ĐÊM NHẠC HẢI LINH II_TƯỞNG NHỚ CỐ NHẠC SƯ PHANXICÔ ATXIDI HẢI LINH
Nhân dịp giỗ 25 năm (1988-2013) của cố Nhạc sư.
Chiều ngày CN, 6-1-2013, Nhóm Quê Hương cùng với các học viên Các Lớp Nhạc Quê Hương đã tổ chức Thánh Lễ Giỗ năm thứ 25 cầu nguyện cho cố Nhạc Sư Hải Linh tại Thánh đường Giáo xứ Phanxicô Đakao, do Lm Quản xứ Giuse Phạm văn Bình chủ tế và giảng lễ.
Đúng 7g30 đêm thứ 6, ngày 31-05-2013, Nhóm Quê Hương và các Môn sinh lại bắt đầu Đêm Nhạc Tưởng Nhớ tại giáo đường giáo xứ Xóm Thuốc để cầu nguyện và tưởng nhớ đến Nhạc sư Hải Linh, bằng cách giới thiệu một số nhạc phẩm tiêu biểu của Nhạc sư.
Sau lời tự giới thiệu của các người dẫn chương trình: Lm Đinh Trọng Đệ, OFM, và Nữ tu Ngọc Lan, FMM, Linh mục chính xứ Giuse Nguyễn văn Chủ, hạt trưởng hạt Gò Vấp, thành viên ban Tổ chức, đã chào mừng và giới thiệu quan khách, đặc biệt là ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn văn Hòa, nguyên Chủ tịch và đương kim Cố vấn UBTNVN, Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch UBTNVN, GS.TS. Trần Văn Khê, nguyên GS dân tộc âm nhạc dân tộc học tại Đại học Sorbonne, Pháp, thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO…
Tiếp đến là lời giới thiệu nội dung chương trình của Linh mục Giuse Nguyễn Xuân Thảo. Qua một số tác phẩm tiêu biểu, Đêm Nhạc muốn giới thiệu Lối viết Thoáng mỏng cũng như Lối Trình tấu Sống động của cố Nhạc sư Hải Linh: “ Trong lối viết thoáng mỏng của Cố Nhạc Sư, luôn tôn trọng và đề cao lời ca, luôn giữ được tính cách nhẹ nhàng, tinh tế, âm hưởng dân ca Việt Nam. Khi có dàn nhạc đệm cho những tác phẩm này sẽ nâng cao tiếng hát và làm cho tác phẩm phong phú hơn về âm sắc, âm vực, hòa âm phức điệu, tiết tấu và hình tượng âm nhạc.”
Hinh2: NS Nam Hải chỉ huy "Dạo Khúc Cung Thương.
Sau đó là phần Tưởng niệm với bài “Dạo Khúc Cung Thương” do Nhạc sư Hải Linh sáng tác năm 1983 cho đàn phím, được Nhạc sĩ Nam Hải soạn lại cho Dàn nhạc giao hưởng hòa tấu năm 1988, và hôm nay được Nhạc sĩ Nam Hải đích thân chỉ huy. Cùng lúc đoàn niệm hương-hoa-nến gồm đại diện Nhóm Quê Hương, Thân nhân, Đại diện Ca đoàn Hồn Nước, đại diện các môn sinh khác trong Ca Đoàn Quê Hương Tổng Hợp từ Đa Kao và Hố Nai, do Linh mục Nguyễn Văn Chủ dẫn đầu từ từ tiến lên dâng nến, dâng hoa, và niệm hương trước di ảnh của cố Nhạc sư.
Tiếp chương trình là phần Tưởng Niệm bằng các bài Hợp Xướng của Ca đoàn và cộng đoàn, với phần đệm hoặc hòa tấu của Dàn nhạc. Ngoài bài hòa tấu “Dạo Khúc Cung Thương”, các bài khác gồm có:
- Đà Lạt Trăng Mờ (Hàn Mặc Tử – Hải Linh; chỉ huy: Nữ tu Thiên Lan)
- Thằng Bờm (Ca dao – Hải Linh; chỉ huy: Nhạc sĩ Hương Vĩnh)
- Trường ca Ave Maria (Hàn Mặc Tử – Hải Linh; chỉ huy: Lm Ns Xuân Thảo)
- Nhân chứng Đức Tin (Hải Linh; chỉ huy: Nhạc sĩ Hương Vĩnh)
- Hang Bêlem (Hải Linh; chỉ huy hòa tấu: Nhạc sĩ Nam Hải)
- Ngài là Thiên Chúa (Te Deum, bản dịch: Lm Anh Minh – Hải Linh; chỉ huy Nữ tu Thiên Lan)
- Nữ Vương Hòa Bình (Hải Linh; chỉ huy ban Hợp xướng và Dàn nhạc: Nhạc sĩ Nam Hải; chỉ huy cộng đoàn: Linh mục Nguyễn Văn Chủ)
Sau đó là phần phát biểu của ĐHY, Đức Cha Nguyễn Văn Hòa, và GS.TS. Trần Văn Khê.
ĐHY chỉ muốn nói lên cảm nhận của Ngài. Trong Chân, Thiện và Mỹ, Ngài muốn đề cập đến cái Thiện trong âm nhạc, tức cái nó đánh động, nó ích lợi cho người nghe, nó giúp nâng tâm hồn con người lên, chứ không đè bẹp người nghe. Thú vị là Ngài không trực tiếp nói, mà mách lại câu nói của Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch Ủy ban thánh nhạc thuộc HĐGM, nói nhỏ với ĐHY rằng “ngài đã nghe nhiều ca đoàn lắm rồi hát rất hay, mà thấy ca đoàn này đây là hay nhất rồi.”
Các nhận định của Đức Cha Phaolô cũng rất sâu sắc, đi vào cái ý hướng sâu xa hội nhập văn hóa của cố Nhạc sư : “Bằng nhiều tác phẩm để lại cho hậu thế, với những dòng ca rất được ưa chuộng và một lối viết nhạc rất riêng, Hải Linh đã đóng góp nhiều trong lãnh vực âm nhạc nhất là lãnh vực thánh ca, nhờ đó, khẳng định được vai trò của mình, vai trò của lớp người đi khai phá trong sáng tác và hòa âm nhạc đạo cũng như nhạc đời. Qua các tác phẩm đa dạng và phong phú, Hải Linh như muốn nói với mọi người rằng: “Tuy chúng tôi dùng kỹ thuật hoà âm và sáng tác tiên tiến của thế giới, nhưng chúng tôi luôn vẫn là chúng tôi, chúng tôi luôn vẫn là người VIỆT NAM”. (Xem toàn bài thuyết trình của ĐC Phaolô:Hải Linh và Lối Viết Thoáng Mỏng)
Phần GS.TS. Trần Văn Khê, một nhạc sĩ đã đi đây đó rất nhiều, đã thấy và đã nghe nhiều, đã chân thành chia sẻ: “Những sáng tác của Hải Linh như thế mà được Dàn nhạc và Ca đoàn giới thiệu trực tiếp, nhất là như Ca đoàn và Dàn nhạc hôm nay giới thiệu không phải là kỹ thuật không, mà giới thiệu cho chúng ta với cả con tim của mình, cả một cái tâm hồn của mình. Đờn lên có thần, mà ca cũng có thần, người biểu diễn thì tuyệt vời…Thành ra, sau khi ngồi nghe, chúng tôi bị lôi cuốn mà cảm nhận rằng có một cái luồng vô hình nối liền những người biểu hiện âm nhạc của Hải linh với những người thưởng thức âm nhạc của Hải Linh…Hôm nay [đàn hát ] là truyền thần…chúng tôi ngồi nghe mà bị lôi cuốn từ giây từ phút, cái buổi hòa nhạc hôm nay không phải chỉ có nội dung của Nhạc sư là tuyệt vời, mà hình thức biểu hiện cũng tuyệt vời….Chúng ta thấy được rõ ràng là người nhạc sĩ như Hải Linh luôn luôn tha thiết với niềm tin tôn giáo về mặt nội dung, nhưng mà nặng tình với Quê hương, Đất nước về mặt hình thức.”
Sau phần phát biểu là phần Kết thúc, với lời cám ơn của Lm Xuân Thảo và bài hát Nữ Vương Hòa Bình, dâng kính Đức Mẹ trong ngày cuối tháng hoa. Bài này được Nhạc sư sáng tác cho kỳ Đại hội Thánh mẫu năm 1959. Năm 1986, Nhạc sĩ Nam Hải soạn cho Dàn nhạc đệm. Lm Hạt trưởng điều khiển cộng đoàn cùng chung tiếng với Ca đoàn và Dàn nhạc do NS Nam Hải chỉ huy.
Xuân Thảo lược ghi
( Xin xem chi tiết và hình ảnh ở http://vietcatholic.net/News/Html/109130.htm )