Thứ Bảy, 27 Tháng Hai, 2010 413

ĐƯA NHẠC VÀO THƠ MỘT NGÓN TÀI HOA CỦA HẢI LINH

1. Đọc “Kinh Thi” – một trong Ngũ Kinh của Trung Quốc xưa – mới thấy vai trò quan trọng của ngôn ngữ như thế nào. Người Trung Quốc gọi đó là “nhạc phủ”, bao gồm những bài thơ ngắn được phổ nhạc (dệt nhạc) thành bài ca để hát lên cùng với sự thể hiện cử điệu của thân mình (vũ) và nhạc khí hòa theo. Thí dụ :

Tương tống Lao Lao chử

Trường giang bất ưng mãn

Thị nùng lệ thành hử

Tạm dịch là : Tiễn nhau qua bến Lao Lao,

Chốn Trường Giang ấy có bao giờ đầy

Bồi hồi giọt lệ thương ai

Nước giòng sông vẫn tuôn dài mênh mông.

Nhạc từ, ca từ hay lời hát (paroles, lyrics) là một yếu tố quan trọng trong ca khúc, quyết định tính chất nghệ thuật diễn cảm của ca khúc đó. Khác với một cầm tấu khúc hay một hòa tấu khúc chỉ cần được diễn tấu bằng các nhạc khí. Một ca khúc phải được con người mở miệng hát lên bằng tiếng, được qui ước theo tiết tấu, cao độ, trường độ và cường độ của phần nhạc. Lời hôn phối với nhạc để tạo ra một khúc ca hoàn chỉnh. Người nhạc sĩ có nhiều cách để làm ca từ : tự viết lời, phổ thơ hoặc hợp tác với một ai đó đặt lời… Đem thơ phổ thành nhạc, biến lời thơ trở thành nhạc từ là cách làm khá phổ biến trong âm nhạc Việt Nam. Chỉ riêng trong phương thức phổ thơ cũng đã có đến năm bảy cách, đại để là : phổ thơ, lời thơ, ý thơ, trích thơ, cảm hứng từ thơ v.v… Như vậy, mặc nhiên ta khẳng định mối quan hệ ruột –thịt- không- thể- cách- ly giữa thơ và nhạc. Thi ca là thế đấy. Ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ nghệ thuật, được chọn lọc, được thăng hoa và tự bản chất rất giàu nhạc tính. Khi phổ thành ca khúc, tùy vào tài năng và ngón nghề riêng của nhạc sĩ, bài thơ có thể được giữ nguyên vẹn cả về âm, vần, luật, bố cục hoặc có thể sửa đổi, thêm bớt chút đỉnh mà vẫn giữ được cái phần hứng, phần hồn của thơ. Nhưng dù ở một góc độ nào, bằng cung cách nào đi chăng nữa thì các ca khúc thuộc dạng ấy đều ít nhiều sử dụng lời hoặc ý của nhà thơ. Cái lời cái ý gợi hứng, dẫn dắt nhạc sĩ làm ra giai điệu, cung bậc chứ không phải giai điệu, cung bậc sản sinh ra lời thơ, ý thơ. Trật tự, qui trình ấy không thể đảo ngược, ngoại trừ khi ca khúc được cưu mang và sinh thành cùng một lúc trong tâm hồn người sáng tác. Trường hợp vừa là nhạc sĩ vừa là nhà thơ không phải là không có. Phạm Duy, Trịnh Công Sơn là những điển hình của điển hình. Dĩ nhiên còn một số trường hợp khác đáng được nhắc tới nữa. Nói không ngoa. Nếu chép riêng lời trong toàn bộ nhạc khúc của hai tác giả trên, sẽ được những từ, cụm từ, đoạn thơ, bài thơ mang giá trị cao về mặt văn học nghệ thuật. Cái mảng “tình ca” bất hủ của Phạm Duy và cái mảng “nhân sinh” vời vợi của họ Trịnh. Cứ nhẩm đọc lặng lẽ – không cần đàn hát – thế giới ngôn ngữ của họ, sẽ bắt gặp vô vàn âm sắc, hình tượng, tư tưởng, cảm nghiệm y như khi ta đến với tiểu thuyết, phim ảnh, kinh kệ. A. de Musset, P. Claudel, Apollinaire, R. Tagore, những bậc thầy kỳ vĩ của nhân loại, những biểu tượng sáng ngời về mối quan hệ tương giao giữa thi và ca.

2. Từ một tiền đề trên, tôi muốn tách bạch Hải Linh ra làm hai : Một Hải Linh – Thánh ca khởi hành từ cảm hứng riêng tư để rồi dừng lại ở nguồn suối Thánh Kinh và một Hải Linh – văn học, đồng điệu đồng cảm với một số tác giả tác phẩm văn học, đặc biệt là thơ của Nguyễn Du, Đoàn thị Điểm, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư và cả đến những bài ca dao, đồng dao trong kho tàng văn học truyền khẩu dân gian. Vâng, tôi muốn nói đến cái tài hoa của Hải Linh trong lãnh vực “phổ thơ”, thơ đời, thơ tình và thơ đạo, điều mà xưa rày chưa ai đề cập khi tìm hiểu nghiên cứu và đánh giá về sự nghiệp của ông. Có lẽ do cái bóng của ông phủ xuống khu vườn thánh ca VN mấy chục năm lớn quá, rộng quá chăng ? Nay, xin mời bạn cùng tôi điểm lại xem cái ngón tài hoa ấy phát tiết như thế nào.

Có một điều trùng hợp rất lý thú là Hải Linh chào đời đúng vào ngày lễ thánh Phanxicô Assisi, vị đại thánh tổ sư của môi trường, kẻ rao giảng về chủ thuyết “thiên nhiên như một quyển sách mở”. Nhấn mạnh chi tiết này để khẳng định rằng yếu tố thời gian, không gian có ảnh hưởng, tác đông trên con người ông. Chẳng thế mà – có lẽ do cảm hứng từ “Bài ca vũ trụ” của thánh bổn mạng mình – nhiều lần trong chỗ riêng tư, ông đã thổ lộ tâm tình với các môn sinh ca trưởng, ca viên: ”Vũ trụ bao la với muôn giải thiên hà, với mặt trời, mặt trăng, tinh tú, với trời mây, sông biển, núi rừng, chim muông và con người, tất cả là một bản hợp ca không ngừng ngợi khen Chúa Trời “. Người ta dễ dàng tìm ra giải đáp với những câu hỏi “Tại sao Hải Linh nặng lòng với thi ca” đến thế ? Liệu có một nhà thơ trong con người ông chăng ? Không hẳn. Nhưng chắc chắn Hải Linh phải là người đồng hội đồng thuyền – Nous sommes embarqués – mà tâm hồn ông cũng vô cùng nhạy cảm như thanh kim khí diapason òa vỡ ngân vang kia. Phải rung động lắm, ông mới bước vào sự nghiệp sáng tác qua cánh cửa “ca vãn dâng hoa”, mảng thơ Nôm của dân gian nhà đạo. Lúc ấy buổi hừng đông của tân nhạc và thánh nhạc Việt Nam (1940-1945). Phải “tiền duyên nặng nợ” lắm với các vốn ngũ cung đã thành máu thịt, Hải Linh mới hào hứng tìm thầy học đạo để rồi ra trường với luận án tốt nghiệp đậm đặc mùi vị dân tộc “Màu sắc nhạc Việt trong bình ca” tại Nhạc viện César Franck (1956). Hiện tượng có thể đổi thay, mà bản chất thì không bao giờ. Khi con phượng hoàng vỗ cánh bay lên trời cao, ấy là lúc nó hót líu lo vang động, tự do và thanh thản. Sự hình thành ca đoàn Hồn Nước (1957) – với tôn chỉ “Tôn vinh Thiên Chúa và tán tụng Quê Hương – suốt những thập niên 60 và 70 đã là những chứng từ rõ nét nhất.

3. Thật may mắn và tình cờ. Những năm trọ học ở Tiểu chủng viện Phanxicô Xavie Bùi Chu, những năm ở giảng đường Đại Học Văn Khoa Sàigòn và làm nghề “gõ đầu trẻ” tại trường Nguyễn Bá Tòng, tôi có dịp được mắt thấy tai nghe “người thật-việc thật” về Hải Linh, về ca đoàn Hồn Nước và cả những công đoạn tập tành, chuẩn bị ở hậu trường. Phải thành thật nhìn nhận rằng đây là thời điểm sung mãn nhất của người ca trưởng – nhạc sĩ Hải Linh. Bên cạnh cái hậu phương lớn gồm Đức Cha Pet. Phạm Ngọc Chi, cha Trần Đức Huynh, cha G. Đinh Cao Thuấn, Lm. Nhạc sĩ Ngô Duy Linh (chỉ huy ban hợp xướng Chim Việt) v.v, tôi nghĩ (chắc không đến nỗi không chấp nhận được) còn một nhân vật khá quan trọng đã cộng tác chặt chẽ, đã đồng hành với ông khi đến với văn học VN. Đó là cha Pet. Vũ Đình Trác với bút hiệu Võ Thanh, tác giả ca từ của một số bài thánh ca do chính Hải Linh viết nhạc, hòa âm. Sở dĩ tôi nhắc tới chất xúc tác này là vì tôi biết rất rõ mối quan hệ mật thiết giữa hai người với nhau trong suốt quá trình sáng tác và biểu diễn những năm 1957-1970. Tại sao chỉ có một Hải Linh – Thánh ca nhỉ ? Tài năng ấy – ví như tiếng đàn của Tư Mã Tương Như với đôi tai thẩm âm và tâm hồn đồng điệu của Trác Văn Quân – nếu giao duyên cùng Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hàn Mặc Tử v.v… thì hay biết mấy. Thế là cặp uyên ương “thơ nhạc” ấy lên đường, ra khơi. Hàng loạt tác phẩm ra đời và ca đoàn Hồn Nước, vào thời điểm đó, đã hoàn thành xuất sắc cái chức năng chuyển tải những thông điệp của thơ nhạc đến với công chúng.

Hãy nói về bài ca “chủ đạo” của Hồn Nước trước đã. Thú thật, tôi khẩu phục tâm phục cái thế giới ngôn ngữ của bài ca này. Tôi không dám bàn tí gì về âm nhạc đâu đấy nhé. Nghe Hồn Nước hát, cả hồn bé bỏng của tôi tan loãng ra, chỉ thấy hiu hắt đó đây lời gọi thuở nào của trời mây non nước. Bốn chục năm qua rồi, tôi vẫn còn mường tượng ra một chùm ngôn ngữ kỳ ảo : ”Lắng nghe Hồn Non Nước. Nước non bao là tình. Chập chùng tranh Việt ai tô. Thóang trông còn nhớ thuở xưa tung hoành “. Còn bài “Nhạc Việt” nữa. Bao nhiêu luyến láy, ngân nga trong dấu giọng của tiếng Việt đã được Hải Linh khắc họa đến từng chân tơ kẽ tóc. Thương quá những từ điệu VN : à mà, là, chứ, tình bằng… Tôi đọc lại nguyên văn thế này : ”Nhạc Việt, nhạc Việt hệ thống (tình bằng) có năm cung (fa, sol, la, đô, rê). Nắn (a) theo (à mà theo là) năm dấu (rê đô la đô rê) tiếng (a) chung, tiếng (a) chung của giống (a) nòi (fa sol fa đô rê). Đủ mầu (mà tình lại) đủ sắc (chứ mà ) đủ hơi (fa sol la đô rê). Tả tình (à mà tình là) tả ý (chứ mới) tả đời (chứ đời là đời) Việt Nam (rê mi fa sol si). Buồn trông khói lửa chiến chinh. Buồn lòng chinh phụ, xót tình chinh phu. Buồn khi hạn hán thiên cơ. Buồn nghe nức nở mơ hồ giọt thu ”. Năm 1958, nhân ngày giỗ (22.9) đại thi hào Nguyễn Du, lần đầu tiên truyện Kiều được phổ nhạc. Trước đây cha ông ta chỉ bói Kiều và lảy Kiều, nay hát Kiều. Tài tình quá. Nguyễn Du và Hải Linh cùng “kể lể” : Trăm năm trong cõi người ta , để rồi bắt sang những tâm sự chết người của “cung đàn bạc mệnh” :

Khúc đâu Tư Mã Phượng cầu…

Khúc đâu Hán Sở chiến trường…

Kê khang này khúc Quảng Lăng…

Thiệt lòng mình, cũng nao nao lòng người…

Hóa ra, khi gặp thi ca, tài năng âm nhạc của Hải Linh bỗng xuất thần. Những lựa chọn của ông khiến ta phải suy nghĩ. Tại sao cả mấy trăm câu song thất lục bát của Chinh Phụ Ngâm, Hải Linh chỉ dừng lại ở “Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt” hoặc ”Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại… Khói Hàm Dương cách Tiêu Dương mấy trùng …”  Nhưng có lẽ cuộc hội ngộ trùng phùng tâm đắc nhất đã diễn ra giữa thơ Han Mặc Tử và nhạc Hải Linh. Họ gặp nhau trong một đức tin, giữa trời mới đất mới, giữa cõi thánh thiêng của Chúa Trời, của ơn Cứu Rỗi, của mùa Xuân Nhập Thể, của Mẹ Sầu bi và của cả tiếng gọi âm thầm mà mãnh liệt của trái tim. Thơ và nhạc ở đây đã chan hòa vào nhau như ánh sáng và hơi nóng của ngọn lửa, chắp cánh cho nhau, bay lên, bay lên chín cõi thiên đàng. Tôi ghi lại phần lời thơ của Hàn Mặc Tử để mời bạn cố hình dung, nhớ lại nguồn nhạc vô biên của Hải Linh trong từng trường hợp.

Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để xem trời giải nghĩa yêu

 (Đà Lạt trăng mờ)

 Maria, linh hồn tôi ớn lạnh

Run như run thần tử thấy long nhan

Run như run hơi thở chạm tơ vàng

Nhưng long vẫn thấm nhuần ơn trìu mến

 (Ave Maria)

Còn nhiều, ở nhiều bài khác của Hàn Mặc Tử : Ra đời, Tấu lạy Bà, Duyên kỳ ngộ. Của Lưu Trọng Lư, Y Vân nữa. Nghệ thuật muôn đời không phải là kỹ thuật. Phổ thơ là một nghệ thuật đòi hỏi người nhạc sĩ phải- có – tâm – hồn thơ – như – nhà thơ, là – nhà – thơ. Tiếp xúc với ca dao, với Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư…, Hải Linh giúp chúng ta đến gần và yêu mến văn học, yêu mến thi ca hơn. Điều này không phải ai cũng làm được. Xin cảm ơn người ca trưởng – nhạc sĩ tài hoa Hải Linh.

 Ngoại ô, 1.1.1998.

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương