mình.

- Giai đoạn ráp chung (ôn bài, tiêu hoá) : các bè ráp chung với nhau sao cho cân bằng về âm lượng và hài hoà về âm sắc. Ca trưởng chú tâm đến cường độ của từng câu, của từng bè sao cho phù hợp. Đồng thời cũng để ý đến các vấn đề liên quan đến thanh nhạc như lấy hơi, phát âm, các sắc thái âm thanh … Làm sao cho âm thanh được đồng đều, hoà quyện, đúc kết với nhau cho có nghệ thuật. Nên ôn tập nhiều lần những chỗ khó về cường độ (cao trào), chỗ liền tiếng, rời tiếng, sforzando, sostenuto … Cho hát chậm lại khi muốn kiểm tra về cao độ. Cho hát nhanh hơn khi muốn kiểm tra về tiết tấu.

- Giai đoạn trình tấu (trả bài) : Ca đoàn hát như thật qua các lần hát thử sau khi tập xong một đoạn, qua các buổi tổng dợt, qua các lần thu băng thử … Mỗi lần trình tấu thử, ca trưởng cần lắng nghe để biết còn phải sửa lại hay bổ túc thêm điều gì. Lúc đó, không nên hát lớn theo ca viên như lúc tập dượt hoặc lúc trình tấu thực thụ.

Lưu ý : Có những bài tuy nhiều bè, nhưng dễ hát, ca trưởng không cần tập riêng từng bè, mà có khi tập chung với nhau, bè này đôi câu, tới bè kia rồi ráp thử … xem ra có hiệu quả hơn là tập riêng rồi mới ráp chung. Đối với lối tập này, ca trưởng phải nắm thật vững các bè, có khả năng hát thay cho những bè mình chưa tập, bất cứ ở chỗ nào.

Kết luận : Để tập dượt cho tốt cần dọn bài cho kỹ . Khả năng của ca trưởng được biểu lộ phần rất lớn ở trong công việc nặng nhọc này .  Và uy tín ca trưởng cũng được củng cố nhờ công việc này .  Vì thế ca trưởng phải trau dồi xướng âm, học tập nhiều kiến thức âm nhạc, để có thể diễn tả bản nhạc cho hay, học thanh nhạc để có được giọng hát mẫu khả quan, học hỏi cách tập dượt để có thể truyền đạt tình ý của mình cho ca viên một cách hiệu quả mau lẹ. Có như thế, mới ngang tầm được với trách vụ ca trưởng của mình.

CÁC CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Ca trưởng phải làm gì khi dọn bài để tập dượt ?

2. Cho biết các điều kiện bên ngoài liên quan đến buổi tập dượt ?

3. Với tính cách một nhà sư phạm, ca trưởng cần phải thế nào khi tập dượt?

4. Với tính cách một người làm nghệ thuật, ca trưởng cần giúp ca viên đạt được những điều gì ?

5. Với tính cách một người tông đồ, ca trưởng cần tỏ ra như thế nào trong buổi tập dượt ?

6. Cho biết một số nguyên tắc chung trong việc tập dượt ?

7. Phương pháp tổng hợp là gì ? Phương pháp phân tích là gì ? Đâu là phương pháp chủ yếu nhất ?

8. Thử trình bày cách tập cho cộng đoàn ?


[10] Pháp : Répétition ; Anh : Rehearsal [Back]

 

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương