Thứ Năm, 28 Tháng Chín, 2017 72

Thứ Năm trong tuần thứ 26 Mùa TN

05/10/2017

5 Tháng Mười

Chân Phước Marie-Rose Durocher
(1811-1849)

 

Trong khoảng thời gian tám năm đầu của cuộc đời Chân Phước Marie-Rose Durocher, Gia Nã Ðại chỉ có một giáo phận trải rộng từ đông sang tây. Số dân Công Giáo lúc đó là nửa triệu và được thừa hưởng tự do tôn giáo cũng như quyền công dân từ Anh Quốc mới 44 năm trước đó. Khi Marie-Rose được 29 tuổi, Ðức Giám Mục Ignace Bourget làm Giám Mục Montréal. Ngài là người có ảnh hưởng đến cuộc đời của chân phước Marie-Rose.

 

 Ðức giám mục phải đối phó với vấn đề thiếu linh mục và nữ tu, phần lớn số dân quê không có học vấn. Cũng như các giám mục ở Hoa Kỳ, ngài sục sạo khắp Âu Châu để tìm sự giúp đỡ và chính ngài thành lập bốn tu hội, một trong những tu hội ấy là các Nữ Tu của Danh Thánh Giêsu và Maria. Nữ tu đầu tiên và cũng là vị sáng lập là Marie-Rose.

 

Marie-Rose sinh năm 1811 tại một ngôi làng nhỏ bé gần Montréal, và là người con thứ 10 trong gia đình 11 người con. Ngài được giáo dục kỹ lưỡng, và tinh nghịch như con trai, biết cưỡi ngựa và cũng có thể dễ dàng lập gia đình. Khi lên 16 tuổi, ngài cảm thấy muốn đi tu nhưng buộc phải từ bỏ ý định này vì thể chất yếu ớt. Lúc 18 tuổi, mẹ ngài từ trần, người anh linh mục của ngài mời người cha và em mình đến sống trong giáo xứ của linh mục ở Beloeil, không xa Montréal là bao. Trong 13 năm, Marie-Rose phục vụ như một người quản gia, người chủ nhà và là nhân viên của giáo xứ. Ngài nổi tiếng vì sự tử tế, hay giúp đỡ, tế nhị và giỏi lãnh đạo; quả thật, ngài được gọi là "vị thánh của Beloeil."

 

Khi còn trẻ, Marie-Rose thường hy vọng là một ngày nào đó sẽ có tu hội của các sơ chuyên lo việc giáo dục trong mỗi giáo xứ, không ngờ chính ngài lại thành lập một cộng đồng như vậy. Cha linh hướng của ngài, Cha Pierre Telmon, O.M.I, sau khi tỉ mỉ (và khắt khe) hướng dẫn tinh thần của ngài, đã khuyên ngài thành lập một tu hội. Ðức Giám Mục Bourget tán thành, nhưng sơ Marie-Rose chùn bước trước viễn ảnh đó. Chưa một phụ nữ Gia Nã Ðại nào dám làm điều như vậy. Ngài thì yếu ớt, trong khi cha và anh ngài đang cần đến sự giúp đỡ của ngài.

 

Sau cùng ngài đồng ý, và với hai người bạn, Melodie Dufresne và Henriette Cere, di chuyển đến một căn nhà nhỏ ở Longueuil, đối diện với Montréal qua con sông St. Lawrence. Cùng với họ là 13 thiếu nữ đã sẵn sàng vào nội trú. Từ từ, tu hội phát triển đến Bethlehem, Nazareth và Gethsemane. Lúc ấy Marie-Rose 32 tuổi và chỉ còn sống thêm có sáu năm nữa -- đó là những năm ngập tràn thử thách, khó khăn, đau yếu và nhiều điều vu cáo. Những đức tính mà ngài ấp ủ trong thời gian "ẩn dật" đã lộ ra -- một ý chí mạnh mẽ, thông minh và có lương tri. Từ đó, phát sinh một tu hội có tầm vóc quốc tế gồm các nữ tu tận hiến cho việc giáo dục đức tin.

 

Ngài khắt khe với chính bản thân và cũng thật nghiêm khắc đối với các sơ trong dòng nếu dựa theo tiêu chuẩn ngày nay. Bên trong tất cả những điều ấy, dĩ nhiên, là điều phổ thông đối với các thánh: một tình yêu không lay chuyển dành cho Ðức Kitô trên thập giá.

Vào lúc lâm chung, lời cầu nguyện mà người ta thường nghe ngài thầm thĩ là "Giêsu, Maria, Giuse! Lạy Chúa Giêsu nhân lành, con yêu Chúa. Xin Chúa ở với con!" Trước khi chết, ngài mỉm cười và nói với các nữ tu, "Lời cầu xin của các chị đã giữ tôi ở đây - hãy để tôi đi."

 

Lời Bàn

Ba đặc tính Kitô Giáo luôn luôn đi với nhau là cầu nguyện, hãm mình và bác ái. Trong thời đại ngày nay, chúng ta thấy có những người nỗ lực sống bác ái, thực sự lưu tâm đến người nghèo. Biết bao Kitô Hữu đã cảm nghiệm được một hình thức cầu nguyện chân thành. Nhưng còn hãm mình thì sao? Chúng ta bối rối khi nghe thấy những hình thức hãm mình ghê gớm của các thánh, như Marie-Rose. Dĩ nhiên, không phải ai ai cũng được như vậy. Nhưng hấp lực của một nền văn hóa vật chất dẫn đến việc hưởng thụ và tiêu khiển thì không thể nào cưỡng chống được nếu không có một hình thức nào đó của sự chủ tâm và tiết chế vì Ðức Kitô. Ðó là một tiến trình trong việc đáp lời mời gọi của Ðức Kitô để sám hối và thực sự quay về với Thiên Chúa.

 

Lời Trích

Ðối với các nữ tu rời bỏ đời sống tu trì, chân phước Marie-Rose viết: "Ðừng bắt chước những người, mà sau khi một vài tháng sống trong nhà dòng, họ ăn mặc thật khác biệt, nhiều khi lố bịch. Các bạn trở về với tình trạng thế tục. Lời khuyên của tôi là, hãy sống như những ngày ở trong dòng, dù có ở xa đi nữa."

 


Trích từ NguoiTinHuu.com

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương