Thứ Ba, 02 Tháng Ba, 2010 1.817

PHỎNG VẤN TÁC GIẢ Nhạc Phẩm Bất Hủ HANG BÊ LEM Nhạc Sĩ Hải Linh và Nhạc Việt Trần Văn Chí Thành

Chí Thành : Nhạc phẩm “ Hang Bê lem ” của nhạc sĩ đã được hát hàng ngàn hàng vạn lần ở những nơi có người Việt khi mùa Giáng Sinh đến. Xin Nhạc Sư cho biết đôi dòng về bài đó.

Hải Linh : Đó là bài đầu tiên mà tôi viết vào tháng 11 năm 1945. Lúc ấy tôi được 25 tuổi và đang dạy học ở trường Thầy Giảng ở Nam Định.

Một hôm tôi đi ngang qua tòa soạn bán nguyệt san Đường Sống ở Nam Định, ông Minh Châu – chủ nhiệm – thấy tôi thường hay hát nên đố tôi làm được một bài để đăng vào báo Đường Sống nhân mùa Giáng Sinh. Tôi nhận lời và hẹn 3 ngày sau trở lại.

Sau ba ngày tôi đưa bản nhạc “Hang Bê lem” tới tòa soạn và tập sơ qua cho một số anh em trong tòa soạn. Khi hát lên, mọi người thấy thích quá nên ông Minh Châu mới thương lượng với tôi thế này : Ông sẽ chịu chi phí cho một người cầm bản nhạc lên Hà Nội để tìm Mạnh Quỳnh và thuê Mạnh Quỳnh khắc vào bản gỗ ; rồi sau khi đã in vào 2000 số báo Đường Sống thì ông Minh Châu sẽ cho tôi lại bản gỗ của bản nhạc. Tôi cũng đồng ý như vậy.

Tôi còn nhớ là lúc ấy tôi đã in ra 500 bản để bán với giá 3 hào hay 3 xu gì đó. Tôi gửi lên Hà Nội 10 bản. Một số nhà thờ hát và nhiều người thấy hay nhưng không tìm đâu ra bản nhạc. Thật tôi là một anh nhà quê vì đối với thủ đô Hà Nội mà chỉ gửi có 10 bản nhạc ! Một điều rất đặc biệt là Cha Kim Định đã mua một bản danh dự với giá 100 đồng ! Tôi cũng gửi biếu Đức Cha Phạm Ngọc Chi – lúc ấy còn là Linh mục và đang dạy ở trường Lý Đoán Phát Diệm – một bản.

Sau khi bài đầu tiên được hưởng ứng nồng nhiệt, tôi rất lên tinh thần và tôi cứ thong thả viết cho đến năm 1946 tôi đã xuất bản một quyển Ca Vịnh gồm nhiều bài về Đức Mẹ, trong đó có những bài rất phổ biến như :

Mẹ ơi ! Đoái thương xem nước Việt Nam”

“Giáo dân bao xiết mừng”

“Ngày nay con đến hát khen…” (dâng Hoa )

Chí Thành : Lối viết của Nhạc Sư rất nhẹ nhàng thanh thoát, giản dị và dễ phổ biến. Xin Nhạc Sư cho biết đã học nhạc ở đâu ?

Hải Linh : Lúc ấy chưa có ai dạy tôi về âm nhạc cả. Khi tôi lên 13 tuổi thì được một Linh mục người Tây Ban Nha tên là Rangel (Việt Nam gọi là Cố Lễ) dạy tôi nhiều bài hát đạo. Tôi mượn sách của Cha Rangel về xem tự tìm hiểu : so sánh những gì tôi đang hát với những dấu nhạc ghi trong bài… Cứ thế tôi tìm hiểu rồi viết nhạc và thấy mọi người ưa chuộng những bản nhạc của tôi.

Cho đến năm 1950 khi Cha Phạm Ngọc Chi thụ phong Giám Mục coi sóc địa phận Bùi Chu, Ngài đã nhớ đến bài hát của tôi tặng ngài trước đây nên ngài đã gửi tôi sang học tại Âu Châu. Tôi học khoảng 7 tháng tại Pontifical de Rome (Ý), rồi sau đó sang Ba Lê (Pháp), học ở trường Cesar Franck là một trường chuyên dạy về sáng tác. Tôi học từ năm 1950 đến năm 1956 thì về Sàigòn. Luận án của tôi là “La couleur Vietnamienne dans le Chant Grégorien” (Màu sắc Nhạc Việt trong Bình ca). Trong thời gian học ở Ba Lê, tôi ở cùng một nhà với Cha Kim Định. Cha Kim Định đã giúp đỡ tôi rất nhiều, đã xây dựng ra tôi. Cũng trong thời gian ấy, Cha Kim Định thì tranh luận với các tư tưởng gia Tây phương về Triết học, còn tôi thì tranh luận với các nhạc sĩ Tây phương về âm nhạc… nên cả hai chúng tôi đã thấm nhuần những điều sở học.

Chí Thành :Xin Nhạc sư cho biết về những tác phẩm mà Nhạc sư đã sáng tác cho đến nay.

Hải Linh : Tôi phải thú nhận rằng tôi không có sáng tác gì cả vì chỉ có một Đấng Tạo Hóa mới thực sự sáng tác mà thôi. Còn tôi cũng như bao nhiêu người khác thì không dám nói là mình sáng tác. Tôi chỉ có “sàng tạc” được một đôi bài. Sàng là sàng qua lọc lại ; tạc là dựa vào một mô thức đa có sẵn để chế biến… như người tạc tượng vậy.

Viết nhạc cũng cực như lao động chân tay vậy vì phải cưu mang, phải tính toán, rồi còn phải biết lý tưởng hóa những cảm nghĩ, tình cảm v.v… Mỗi bài phải có một sức sống riêng. Tất cả những bài tôi viết nằm trong hai chủ đề là :

1 – Tôn Vinh Thiên Chúa

2 – Tán Tụng Quê Hương Việt Nam.

Tôi phải cảm tạ Thiên Chúa suốt ngày, suốt đời tôi, vì Ngài đã cho tôi biết được một thứ ngôn ngữ tế vi và phổ quát của nhân loại. Tôi cũng phải luôn luôn tán tụng Quê Hương vì đã dưỡng dục tôi.

Về loại thứ nhất, tôi viết những bài chia làm 3 loại sau đây :

a/ Trường ca các Tạo vật (dùng lời kinh của Thánh Phanxicô). Tập này có 10 bài và đã hoàn tất được 8 bài. Trong số 10 bài này có những bài như “Ông Anh Mặt Trời” , Trăng Sao, Tinh Tú, Nước, Lửa… tất cả đều cất tiếng ca tụng Thiên Chúa. Ngoài ra có “Khúc Ca Mặt Trời” cũng là 1 bài được nhiều người ưa thích.

b/ Giáo trường ca Ave Maria (phổ nhạc bài thơ “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria” của Hàn Mặc Tử). Trường ca này gồm 10 bài trong đó có ba bài mà nhiều người đã hát, đã nghe “Như sóng lộc triều nguyên ơn phước cả”, bài “Mẹ là Đấng tinh tuyền thanh vẹn” và bài “Tấu lạy Bà”. Trường ca này dài 26 trang.

c/ Một số bài độc lập (không nằm trong bộ hay trường ca nào).

Kính Mừng Nữ Vương (viết cách đây 28 năm dịp Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc tại Saigon năm 1958)

Tán tụng hồng ân (thơ của Vũ Đình Trác).

Tạ ơn Thiên Chúa (tức kinh “Te Deum”).

Và nhiều bài khác nữa đã được hát trong 40 năm qua .

Về loại thứ hai có các bài sau đây :

a/ Đại tấu Chinh Phụ Ngâm (trích thơ tác phẩm văn chương Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn). Bài này vẫn viết theo nhạc Việt nhưng hình thức viết thì theo lối Tây phương chia làm 3 hành âm (movement) : Từ khi có lệnh chiến chinh ”Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt…” cho đến khi người Chinh Phụ tiễn chân người Chinh Phu lên đường tại bến Hàm Dương “ chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại…” rồi cảnh người Chinh Phụ cô đơn chiếc bóng ở lại nhà săn sóc mẹ già và con thơ ”Gà eo óc gáy sương năm trống…”. Phần kết kể lại ngày đoàn viên khi người Chinh Phu trở về ”Mở khăn lệ chàng trông từng tấm. Đọc thơ sầu chàng thấm từng câu. Câu vui đổi lấy câu sầu…”

b/ Đại tấu Chuông Hòa Bình . Bài này viết cho giàn nhạc Đại hòa tấu và Ban Hợp ca cùng với một số nhạc khí cổ truyền Việt Nam. Bài này tôi viết để riêng tặng tổ chức An Việt của Cha Kim Định.

c/ Nhạc Kịch Thơ Duyên Kỳ Ngộ (thơ của Hàn Mạc Tử) gồm nhiều đoạn. Đây là một tiểu nhạc kịch (micro opera) đã được hoàn tất trong thời gian tôi còn học tại Ba Lê – Pháp, khoảng năm 1955.

d/ Trường ca Cung Đàn Bạc Mệnh (trích thơ của Nguyễn Du trong tác phẩm văn chương trứ danh “Truyện Kiều”). Trường ca này có 4 cung chia ra như sau :

  • Cung thứ nhất : gồm 10 bài tả lại tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Kim Trọng nghe. Cung này đã hoàn tất và đã có trình tấu.

  • Cung thứ hai : gồm 6 bài tả lại tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Thúc Sinh và Hoạn Thư nghe. Cung này cũng đã hoàn tất.

  • Cung thứ ba : tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Hồ Tôn Hiến. Đây là cung cay đắng nhất. Tôi đã tấu lên phần nhập đề (introduction) rồi, nhưng chưa có thì giờ khai thác hết.

  • Cung thứ tư : tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Kim Trọng. Cung này cũng chưa hoàn tất. Khi viết cung thứ nhất, tôi có vào Chợ Lớn tìm gặp học giả Lý Văn Hùng để hỏi “ngày xưa khi giao tranh, ngựa ra từ mấy cửa”. Học giả Lý Văn Hùng cho biết là “ngựa ra từ 12 cửa”. Ông Lý Văn Hùng cũng đã diễn tả được cánh hạc bay như thế nào…

e/ Một số bài độc lập như :

-- Đà Lạt Trăng Mờ (thơ Hàn Măc Tử). Đã trình tấu tại Thảo Cầm Viên Sàigòn cùng với giàn nhạc Đại hòa tấu từ New York sang (khoảng năm 1958)

-- Nhạc Việt

-- Hương Quê

– Cóc quân đả phá Thiên đình

-- Thằng Bờm có cái quạt mo

-- Ra khơi

-- Lòng mẹ (lời của Y Vân)

-- Ra đời (thơ Hàn Mạc Tử)

-- Tình nước non.

Nói chung ra thì một bài nhạc phải tồn tại từ 30 đến 40 năm mới thực sự có giá trị và trường tồn.

Chí Thành : Hầu hết những bài của Nhạc sư đều viết theo thể nhạc Việt. Xin Nhạc sư cho biết đã học nhạc Việt ở đâu ?

 Hải Linh : Về vốn liếng nhạc Việt, tôi đã thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau : tiên khởi là do mẹ tôi dạy tôi khi tôi còn nhỏ vì hồi đó mẹ tôi là một “bà quản” thuộc rất nhiều bài hát cổ xưa. Mẹ tôi chuyên dạy cho các cô trong xứ đạo. Các cô học hát được chia làm hai loại khác nhau : những cô hát và tiến hoa thì được gọi là “con hoa” ; Những cô chỉ hát mà không tiến hoa gọi là “học trò”.

Tôi sinh trưởng ở miền Bắc nên đã biết tất cả các hơi bắc từ vãn, vè, than, trống quân, cò lả, quan họ, chèo v.v… chẳng hạn những tiếng “hò dô ta, ơ dô ta” là tiếng hò trên sông Mã ở Thanh Hóa… Về loại “cổ giáo nhạc Việt” (chant paraliturgique) tôi cũng có đầy đủ. Ngoài ra tôi cũng có thêm hai vốn đặc biệt khác nữa là Hy Lạp và Bình Ca (Chant Grégorien) của Tây phương, do đó, hiểu thấu đáo nhạc Việt có những nét tinh túy độc đáo khác hẳn với nhạc Trung Hoa, Nhật Bản hay Chiêm Thành…

Chí Thành : Nhạc sư có sáng tác tân nhạc không ?

Hải Linh : Tôi không viết bản nào cả.

Chí Thành : Nhận xét của Nhạc sư về loại nhạc bây giờ ?

Hải Linh : Sau thế chiến, các đại tư tưởng gia Tây phương đã loan báo về tình trạng khủng hoảng trầm trọng của thế giới Tây phương : lo âu, xao xuyến, bất an v.v… Toynbee nói về “sự trống rỗng tinh thần của Châu Âu (nihilisme occidental), Berdiaeff cho rằng “Tây phương đang lo âu đến vực thẳm vì mọi giá trị đang sụp đổ.” Đại loại là như vậy trong khi nhạc Tây phương đã đến chân tường nên bây giờ hầu hết những người viết nhạc chỉ cần làm sao cho khác thường, giật gân, kinh khủng, quái gở… từ cách viết đến cách hát : la hét, nằm lăn quay ra đất v.v…

Chí Thành : Hiện trạng trên là đối với loại nhạc bây giờ, chứ trong quá khứ Tây phương đã sản xuất được những công trình rất đồ sộ hùng vĩ của một Beethoven, một Mozart, một Palestrina, một Haendel…

Hải Linh : Âm nhạc Tây phương dựa trên thất âm tức là âm giai trưởng, âm giai thứ và thịnh hành từ thế kỷ XVI. Hệ thống thất âm thích hợp với ngôn ngữ Tây phương, diễn tả tâm tình của người Tây phương. Trong suốt 4 thế kỷ, nguồn cảm hứng đã được khai thác hết, đã được chắt lọc rất kỹ, đã hết nhựa sống. Các nhạc sĩ tài danh đã khai thác từ đơn điệu đến hòa âm. Nói tóm lại là nhạc Tây phương đã đến góc tường rồi và từ đầu thế kỷ XX người ta đã đổ đi tìm nguồn cảm hứng mới..

Chí Thành : Xin Nhạc sư cho biết những độc đáo của nhạc Việt.

Hải Linh : Nhạc Việt dùng hệ thống ngũ cung. Nhạc Trung Hoa từ nguyên thủy dựa trên hệ thống ngũ cung là : Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Khi người Việt bắt đầu sang nghiên cứu hệ thống ngũ cung của người Trung Hoa vào thế kỷ XV là lúc âm nhạc Trung Hoa chịu ảnh hưởng trong mấy thế kỷ do người Mông Cổ thống trị và Ngũ cung lúc bấy giờ là : Hồ, Xự, Xang, Xế, Cống (thay vì Cung, Thương, Giốc, Chủy,Vũ).

Chí Thành : Xin Nhạc sư cho biết về sử dụng hòa âm (harmony) trong nhạc Việt.

Hải Linh : Nhạc Tây phương sở dĩ cần dùng hóa âm hoặc có thể dùng hòa âm là vì những cung bậc của họ nhất định, chắc chắn. Mỗi cung bậc cần bao nhiêu âm ba (vibration) là phải đúng như vậy chứ không thể thiếu được. Khi tôi gõ cái âm thoa (diapason) thì bắt buộc có đủ 440 âm ba thì mới phát âm ra cung La. Chính vì những cung bậc nhất định, cung bậc chết như vậy nên mới cần hòa âm cho thêm màu sắc. Nói một cách khác, vì cung bậc của nhạc Tây phương đã được ấn định rõ ràng, cung nào ra cung đó nên hòa âm đã được dùng để chế tạo nên những khối âm thanh phức tạp…

Trái lại, cung bậc trong nhạc Việt không nhất định, không có cung nào thật cả. Nói theo danh từ chuyên môn là cung bậc của nhạc Việt không nhất định số âm ba. Mỗi người khai thác cung bậc nặng nhẹ khác nhau, tất cả đều di động. chẳng hạn như cây đàn tranh, quan trọng nhất là tay trái của người tấu ; khi thì mổ xuống, khi thì nhấn, khi thì rung làm cho âm thanh đầy màu sắc. Thử tưởng tượng là một cây đàn huyền diệu như cây đàn Kinh (độc huyền cầm) nếu người tấu không sử dụng tay trái thì tức là đánh nốt chứ không phải tấu nhạc uyển chuyển.

Nhạc Việt không có cái đẹp sáng lạn hùng vĩ như nhạc Tây phương nhưng ngược lại rất dịu dàng thanh thoát hợp với tâm tình và lý tưởng của người Á Đông.

Vì cung bậc của nhạc Việt không ở chỗ nào cả nên nếu dùng hòa âm kiểu Tây phương sẽ bị phá ngay. Học giả Trần Văn Khê nói rằng nếu dùng nhạc khí Tây phương mà tấu nhạc Việt thì nghe nó “thô tục” (grossièrement).

Chí Thành : Nhạc sư có soạn sách không ?

Hải Linh : Tôi có viết hai quyển : Một quyển là “Lối viết thoáng mỏng”, trình bày về lối sáng tác nói lên nét đẹp độc đáo của Á Đông nhất là của Việt Nam. Tôi trình bày về lối viết nhạc Việt không cầu kỳ rườm rà hay đồ sộ như nhạc Tây phương nhưng đơn sơ nhẹ nhàng. Thế giới ngày nay đang đi tìm một cái gì nhẹ nhàng thanh thoát đáp ứng với nguyện vọng thâm sâu của tâm hồn sau những lúc cảm thấy bất an.

Quyển thứ hai tôi viết về lối “Trình tấu sống động” nhằm trình bày làm thế nào để điều khiển một ban hợp ca để tấu lên được tất cả những tinh túy của một bản nhạc.

Chí Thành : Nhiều người đã được biết hoặc nghe nói Nhạc sư có một lối đánh nhịp (điều khiển ban hợp ca) đặc biệt. Xin Nhạc sư cho biết sơ qua.

Hải Linh : Việc khởi tấu rất quan trọng cũng y như việc phóng một phi thuyền vào không gian. Cho được phóng một phi thuyền cần phải có những chuẩn bị đầy đủ và chính xác… Điều khiển một ban hợp ca để tấu lên một bản nhạc cũng vậy. Tôi đã áp dụng trong mấy chục năm nay và những ca viên lãnh hội được từng cử chỉ và được nhiều người công nhận. Tây phương cũng có một số người chuyên về điều khiển hợp ca (chef de Choeur) nổi tiếng như Pierre Koelin (Thụy Sĩ), Robert Wilson (ở Ohio, Hoa Kỳ )…

Chí Thành : Chúng tôi trộm nghĩ rằng Nhạc sư còn rất nhiều việc phải làm mà thời gian rất cấp bách… Vậy việc huấn luyện ca trưởng, Nhạc sư có thể thâu vào băng video để họ có thể tự luyện hàm thụ với nhau rồi lâu lâu thì Nhạc sư đi kiểm điểm và điều chỉnh, sửa chữa v.v…

Hải Linh : Lối điều khiển của tôi rất khác nên rất khó mà có thể hấp thụ mà không có người chỉ dẫn trực tiếp. Mỗi cái cất tay của tôi là một thế võ (chiêu thức) và tôi đã sáng chế ra 300 miếng võ… Chính vì vậy mà tôi cần phải đích thân bẻ tay, nắn thân người v.v… cho học viên mới được. Cũng tỉ như khi học võ, cần phải học khẩu quyết thì mới phát huy được nội lực chứ không phải chỉ xem qua mà có thể làm được. Tuy nhiên, ý kiến làm băng video cũng rất hay đối với những phần nào có thể trình bày được.

Chí Thành : Dường như thế giới bên ngoài biết rất ít về việc làm của Nhạc sư. Nhạc sư có chương trình xuất bản sách và nhạc thâu băng những tác phẩm của Nhạc sư không ?

Hải Linh : Chữ “thế giới bên ngoài” anh muốn ám chỉ người ngoại quốc ?

Chí Thành : Dạ, thưa cả người ngoại quốc và cả Cộng đồng Việt Nam nói chung.

Nhạc sư Hải Linh lấy cái điếu cầy ra, vừa châm thuốc vừa tâm sự : Tôi nghiện thuốc lào từ khi lên 10 tuổi ! Cái nghiện thuốc lào này nó khó bỏ lắm chứ không như thuốc lá . Sau khi rít một hơi dài nghe “róc róc”, Nhạc sư Hải Linh trầm giọng xuống vì ưu tư .

Hải Linh : Năm nay, tôi 67 tuổi, tuổi Thân, cùng tuổi với Đức Giáo Hoàng. Tuổi Thân bạc bẽo lắm : tôi chỉ còn nấp bóng Đức Giáo Hoàng để sống được qua ngày nào hay ngày đó thôi.

Việc anh hỏi thiết tưởng đó là việc rất cần phải làm và trở nên cấp cách…

Vấn đề tập các bản nhạc mới là nan giải vì thời giờ bên này rất là eo hẹp và mỗi người mỗi nơi… Tôi nghĩ rằng chỉ có cách là mỗi địa phương lấy chừng 5 người, trao bản với những chỉ dẫn cần thiết để họ tự luyện lấy với nhau. Sau một thời gian thì tập hợp tất cả lại, tổng dượt rồi dành ra chừng một tháng trời chỉ có ăn rồi thâu băng. Tập một trường ca Cung Đàn Bạc Mệnh cũng phải mất một năm.

Nói tóm lại, về vấn đề xuất bản cũng như tập hát và thâu băng, tôi rất cần những nhà “mạnh thường quân”. Đây là vấn đề chung của Cộng đồng Việt Nam hải ngoại… Đối với những bạn yêu nghệ thuật, thời giờ không bó buộc nhiều… có thể hy sinh để Tôn Vinh Thiên Chúa, để Tán Tụng Quê Hương.

Tôi còn nhớ Anh Quốc là một cường quốc trên thế giới, thế mà trên lãnh vực ngoại giao, họ cũng đã chi rất nhiều tiền cho dàn nhạc, ban hợp ca, đoàn vũ v.v… đi lưu diễn khắp thế giới.

Chí Thành : Nhạc sư có nói rằng bài đại tấu Chuông Hòa Bình là để riêng tặng tổ chức An Việt của Cha Kim Định. Xin Nhạc sư cho biết một chút về bản này.

Hải Linh : Bài này tôi viết cho dàn nhạc đại hòa tấu (Symphony orchestra) cho khoảng 50 nhạc công Tây phương, 50 ca viên và một số nhạc khí cổ truyền Việt Nam. Phần hợp ca là một khúc ở đoạn cuối bài.

Năm 1984 khi Cha Kim Định đi dự Hội Triết học Trung Hoa tại Đài Loan, đã ao ước bài này được trình tấu tại Đại Hội trước các Tư Tưởng Gia lỗi lạc nhất của hoàn cầu vì bài này là một lời rao giảng về chữ Hòa . Ba chữ “Chí Trung Hòa” ( When the centering is utmos, the Harmony is the greatest) trích ở sách Trung Dung đã tóm thâu tinh hoa của Nho Giáo tuyệt vời, nói lên được nét đặc trưng của Nho cách thấu triệt và chúng ta cần phải nhận thức được mọi chiều kích của ba chữ đó để hiện thực vào thân tâm và diễn đạt ra cho mọi người cùng hiểu. Con người đứng gõ nhịp để Hòa Trời với Đất… Nho giáo không chú ý lời hay ý đẹp cho bằng chú ý tới đời sống đẹp tạo nên do chữ HÒA

Trong khi các nhạc khí đang tấu thì một người sẽ nói lên tất cả lý tưởng và khát vọng của con người…

Chí Thành : Mùa hè 1988 là dịp Phong Hiển Thánh cho 177 Chân Phước Tử Đạo Việt Nam tại Roma. Nhạc sư chắc hẳn đã có chương trình Thánh Ca cho dịp lễ quan trọng nhất cho Dân Tộc Việt Nam này ?

Hải Linh : Tôi dự định sẽ có 4 buổi trình tấu vào dịp đó : Một buổi đầu tiên tại Công Trường Thánh Phêrô vào chính lễ Đức Thánh Cha Phong Thánh … một buổi trong Thánh Lễ Đại Triều Tạ Ơn của Cộng Đồng CG Việt nam hải ngoại, một buổi trình diễn riêng cho Đức Thánh Cha để cảm tạ lòng thương yêu Dân Tộc Việt Nam của Ngài. Dịp này tôi sẽ trình tấu bài ” Tình Nước Non “.

Chí Thành : Chúng tôi tưởng Nhạc sư sẽ trình tấu Nhạc Việt ? Xin Nhạc sư cho biết về bài “Tình Non Nước”.

Hải Linh : Đây là bài tôi dệt nhạc vào một bài ca dao Huế.

“Đò từ Đông Ba,

Đò qua Đập Đá

Đò từ Vĩ Dạ,

Thẳng ngã ba Sềnh

Lờ đờ bóng ngã trăng chênhTiếng hò xa vọng nhắn Tình Nước Non.”

Vỏn vẹn chỉ có thế, nhưng tấu lên thì chứa chan tình Quê Hương Dân Tộc…

Chí Thành  : Chúng tôi xin thành thực cám ơn Nhạc sư đã dành thời giờ để trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Trước khi dứt lời, với tư cách là một người thấu triệt về âm nhạc và vừa từ quốc nội ra, Nhạc sư có nhắn nhủ gì qua báo chí không?

Hải Linh : Đừng quên đồng bào ở quê nhà và hãy phát huy nhạc Việt Ngũ Cung và Thơ Lục Bát là một kho tàng vô giá vô tận.

 

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương