Thứ Sáu, 05 Tháng Ba, 2010 910

10 NĂM NHỚ NHẠC SĨ - CA TRƯỞNG HẢI LINH

10 NĂM NHỚ NHẠC SĨ – CA TRƯỞNG HẢI LINH

(6.1.88 – 6.1.98)

Lê Đình Bảng

Vào những ngày tháng này năm ngoái (6.1.96) tôi có cái may mắn tình cờ được đi theo anh chị em ca đoàn Quê Hương về hát lễ tại họ đạo Dầu Giây (Xuân Lộc), nhân dịp cộng đoàn xa xôi hẻo lánh này mừng kỷ niệm 100 năm thành lập. Ở giữa chốn “ba quân” với bạt ngàn xanh thẳm rừng cao su, tôi lại được gặp, được nghe, được cảm cái thế giới âm nhạc, ngôn ngữ của Hải Linh qua cách thể hiện mượt mà, “thoáng mỏng” và “sống động” của ca đoàn Quê Hương. Và ở đó, ở Suối Tre, ở Phúc Lâm, ở nhà thờ Đakao, ở xứ Vô Nhiễm, ở xứ Xây Dựng, tôi cũng được làm quen với cha Xuân Thảo, Nữ tu NS Thiên Lan, Ns Nam Hải, Ns Hương Vĩnh, Ns Hải Triều, Ns Trầm Hương.. những thế hệ môn sinh gần gặn, ruột thịt của Hải Linh. Điều nghe, thấy và tiếp cận gần xa ấy có tác dụng làm sáng tỏ thêm hình ảnh Hải Linh, người mà tôi chỉ hình dung, vẽ vời ra trong trí tưởng tượng của mình. Y hệt cái cảm giác ban đầu ở quê nhà xưa vào mùa Đông giá buốt 1945, tôi đứng co ro ở cuối nhà thờ hát bài “Đêm Đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời.” Nói là nói thế thôi. Thật tình là trong 3 năm (1958-1960), khi trọ học ở nhờ Tiểu Chủng viện Phanxicô Xavie Bùi Chu, tôi đã thấy tận mắt con người ấy vào ra, đi lại, tập tành ca hát. Tôi còn nhớ khá rõ mấy lần nữa ở nhà cơm Tiểu Chủng viện, tôi thấy “ông Hải Linh” chỉ huy “ca đoàn Hồn Nước” hát lên một số bài do chính ông viết : Hò Non Nước, Chinh Phụ ngâm, Cung đàn bạc mệnh, Đà Lạt Trăng mờ và Lòng Mẹ . Qua đó, tôi lại biết thêm về quá khứ và hiện tại, như văn học dân gian, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, thi hào Nguyễn Du, nhà thơ khổ hạnh Hàn Mặc Tử và nhạc sĩ Y Vân. Khung cảnh đời tu lúc ấy chỉ hé mở cho tôi thấy có vậy về một tài năng. Rồi thời gian, chiến tranh và cơm áo đời thường xô đẩy tôi ra khỏi, mịt mù tăm tối. Bẳng đi cả chục, hai chục năm gì đó. Tình cờ tôi nhận được tấm giấy mời, đâu của anh em ca đoàn Hồn Nước tổ chức lễ cầu hồn cho nhạc sĩ – ca trưởng Hải Linh ở nhà thờ giáo xứ Xây Dựng (Tân Bình). Tôi bàng hoàng, xúc động. Cả ván lễ, tôi chia trí những đẩu đâu. Bao nhiêu hình ảnh, tiếng vọng thuở nào chợt về. Từ những kỷ niệm tuổi thơ còn ngô nghê, mở miệng hát “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam”, “Giáo dân bao xiết mừng”, “Ngày nay con đến hát khen mừng mẹ chốn Thiên Đàng, dâng ngành Mân Côi” cho đến những bản hợp xướng để đời như ”Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu… Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt” và ”Ma-ri-a, linh hồn tôi ớn lạnh” v.v. Sau cái buổi tối hư hư thực thực như mơ ấy, tôi về nhà lần lượt được đọc khá nhiều sách, báo, bài viết về Hải Linh, của nhạc sĩ Phạm Duy, của cha Kim Định, của giáo sư Guy de Léoncourt, Viện trưởng âm nhạc viện César Frank, nơi Hải Linh trình luận án mang tên “Màu sắc nhạc Việt trong bình ca – La couleur Vietnamienne dans le chant Grégorien” v.v. Phúc đức cho tôi, chẳng hiểu tại sao mà Đức cha Phao-lô Nguyễn Văn Hòa và cha Kim Long – những cây đại thụ về Thánh ca VN – lại mở cửa cho tôi vào Ban Thánh nhạc (BTN) VN ? Và cũng không biết mình có tình duyên nặng nợ gì đã khiến cha Đỗ Xuân Quế, cha Xuân Thảo, cha Nguyễn Hữu Triết – những thành viên cốt cán của BTN giáo phận TpHCM – “rửa tội và ban phép” cho tôi chia sẻ một phần việc nhỏ trong nhà Chúa ? Thế là từ đấy, trong mái nhà yên ả rợp đầy bóng mát của Giáo hội, của giáo phận, “Kẻ – ngoại – đạo” về âm nhạc là tôi – qua tiếp xúc thân quen với nhiều thế hệ linh mục, nhạc sĩ Công giáo, qua nhiều lần vâng lời bề trên đứng ra tổ chức, điều khiển chương trình Hợp xướng và Hội thảo chuyên đề (1996-1997) – đâm ra mê mẩn cái công việc ”phác thảo những chân dung Thánh nhạc Thánh ca VN”. Dĩ nhiên, ở chặng đường khai phá từ 1945, phải có Hải Linh. Viết về người thật việc thật, không thể phóng đại và tưởng tượng, ngẫu hứng được. Cho nên, bằng dã ngoại thực tế, bằng nghe ngóng những chuyện kể từ những người thân quen, mày mò lục lọi các tủ sách đã cổ xưa trong tu hội, nhà dòng, nhà thờ, tôi đã từng bước khám phá ra sự kỳ diệu của Chúa tác động trên tài hoa của những tên tuổi như Hùng Lân, Thiên Phụng, Hoài Đức, Tâm Bảo, Nguyễn Khắc Xuyên, Duy Tân, Hoàng Phúc v.v. trong nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh. Tôi cũng có đủ chất liệu để viết về nhạc đoàn Sao Mai với Hải Linh, Ngô Duy Linh (Thăng Ca), Võ Thanh (Vũ Đình Trác), Hồ Khanh (Trần Thái Hiệp) hoặc những Hoàng Kim, Phương Linh, Vinh Hạnh, Huyền Linh, Viết Chung, Kim Long. Đấy mới là lớp tiền bối. Hằng hà sa số những tên tuổi còn đang sung sức về sau này sẽ là một hiện tượng đáng phải dày công nghiên cứu, tiếp cận. Riêng đối với nhạc sĩ – ca trưởng Hải Linh – một khi đã đọc lại những nhận định, những bài viết có uy tín của viện César Frank, Phạm Duy, Kim Định, cha Trưởng BTN giáo phận Tp và của các thế hệ môn sinh (qua tập Tưởng Niệm, 1991 ; Một Thời Ca Trưởng, 1994) – có lẽ tôi viết thêm cũng chỉ bằng thừa. Có điều là cho đến nay, Hải Linh và thế giới âm nhạc ngôn ngữ rất riêng của ông đã thực sự chinh phục được một công chúng đông đảo, một công chúng nhạy cảm về cái linh hồn của nhạc Việt, một công chúng có lựa chọn, thật đồng điệu về cõi mơ ước suốt đời ông ”Tôn vinh Thiên Chúa và Tán tụng Quê Hương”.

Khi tôi viết lại những dòng cảm xúc trào dâng này thì cơn bão mang tên Kiều diễm Linda vừa mới đi qua mấy tỉnh miền Tây Nam bộ. Vết thương nằm sâu ở Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và nỗi đau thì nằm sâu ở cõi lòng của người dân cả nước. No-en sắp về. Thế giới sẽ hát vang Jingle Bell, Silent Holy Night. Và hàng triệu người VN đã thuộc lòng “Đêm Đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời”. Bài thánh ca bất tử đã choàng lên cổ người nhạc sĩ – ca trưởng Hải Linh vòng nguyệt quế chói lọi hào quang và hương thơm. Hạt muối nào dám kể công với biển. Vậy nay chuẩn bị mùa tưởng niệm thứ 10, (1988 – 1998), xin mượn lời phát biểu của ngài Lm Chủ tịch Hội nghị Thánh nhạc Hoa Kỳ : “Tôi không có một lời nào xứng đáng hơn để ca tụng tài năng nghệ thuật của Ông. Tất cả đều được đặt dưới bàn tay điêu luyện của Ông…” (trích phát biểu 7.1986 tại Hội nghị Thánh nhạc Hoa Kỳ).

Ngoại ô, tháng 11.97

(Trích từ HLMC 25, tr.106-109)

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương