Thứ Sáu, 23 Tháng Hai, 2018 104

Thứ Bảy sau CNMC 1

Suy Niệm (LM Hàm; Quesson,,,)

THỨ BẢY CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY

1) Lm Hàm

Matthêu 5, 43- 48

43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.  44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.  45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

 

Một học giả Do thái gọi đoạn Kinh thánh này là "phần trọng tâm và nổi tiếng nhất của Bài giảng trên núi. Chắc chắn không có đoạn văn nào cô đọng như vậy về đạo đức Kitô giáo trong quan hệ giữa người với người. Đối với người thường, đoạn này mô tả sự thiết yếu của Kitô giáo trong hành động. Dầu cho một người chẳng bao giờ đi nhà thờ cũng biết Chúa Giêsu phán điều này và họ rất thường lên án những Kitô hữu hữu danh vô thực vì đã quá thiếu sót trong việc giữ đạo Ngài. Chúng ta phải tìm xem Chúa Giêsu đang nói gì và Ngài đòi hỏi những gì đối với người theo Ngài. Nếu muốn cố gắng sống theo lời Chúa, tất nhiên trước hết chúng ta phải hiểu rõ Chúa Giêsu nói gì khi Ngài phán hãy thương yêu kẻ thù.

Trong tiếng Hi lạp có 4 chữ chỉ sự yêu thương :

- Storge: chỉ tình yêu thương trong gia đình, cha mẹ yêu con cái và con cái yêu thương cha mẹ.

 - Eros: chỉ về tình luyến ái nam nữ, bao giờ cũng chứa đựng đam mê và tình dục. Chữ này không hề có trong cả Tân ước.

- Philia: chỉ tình thương yêu nồng nhiệt và cao quí

- Agape: là chữ được Chúa dùng ở đây với ý nghĩa là lòng từ thiện vô địch, là thiện chí thắng vượt tất cả.

Như vậy, Chúa Giêsu chẳng bao giờ đòi hỏi chúng ta phải yêu thương kẻ thù như yêu thương người thân. Từ ngữ dùng khác nhau chứng tỏ yêu kẻ thù như yêu người thân là điều không đúng và cũng không thực hiện được. Đó là một loại tình yêu khác .

Sự khác biệt nằm ở đâu ? Đối với những người thân, chúng ta không thể không yêu thương họ, thương yêu họ là điều tự nhiên, bẩm sinh, không cần tìm, không cần cố gắng. Nhưng đối với kẻ thù, thương yêu không phải chỉ là điều thuộc về tấm lòng mà còn thuộc về ý chí. Nó không phải là một điều đến cách tự nhiên mà là điều cần phải vận dụng đến ý chí. Thật ra nó là sự chiến thắng khuynh hướng thuộc bản năng con người tự nhiên, đây là quyền năng để thương yêu người chúng ta không thích và họ cũng không thích ta. Thật vậy, chúng ta chỉ có lòng yêu thương khi Chúa Giêsu khiến chúng ta chiến thắng được khuynh hướng tự nhiên của ta là giận dữ, cay đắng, để thể hiện thiện chí vô địch này đối với mọi người. Chỉ có Kitô hữu mới có khả năng tuân giữ đeìu răn này, chỉ có ân điển của Chúa mới có thể khiến một người có được lòng bao dung và thiện chí bền bỉ trong tương quan với người khác. Chỉ khi nào Chúa Giêsu ngự trong lòng thì sự cay đắng mới chết đi để tình thương nảy sinh. Chúng ta cần Chúa Giêsu giúp chúng ta đủ sức tuân thủ mạng lệnh Ngài.

Điểm sau cùng và có lẽ quan trọng nhất, đó là điều răn này không chỉ liên quan đến việc để cho người khác làm cho ta điều họ muốn mà còn đòi chúng ta phải làm gì cho họ nữa. Chúa truyền chúng ta phải cầu nguyện cho họ. Không ai có thể cầu nguyện cho người khác mà vẫn còn ghét người ấy. Khi tự đem mình cùng với đối phương đến trước mặt chúa Trời, chúng ta không thể tiếp tục ghét người ấy trong sự hiện diện của Chúa Trời. Con đường chắc chắn nhất để tiêu diệt sự cay đắng là cầu nguyện cho người ghét.

Tại sao Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải có tình yêu này ?

Tại sao Ngài đòi buộc các môn đệ phải có lòng từ thiện và thiện chí không lay chuyển? Lý do rất đơn giản nhưng rất phi thường, là vì tình yêu đó khiến chúng ta nên giống Thiên Chúa Chúa.

Chúa Giêsu đã bày tỏ hành động của Thiên Chúa trong thế gian, và hành động đó là hành động bao dung không lay chuyển. Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ lành cùng người dữ, Ngài ban mưa xuống trên người công chính cùng kẻ bất lương. Chúa đòi chúng ta phải có tình thương này để có thể trở nên "con cái củaCha trên trời. " Con của Chúa Trời là người giống Chúa Trời. Lý do chúng ta phải có từ tâm và thiện chí không gì lay chuyển được là vì chính Thiên Chúa đã có từ tâm và thiện chí đó. Là con cái Ngài chúng ta phải giống như Ngài. Cũng chính nhờ bí quyết này mà chúng ta hiểu được câu Kinh Thánh "hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành. "Ai mà dám mơ ước đến sự trọn lành này? Nhưng khái niệm Hilạp về trọn lành là một khái niệm thuộc về chức năng. Một vật là trọn vẹn nếu mục tiêu mà người ta đã trù hoạch, vẽ kiểu và tạo nên nó được thực hiện đầy đủ. Vậy một người sẽ trọn vẹn khi hoàn thành mục đích mình được tạo nên. Kinh Thánh cho chúng ta biết con người được dựng nên để làm gì . Trong câu truyện sáng tạo, Thiên Chúa phán : "Chúng ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh ta." (l,26). Con người được dựng nên để giống Thiên chúa. Đặc tính của Thiên Chúa là lòng bao dung rộng lớn, thiện chí bất khuất và hằng tìm điều cao quí nhất cho con người. Đặc điểm quan trọng của Thiên Chúa là yêu thương người lành và tội nhân như nhau, bất luận người ta đã làm gì cho Ngài. Chúa Trời không tìm gì khác hơn là ích lợi cao quí nhất cho con người. Khi người nào thực hiện được trong đời sống mình lòng bao dung không mệt mỏi, đầy tha thứ và hi sinh của Thiên Chúa, người ấy trở nên giống như Thiên Chúa và do đó được trở nên trọn vẹn theo ý nghĩa của chữ trong Tân ước. Nói cách đơn giản nhất, người nào quan tâm nhiều nhất đến người khác là người trọn vẹn hơn hết. Chúng ta chỉ đạt đến sự trưởng thành bằng cách trở nên giống Thiên Chúa. Điều duy nhất khiến chúng ta giống Thiên Chúa là tình yêu không bao giờ ngừng chăm sóc người khác dầu họ đáp ứng tình yêu ấy ra sao. Chúng ta đạt đến bậc thành nhân, bước vào sự trọn vẹn Kitô khi chúng ta học biết tha thứ như Chúa đã tha thứ và yêu thương như Chúa đã yêu thương. 

2) Quesson

Bài đọc I : Đnl 26,16-19

Trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu lập lại cho chúng ta phải yêu thù địch... phải đi xa hơn điều tự nhiên đối với người bình thường. “Nếu các ngươi chỉ chào hỏi anh em các ngươi thôi, thì các ngươi đâu có làm chi hơn ? Những người ngoại giáo không làm thế ư ?”

Sách Đệ Nhị luật xưa cũng đã nhắc cho người Do Thái rằng : HoÏ đã vào trong một hệ thống đặc biệt những tương quan với Thiên Chúa là giao ước. Nguồn của đời sống mới.

Hôm nay, ngươi đã chọn Chúa làm Thiên Chúa. 

Đúng vậy không ?

Tôi có thể nói rằng:  tôi đã chọn Chúa thật không ?

Đó là tất cả ý nghĩa của phép rửa tội... Đó phải là ý nghĩa của phép rửa tội.

Chọn Chúa.

Hiển nhiên là tôi còn quá nhỏ khi rửa tội. Nhưng từ đó tới nay ? Tôi có thừa nhận sự chọn lựa này không ?

Trong đời sống, tôi tìm những dịp nào có sẵn trong đời giúp tôi làm lại sự chọn lựa này : Chọn Chúa. 

Bước đi trong đường lối Người, tuân giữ các lệ luật Người...

Đó là những "dịp”.

Vô số những chọn lựa nhỏ cụ thể. Suốt ngày sống. Từ sáng tới chiều. “Bước đi trong đường lối Chúa”... đặt bước chân tôi theo bước chân Người... làm điều mà ở vào trường hợp tôi Người cũng làm.

Chúa Giêsu sẽ nói: “Nếu các ngươi yêu mến Ta, các ngươi sẽ giữ các giới răn Ta”.

Phải, khi người ta yêu, người ta cố làm điều vui lòng người khác .

Hãy vâng lệnh Người.

Không phải một sự trung thành cụ thể với những giới lệnh với bản liệt kê những điều được phép và bị cấm đoán.

Đáp lại một lời mời gọi. Và vì đó phải "lắng nghe”.

Luân lý mở cửa. Đòi hỏi bất tận, không cùng.

Lạy Chúa, xin soi sáng cho con biết điều Chúa mong chờ con. Khi con đã rõ, xin đừng bỏ con.  Nhưng xin giúp con hoàn tất điều đó.

Hôm nay Chúa chọn người làm dân riêng Chúa.

Đó là cách diễn tả của Giao ước, một sự chọn lựa hỗ tương. Một sự trao đổi tình yêu. Con chọn Chúa, Chúa chọn con. Con yêu Chúa, Chúa yêu con.

Đừng bỏ qua nhanh những diễn tả này.

Đây là kinh nghiệm chậm chạp và lâu dài của dân Do Thái, đánh dấu bằng những khủng hoảng và những hội phản.

Giữa các dân tộc, ngươi sẽ là dân thánh của Thiên Chúa.

Chọn Chúa là mang lấy trách nhiệm.  Nói mình là “Kitô hữu”, là dấn  thân trọn vẹn : một đòi hỏi tuyệt đối, một sự thánh hiến cho Thiên Chúa. Một  sự đoàn kết với phương án của Thiên Chúa, với cách nhìn của Thiên Chúa.

Cái nhìn của tôi về thế giới có là cái nhìn của Chúa không ?    

Sự dấn thân phục vụ thế giới của tôi có theo cùng đường hướng tới Chúa không ? Dân Thiên Chúa ! Dân thánh của Thiên Chúa.

BÀI TIN MỪNG : Mt 5, 43-48

  Yêu thương... hơn nữa ! Như Cha anh em.

Anh em đã nghe Luật dạy : "Yêu bạn, ghét thù. Còn Thầy, thầy bảo anh em : "Phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em".

Thật là vấn đề vô cùng quan trọng đối với con người. Lạy Chúa, Chúa trở lại vấn đề đó, Chúa nhấn mạnh như không còn lối thoát nào khác.

Cần phải bỏ ranh giới ! 

Phải đạp đổ mọi bức tttờng phân cách chúng ta.

Đối với Đức Giêsu, không còn có những người xa lạ hay kẻ thù nữa, vì ta phải yêu thương họ.

Đó có phải là một ảo tưởng ? Hay một sự ngây thơ không ? Đức Giêsu có là một con người chỉ ưa mơ mộng không ?

Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.

Không, Đức Giêsu không ngây thơ. Lập luận của Người không thay đổi và mang tính triệt để, Người quen nhìn mọi sự với mọi quan điểm khác chúng ta. Người nhìn con người với quan điểm của Thiên Chúa. Những lời sau đây biểu lộ điều đó : Phải chúc phúc... Phải cầu nguyện.

Mối tình huynh đệ phổ quát mà Người rao giảng chỉ là hiệu quả của một mối tình cốt yếu khác : Mối tình phụ tử phổ quát.

Người cho mặt trời mọc lên : Soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên kẻ dữ cũng như người lành.

Mối tình “không biên giới" mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta trên đây, chính Người đã sống trước. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người. Thiên Chúa yêu thương cả những kẻ không yêu thương Người. Người tràn đổ ân phúc trên tất cả. Người cho mặt trời mọc lên đẹp tươi và làm mưa ân phúc...

Như thế, Đức Giêsu đã nói với ta, khi ta không yêu thương một người nào thì ta cũng từ chối yêu thương “kẻ mà Thiên Chúạ yêu thương". Kẻ thù của tôi cũng được Thiên Chúa yêu quý. Kẻ thù nghịch tôi cũng là một người con của Thiên Chúa.

Do đó, đây không phải là một nguyên tắc xã hội hay một lý tưởng nhân bản đẹp.

Chính Thiên Chúa là điểm quy chiếu duy nhất. Tâm tính của ta cần phải phù hợp với tâm tình của Chúa. Cần bắt chước Người. Ta phải trở nên giống Người. Để thực sự là con cái của Người.

Vì nếu anh em chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người thu thuế... người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ?

Yêu những người yêu ta, giống ta, phù hợp với ta... thì thật là tự nhiên ! Thiên Chúa đòi hỏi ta tiến xa hơn. Người đòi ta mở rộng tâm hồn vượt qua phạm vi bạn hữu, cha mẹ, giới nhóm của ta.

Đức Giêsu, người đầu tiên, yêu thương kẻ thù nghịch mình... và tỏ lòng xót thương họ. Đó là những kẻ vừa kết án và đánh đòn Người: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

Thế hệ của chúng ta đang chứng kiến cả một thời kỳ bạo lực dữ dội mỗi ngày càng tăng, có nhận ra các Kitô hữu nghiêm chỉnh tuân giữ giáo huấn của Tin Mừng không ? Đó không phải là cơ may duy nhất cho nhân loại sao ?

Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, là Đấng hoàn thiện.

Ta không bao giở chấm dứt yêu thương.  Tình yêu thì tuyệt đối. Như Thiên Chúa.

Dù có bị tình yêu thiêu đốt đến chết được, ta vẫn chưa yêu đủ. Không khi nào yêu thương đủ. Tình yêu là tất cả chính Thiên Chúa !

Đó là một thứ chay tịnh khẩn thiết hơn mọi thứ ăn chay và hy sinh khác. Lạy Chúa, xin hãy ngự vào tâm hồn con, để giúp con yêu mến những kẻ con chua yêu thương, những kẻ làm hại con. Lạy Chúa, xin giúp con yêu mến mọi kẻ Chúa yêu thương. Như Chúa.

 

 

 

 

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương