Thứ Năm, 11 Tháng Ba, 2010 718

PHÁT BIỂU của Đức cha Phao-lô NGUYỄN VĂN HÒA, Chủ tịch Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam

Bài này được phát biểu tại “Đêm Nhạc Hải Linh” do Nhóm Quê Hương tổ chức tại giáo xứ Phan-xi-cô Đakao, chiều 30-12-2008, để tưởng nhớ nhạc sư Hải Linh nhân năm giỗ thứ 20 của nhạc sư (1988-2008)

 

            Trước hết tôi xin có lời chào Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê. Tôi biết tiếng Giáo sư ngay từ ngày đầu tiên khi bản nhạc “Hôm Nay Em Đi Chùa Hương” xuất hiện vào đầu thập niên 40 và tôi đã gặp Giáo sư nhiều lần, nhưng là gặp trên Tivi. Mãi hôm nay tôi mới được gặp mặt, tuy Giáo sư đã dành nhiều thời gian họat động ở nước ngoài, nhưng những bài nghiên cứu, những khám phá của Giáo sư đã giúp cho nên nhạc Việt Nam tiến triễn rất nhiều. Đây là một lãnh vực rất cần thiết và hấp dẫn không những cho những người nghiên cứu mà cho các nhạc sĩ sáng tác nữa. Đây là 1 lãnh vực mà ít người đủ khả năng và đủ can đảm, đủ kiên nhẫn dấn thân vào. Kính chúc Giáo sư được sức khỏe, nhiều thành công và hình như lòng say mê âm nhạc có sức làm cho người ta làm việc được lâu bền.

            Chúng ta vừa được sống những tâm tình, những cảm xúc của chính nhạc sư Hải Linh. Cứ nhìn các ca viên, tôi thấy các ca viên như nhập cuộc, như chính mình đã sáng tác các tác phẩm đó vậy. Qua một số trong rất nhiều tác phẩm của Ông, một nhạc sĩ, một nhạc sư có tầm cỡ trong nền âm nhạc Việt Nam nói chung, và nên Thánh nhạc Việt Nam nói riêng. Nhạc sĩ xuất hiện từ đầu thập niên 40 cho đến cuối thập niên 80 . Đây là thời kỳ Thánh nhạc Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn sử dụng các điệu nhạc La tinh và tiếng Pháp có đặt lời Việt sang giai đoạn xuất hiện những bài ca do chính người Việt sáng tác. Hải Linh là một trong các nhạc sĩ tiên phong , với những bài rất phổ biến như “Mẹ ôi đoái thương xem nước Việt Nam” và “Nữ Vương Hòa Bình,” với một dòng nhạc đượm màu sắc dân tộc, rất riêng của nhạc sĩ, dễ hát, dễ thuộc và rất phổ biến. Từ đó nhạc sĩ không ngừng sáng tác rất nhiều tác phẩm trong cả 2 lãnh vực đạo và đời, gồm cả đơn ca và hợp ca. Sau đây tôi xin giới hạn trong lãnh vực hợp ca

            Khi nhắc tới hợp ca, các nhạc sĩ Việt Nam đều đứng trước một  vấn đề gọi là “vấn đề hợp ca trong tiếng Việt” . Chúng ta biết tiếng việt có 6 dấu giọng khác nhau: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, không. Nếu ở trong đơn ca, các dấu giọng tự nó đã có một số cao độ và nó cho một nét nhạc nào đó, - du dương và giúp bài hát dễ có 1 ca điệu đẹp, thì về mặt hòa âm, nó lại chưa cho nhạc sĩ, trong lãnh vực thanh nhạc, có thể tận dụng tất cả sự phong phú của hòa âm Tây phương mà nay đã trở thành hòa âm quốc tế. Hải Linh đã giải quyết bằng giải pháp mà ta thường nghe nói ngay ở đây: “thoáng mỏng.”  Tôi hiểu “thoáng và mỏng” về phương diện hợp ca như sau:

            Thứ nhất, ở trong các bài hợp ca của Hải Linh, Hải Linh thường dùng giới hạn trong những hợp âm nền tảng: bậc I, bậc IV và bậc V của âm giai. Điều này cũng đã giúp cho các bài hát được dễ nhớ, dễ tập và dễ phổ biến.

            Kế đến, các bè theo tính cách thoáng mỏng của Hải Linh, thường dùng những phương pháp: hoặc là một bè hát lời ca, các bè khác ngân ngậm miệng hoặc dùng 1 chữ ‘a’ chữ ‘ư’ hát pédal (dấu ngân dài). Hoặc là 2 bè hát chuyển động cùng chiều, có hoặc không một bè hát ngược chiều. Giải pháp này chỉ dùng cho những câu nhạc ngắn, vì các chữ sẽ chọi nhau rất là khó nghe. Và phương pháp thứ 3 là cho các bè hát theo nhạc pháp đối âm: lúc nào cũng hát, bè hát trước, bè hát sau, nhưng theo chiều dọc, chúng vẫn làm thành những hòa âm.

            Các nhạc sĩ nói chung gần đây phải chăng cũng đã làm như vậy. Ta có thể kể, về phương diện “đời” có nhạc sĩ : Ca Lê Thuần, Trần Kiết Tường, Nguyễn Văn Tý, Đỗ Nhuận, vv… Ta nhận thấy những gì chưa diễn tả được trong lãnh vực thanh nhạc, thì các nhạc sĩ đã chuyển sang sử dụng khí nhạc. Như vậy vấn đề đặt ra trong lãng vực thanh nhạc  vẫn là 1 con đường mở rộng và đang chờ đợi những sáng kiến.

            Nhân ngày lễ giỗ lần thứ 20 nhạc sư Hải Linh, Giáo Hội Việt Nam tôn vinh nhạc sư Hải Linh đã có công lớn đối với nền Thánh nhạc Việt Nam trong sáng tác, trong đào tạo, trong lãnh vực trình tấu, trong loại nhạc “Ca ngợi Quê hương” cũng như trong loại nhạc “Tôn vinh Thiên Chúa.”

            Sau cùng xin cảm ơn nhóm Quê Hương đã tổ chức “Đêm Nhạc Hải Linh” ấm cúng và phong phú này. Thiên Chúa rất thích nghe ca nhạc, Người sẽ trả công cho tất cả.

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương