Thứ Tư, 08 Tháng Mười Một, 2017 220

Thánh Charles Borromeo, Tiến Sĩ

04/11/2017

 

 

4 Tháng Mười Một

Thánh Charles Borromeo
(1538-1584)

 

Tên của Thánh Charles Borromeo đi liền với chữ cải cách. Ngài sống trong thời kỳ Cải Cách Tin Lành, và đã tiếp tay trong công cuộc cải cách toàn thể Giáo Hội trong những năm cuối của Công Ðồng Triđentinô.

 

 Mặc dù ngài thuộc về một gia đình quý tộc ở Milan và có bà con với dòng họ Medici rất uy thế, nhưng ngài lại muốn tận hiến cho Giáo Hội. Khi người bác của ngài là Ðức Hồng Y de Medici được chọn làm giáo hoàng năm 1559 với tước hiệu là Piô IV, đức giáo hoàng đã chọn ngài làm trưởng phó tế và là quản lý của Tổng Giáo Phận Milan trong khi ngài chỉ là một sinh viên giáo dân. Vì sự thông minh xuất chúng nên ngài được giao cho nhiều chức vụ quan trọng có liên hệ đến Tòa Thánh, và sau này được bổ nhiệm làm bộ trưởng chịu trách nhiệm toàn thể ban hành chánh của tòa thánh. Cái chết đau đớn của người anh đã đưa ngài đến quyết định đi tu làm linh mục, mặc dù bao người thân nhân ngăn cản. Ngài được thụ phong linh mục năm 25 tuổi, và sau đó không lâu được tấn phong làm giám mục của Milan.

 

Chính thánh nhân là người đã thúc giục đức giáo hoàng phục hồi Công Ðồng Triđentinô vào năm 1562 sau 10 năm bị ngưng trệ. Ðứng ở đằng sau và âm thầm làm việc, thánh nhân là người có công trong việc duy trì sự liên tục của các khóa họp Công Ðồng mà nhiều khi tưởng đã đổ vỡ. Trong giai đoạn cuối của Công Ðồng, ngài là người chủ yếu trong việc hướng dẫn và thành hình các sắc lệnh của công đồng. Hiển nhiên ngài cũng được phép dành thời giờ để làm việc cho Tổng Giáo Phận Milan, là nơi mà tôn giáo và luân lý thật sáng tỏ.

 

Sự cải tổ cần phải thi hành trong mọi tầng lớp Công Giáo, dù là giáo sĩ hay giáo dân, và được khởi sự từ các công đồng địa phương với các giám mục phụ tá. Những quy luật rõ ràng được đặt ra cho các giám mục và tu sĩ: Nếu người ta thay đổi đời sống để trở nên tốt lành hơn, thì giáo sĩ phải là những người làm gương và phải canh tân tinh thần tông đồ của mình trước hết.

 

Chính Thánh Charles tiên phong trong việc làm gương. Ngài chia sẻ hầu hết phần lương của ngài cho công việc bác ái, tự ý từ bỏ đời sống sang trọng của một tổng giám mục, và ăn chay đền tội. Ngài hy sinh giầu sang, danh vọng, sự mến mộ và ảnh hưởng để trở nên nghèo hèn. Trong thời kỳ dịch tễ và đói kém năm 1576, ngài cố tìm cách để nuôi ăn 60,000 đến 70,000 người mỗi ngày. Ðể thực hiện điều này, ngài phải mượn một số tiền rất lớn mà nhiều năm sau mới trả hết. Khi nạn dịch hoành hành đến mức tối đa, các giới chức hành chánh dân sự bỏ trốn thì ngài vẫn ở lại thành phố để thi hành công việc mục vụ cho những người đau yếu, người hấp hối và những ai cần sự giúp đỡ.

 

Vào năm 1578, ngài thành lập một tổ chức cho các linh mục triều, Tu Sĩ của Thánh Ambrôsiô (bây giờ là Tu Sĩ của Thánh Charles), tích cực rao giảng, chống với sự xâm nhập của các tà thuyết, và đưa những người Công Giáo lầm lạc trở về với Giáo Hội.

 

Công việc và gánh nặng của chức vụ đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài. Ngài từ trần khi mới 46 tuổi và được phong thánh năm 1610.

 

Lời Bàn

 

Thánh Charles đã sống theo lời Ðức Kitô: "... Khi ta đói con đã cho ta ăn, ta khát con đã cho ta uống, ta lạc lõng con đã tiếp đón, ta trần truồng con đã cho áo mặc, ta đau ốm con đã chăm sóc, ta tù đầy con đã thăm viếng" (Mt. 25:35-36). Thánh Charles đã nhận ra Ðức Kitô trong tha nhân, và ngài biết rằng công việc bác ái được thi hành cho những người bé mọn là được thi hành cho Ðức Kitô.

 

Lời Trích

 

"Trong cuộc lữ hành trần thế, Ðức Kitô luôn mời gọi Giáo Hội hãy cải tổ liên tục và đó là điều rất cần thiết, vì giáo hội là một tổ chức của con người. Do đó, nếu ảnh hưởng của các biến cố hay thời cuộc đã đưa đến những khiếm khuyết trong hành động, trong kỷ luật của Giáo Hội, hay ngay cả trong việc hình thành tín lý (cần thận trọng phân biệt với kho tàng đức tin), thì những khiếm khuyết ấy phải được chấn chỉnh một cách thích hợp và đúng lúc" (Sắc Lệnh về Ðại Kết, 6).

 

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương