Thứ Tư, 03 Tháng Ba, 2010 492

MỘT NÉN HƯƠNG TƯỞNG NIỆM TÁC GIẢ BÀI THÁNH CA BẤT HỦ: HANG BÊ-LEM NHÂN LỄ MÃN TANG CỐ NHẠC SĨ HẢI LINH

Chiều Chúa nhật 6-1-1991, tại nhà thờ Tân Sa Châu, một buổi lễ đồng tế trang trọng với trên 30 Linh Mục và Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình chủ tế, được tổ chức để tưởng nhớ ba năm ngày qua đời của cố nhạc sĩ Phanxicô Hải Linh. Cũng vào buổi chiều cùng ngày, một số nhà thờ khác trong giáo phận cũng dâng lễ cầu nguyện và tưởng niệm cố nhạc sĩ và nhắc nhớ đến công lao to lớn của một nhạc sĩ bậc thầy trong công cuộc hình thành và phát triển thánh nhạc Việt Nam vào những thập niên 40, 50, 60… Và suốt một đời hoạt động âm nhạc đã để lại hơn 100 tác phẩm âm nhạc nhằm tôn vinh Thiên Chúa và tán tụng quê hương.

Nếu trước thánh lễ có nghi thức tưởng niệm với một phần tác phẩm của cố nhạc sĩ Hải Linh vả linh mục Xuân Thảo: Trưòng Ca Các Tạo Vật được thể hiện bằng hợp xướng và dàn giao hưởng đã làm đông đảo những người tham dự thánh lễ xao xuyến, nhớ thương; thì kết lễ, tất cả mọi người đều say sưa cùng hát bài thánh ca bất hủ.

Hang Bêlem đã làm tôi vô cùng xúc động.

Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…

Nằm trong hang đá, nơi máng lừa

Trông hang Bêlem…

Câu hát ấy, giai điệu ấy, bài thánh ca ấy đã có số tuổi lớn hơn tuổi tôi! Khi tôi biết nghe, biết nói, biết đi đến nhà thờ là đã có bài hát ấy. Đó cũng là bài thánh ca đầu tiên mà tôi thuộc lòng vào mỗi dịp Giáng sinh của một thời ấu thơ. Mãi đến bây giờ, tóc đã bắt đầu nhuộm màu sương khói…bài hát ấy là bài thánh ca duy nhất mà tôi còn thuộc nằm lòng.

Cái gì đã làm cho bài hát rất giản dị, sáng trong ấy tồn mãi trong lòng người? Và ai dám bảo là nó sẽ không tồn tại mãi đến đời sau ? Hồi còn sinh tiền, cố nhạc sĩ Hải Linh đã có lần kể về sự ra đời của bài hát Hang Bê-lem :

Đó là bài đầu tiên mà tôi viết vào tháng 11 năm 1945. Lúc ấy tôi được 25 tuổi và đang dạy học ở trường thầy Giảng Bùi Chu.

Một hôm, tôi đi ngang qua Tòa sọan bán nguyệt san Đường Sống ở Nam Định, ông Minh Châu-chủ nhiệm-thấy tôi thường hay hát nên đố tôi làm được một bài để đăng vào báo Đường Sống nhân mùa Giáng Sinh. Tôi nhận lời và hẹn ba ngày sau trở lại.

Sau ba ngày tôi đưa bản nhạc Hang Bê-lem tới Tòa soạn và tập sơ qua cho một số anh chị em trong Tòa soạn. Khi hát lên, mọi người thấy thích quá nên ông Minh Châu mới thương lượng với tôi thế này : Ông sẽ chi phí cho người cầm bản nhạc lên Hà Nội để tìm Mạnh Quỳnh và thuê Mạnh Quỳnh khắc vào bản gỗ. Sau khi đã in 2000 số báo Đường Sống, ông Minh Châu sẽ cho tôi lại bản gỗ của bản nhạc. Tôi cũng đồng ý như vậy.

Tôi còn nhớ, lúc đó tôi đã in ra 500 bản với giá 3 hào hay 5 xu gì đó. Tôi gởi lên Hà Nội 10 bản. Một số nhà thờ hát và nhiều người thấy hay nhưng không tìm đâu ra bản nhạc. Thật đúng tôi là một anh nhà quê ! Đối với thủ đô Hà Nội mà chỉ có gởi 10 bản nhạc !”.

Bài Hang Bê-lem đã ra đời như thế, và đã được chính tác giả điều khiển ca đoàn nhà thờ chính tòa Phát Diệm hát lần đầu tiên trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh 1945. Chính nhờ sự thành công của bài hát này, thầy Phanxicô Hải Linh (tên thật là Trần văn Linh, quê xứ Ứng Luật, Kim Sơn, Ninh Bình) đã được Giám Mục Phát Diệm gởi đi du học ở Âu Châu vào năm 1950. Học nhạc ở Ý và học sáng tác ở Paris.

Chuyện kể về cố nhạc sĩ Hải Linh không dừng lại ở sáng tác đầu tay : Hang Bê-lem , mà còn được nhắc nhở nhiều đến các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng sau này về đạo cũng như về đời : Trưòng Ca Các Tạo Vật (dùng lời kinh của thánh Phanxicô, sáng tác chung với Xuân Thảo) gồm 10 bài, Trường ca Ave Maria (phổ thơ Hàn Mặc Tử) gồm 10 bài. Và một số bài thánh ca riêng lẻ như Kính mừng Nữ Vương, Tán tụng hồng ân,Ngài Là Thiên Chúa (Te Deum)… và một số bài thánh ca khác đã được hát trong 40 năm qua.

Về phần nhạc đời, cố nhạc sĩ đã để lại trong kho tàng âm nhạc Việt Nam những tác phẩm như : Đại tấu khúc Chinh phụ ngâm (trích thơ Đặng Trần Côn). Tác phẩm này được viết theo nhạc Việt nhưng hình thức vẫn theo lối cổ điển phương Tây, chia làm ba hành âm (mouvement) : Từ khi có lệnh chiến chinh “ Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt…” cho đến khi người chinh phụ tiễn chinh phu lên đường lo việc nước. Cảnh người chinh phụ cô đơn chiếc bóng ở lại nhà săn sọc mẹ già và con thơ “ Gà eo óc gáy sương năm trống…” . Phần kết kể lại ngày đoàn viên… Đại tấu chuông hòa bình viết cho dàn đại hòa tấu và ban hợp xướng cùng với một số nhạc khí cổ truyền ; Nhạc kịch thơ Duyên kỳ ngộ (thơ Hàn Mặc Tử), đây là một thể loại tiểu nhạc kịch (micro-opera), Trường ca cung đàn bạc mệnh (trích thơ của Nguyễn Du trong tác phẩm truyện Kiều), gồm bốn cung chia ra như sau :

- Cung thứ nhất, gồm 10 bài, tả lại tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Kim Trọng nghe

- Cung thứ hai, gồm sáu bài, tả lại tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Thúc Sinh và Hoạn Thư nghe.

- Cung thứ ba là tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Hồ Tôn Hiến.

- Và cung thứ tư là tiếng đàn của Thúy kiều gảy cho Kim Trọng lúc tái hồi.

Thật tiếc, cố nhạc sĩ Hải Linh đã chưa hoàn tất cung đàn bạc mệnh cuối cùng… Riêng các tác phẩm âm nhạc độc lập (không nằm trong bộ hay trường ca nào) cũng rất đáng chú ý như : Đà Lạt trăng mờ, Ra đời (thơ Hàn Mặc Tử ), Nhạc Việt, Hương quê, Ra khơi, Tình nước non, Cóc quân đả phá thiên đình, Thằng Bờm có cái quạt mo… Về phương diện học thuật, cố nhạc sĩ đã để lại những kinh nghiệm sáng tác, kỹ thuật và phương pháp điều khiển dàn giao hưởng và hợp xướng qua hai cuốn sách mang tên Lối viết thoáng mỏng và lối Trình tấu sống động.

Tôi xin thắp một nén hương tưởng nhớ trước di sản tinh thần qúi giá mà suốt đời hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ tài hoa đã chắt chiu, dành dụm để một nửa Tôn vinh Thiên Chúa, một nửa kia Tán tụng quê hương . Qua nén hương tưởng niệm này, tôi cầu mong tất cả di sản âm nhạc của cố nhạc sĩ Hải Linh sẽ được giữ gìn và đến với tất cả mọi người có đạo cũng như không có đạo, những người có tâm hồn thiết tha với niềm tin yêu Thiên Chúa mà cũng yêu mến đất nước, quê hương, dân tộc … thiết tha

Vũ Duy Giang

(CG&DT790)

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương