Bài 1.
Cảm nhận về KHÓA NHẠC CẤP TỐC HÈ 7-2014
Hè về phượng thắm đỏ cây
Học trò nghỉ học, tôi đây tựu trường
Bạn bè từ khắp muôn phương
Cùng nhau họp mặt tại trường “ Đa Kao”
Cứ mỗi độ hè về Tu viện_Giáo xứ Phanxico Đa Kao lại trở thành một “ Ngôi Trường nhỏ” thu hút trên 250 học viên với đủ độ tuổi, nhưng có chung một điều là lòng yêu thích âm nhạc khao khát phục vụ trong ngành Thánh nhạc. Ai đến đây vào tháng 7 sẽ không nghe thấy được tiếng ve kêu mùa hè nhưng thay vào đó là tiếng đàn tiếng hát được vang lên suốt cả ngày, nên có thể nói “ tiếng hát át tiếng ve”. Năm nay cũng như mọi năm, trường vẫn mở đủ các lớp Xướng âm, Thanh nhạc, Ca trưởng, Hòa âm, Đàn Organ... đáp ứng các nhu cầu nền tảng cho các học viên. Số học viên vẫn đông đảo, có những khuôn mặt mới bắt đầu bước vào năm I, có những khuôn mặt quen hơn bước vào năm II, và còn nhiều khuôn mặt có thể nói là ban thường trực của tháng hè trong nhiều năm nay vì đã học hết môn này đến môn khác. Trong khóa học nhạc hè năm nay cũng có một chút thay đổi trong đội ngũ Giáo Sư. Ngoài Cha Xuân Thảo, Thầy P. Kim, Thầy Hương Vĩnh, soeur Thanh Thúy, Cô Hoàng Oanh, Thầy Thiên, Thầy Sơn, cô Khánh Trân.......là những giáo sư không thể thiếu, đã từng dạy trong những kỳ Hè trước, năm nay còn có thêm nhiều khuôn mặt mới để phụ giúp các Giáo sư trong quá trình giảng dạy : Thầy Hoàng, thầy Thượng, thầy Phụng, anh Hướng, anh Chí, các chị Thu, chị Trinh... được gọi vui là các “ Giáo phụ” .
Chương trình của khóa học hè là chương trình trong một năm được “nén” lại trong 1 tháng, nên cả Giáo sư cũng như học viên điều phải tất bật để dạy và học. Tuy học hành vất vả cả ngày nhưng các học viên không tỏ ra chán nản mà vẫn vui tươi hăng hái chăm chỉ học hành, giờ ra chơi còn tranh thủ ôn bài cho môn buổi chiều. Tối lại thì phải thức ôn bài cho cả ngày mai. Có lẽ các học viên được như vậy cũng một phần nhờ theo gương các Giáo sư và các “ Giáo phụ” luôn đến lớp với niềm vui và một nhiệt tâm cho đi không mệt mỏi. Sự tận tình, kiên nhẫn và nụ cười của các giáo sư là một động lực cho các học viên mỗi ngày đến lớp học tập cách hăng say. Ngoài lý do chính là chương trình giảng dạy có hiệu quả, thì đây cũng có thể là lý do thu hút đông đảo các học viên đến với khóa học hè.
Sau một tháng học hành có thể nói là gian khổ, các học viên đều nhận thấy nơi mình một sự tiến triển rõ rệt trong kiến thức cũng như trong thực hành. Có người khẳng định rằng: “ Sau tháng này tôi sẽ tự tin tập hát không cần theo đàn nữa vì đã có thể tự xướng âm bài mới và đánh nhịp mà không có run rẩy, quờ quạng”. Thật vậy chỉ sau một tháng vắn vỏi mà kết quả thu được không nhỏ chút nào. Không chỉ là về kiến thức và kỹ năng âm nhạc nhưng sau tháng học này các học viên còn quen được nhiều bạn mới, học nơi nhau tinh thần hòa đồng, yêu thương, tương trợ, người mạnh hơn giúp kẻ yếu hơn, không kể tuổi tác, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo...
Kết thúc khóa nhạc hè mà ai cũng có cảm giác lưu luyến vì phải chia tay với những giáo sư dễ mến và những bạn bè dễ thương. Và hy vọng thời gian trôi mau để đến hè sang năm được tiếp tục trau dồi kiến thức, thu lượm được hành trang cho công việc phục vụ của mình.
Chúng con tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng một tháng học hè bình an, tốt đẹp. Xin Thiên Chúa ban muôn hồng ân trên quý Giáo sư và những người đã giúp đỡ chúng con trong khóa học hè vừa qua thay cho chúng con. Xin cho chúng con cũng biết sinh lời nén bạc Chúa ban bằng việc dùng khả năng phục vụ cho anh chị em hầu đáp đền ơn Chúa và những giáo sư đã dạy chúng con.
Lớp XA3 Hè 2014
Bài 2: DƯ ÂM
Khi những bản hợp xướng da diết được các chú ve sầu cất lên du dương, những cánh phượng đỏ rực sân trường và trên đường phố báo hiệu mùa hạ đến. Đối với tôi, mùa hạ luôn cho tôi những kỷ niệm khó quên và mùa hè năm nay cũng in dấu nhiều kỷ niệm và những bài học bổ ích khi được tham gia khóa Nhạc Hè cấp tốc do Viện âm nhạc Phan Sinh tổ chức.
Với hơn 250 học viên đến từ khắp nơi, có cả các tu sĩ và giáo dân, có những em bé và những người đã lớn tuổi cũng đến tham gia lớp học. tôi được xếp phụ tá hướng dẫn lớp xướng âm, lớp với nhiều khuôn mặt lạ hoắc. Tôi vốn rụt rè nên những ngày đầu đi đâu tôi cũng ngồi túm tụm với anh em. Nhưng rồi mọi chuyện thay đổi khi chúng tôi phải tách ra thành các tổ cộng thêm sự hòa đồng niềm nở của các học viên khác làm tôi thấy tự tin và thoải mái hơn.
Tròn một tháng trời chạy đua với thời gian và số lượng bài vở khiến tôi nhiều lúc muốn bỏ cuộc, có lúc mệt muốn nghỉ học nhưng cứ sợ không theo kịp nên vẫn cố gắng đến lớp. Một tháng trời học nhạc, ăn cùng xướng âm, chơi với xướng âm và…ngủ cùng xướng âm! Học trên lớp chưa đủ, tôi còn bị bạn bè tra tấn khi bắt nghe xướng âm khi đi xe buýt và buổi tối. Nhưng sự vất vả học hành của chúng tôi không là gì so với các cha các thầy dạy chúng tôi, các cha lo cho chúng tôi từ ăn uống đến giấc ngủ. Nơi cha và các thầy cô, tôi thấy được sự tâm huyết và phục vụ hết mình, sự hi sinh không cần đền đáp.
Tôi luôn ấn tượng và cảm phục cha Xuân Thảo, nơi cha tôi thấy sự nhiệt huyết và hi sinh cao cả. Tuy mệt nhọc với việc dạy nhiều lớp và lo cho chúng tôi nhưng trông cha luôn khỏe mạnh và vui vẻ, nụ cười luôn nở trên môi. Các giờ dạy của cha luôn mang lại cho tôi sự thoải mái và hấp dẫn. Với khiếu hài hước, các bài giảng của cha luôn dễ hiểu và nhớ lâu, không những thế cha còn khéo léo đưa các vấn đề thực tiễn để đưa ra các bài học bổ ích và thú vị.
Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi, một tháng đối với tôi khi bắt đầu khóa học là một tháng lê thê và cực hình đã không còn nữa khi những tuần cuối mọi người đã thân thiết với nhau và chuẩn bị cho thi cử. Thời gian những tuần cuối dường như trôi nhanh, vội vã hơn.Cả một tháng trời rèn luyện và vất vả, ai cố gắng ôn tập để đạt được kết quả như mong đợi nhưng xen lẫn vào đó là những tâm trạng nuối tiếc khi sắp phải chia tay nhau. Nhớ lắm những giờ học thú vị, những tâm tư của các cha các thầy muốn gửi gắm cho chúng em. Nhớ lắm những giờ phút cùng nhau ôn bài, chia nhau những chiếc kẹo, góp vui bằng những chuyện cười hay những câu hỏi đố trong giờ ra chơi. Thời gian một tháng không phải là dài cũng không phải là ngắn, nhưng từng đó thời gian cũng đủ cho mọi người thân thiết và quý mến nhau. Có lẽ vì thế mà ngày bế giảng, sau chương trình văn nghệ, không khí như chùng xuống khi mọi người sắp nói lời giã biệt, đã có những giọt nước rơi trên gò má, đôi mắt đỏ hoe vì xúc động. Có những người bình thường rất tinh nghịch và mạnh mẽ nhưng đến giờ phút chia tay vẫn không cầm được nước mắt, cố quay đi để người khác khỏi trông thấy mình đang rơi lệ.
Có lẽ những bài học, những tình cảm thân thương đó là hành trang cho mọi người bước vào đời và phục vụ. Xin tri ân Thiên Chúa là Cha đã cho chúng con có điều kiện rèn luyện khả năng Chúa đã trao, cũng như cho chúng con được gặp gỡ các cha, các thầy, những người trong lớp học. Xin cám ơn các cha, các thầy cô, các ân nhân đã không quản ngại thời gian công sức để giúp đỡ và chăm sóc chúng con. Cám ơn tất cả mọi người trong lớp đã cho tôi cảm giác thân thương của một gia đình. Xin dâng trả những điều tốt đẹp về cho Thiên Chúa và biết làm sinh lợi và dùng những gì chúng con đã được học tập để phục vụ.
Bài 3: Quà tặng tháng học hè 07/2014
Trong những ngày cuối cùng của tháng học hè, anh em đếm vé xe bus từng ngày. Sẽ không còn những ngày vừa đi bộ vừa học bài. Sẽ chấm dứt những buổi tối tranh thủ tập đánh nhịp. Sẽ không còn nghe tiếng luyện thanh lúc ban tối Mi, Ma, Nga, Ngô nữa! Ta sắp được “giải thoát” rồi! Hura… Tuy vậy, tự trong thâm tâm, ai cũng mang một tâm trạng ngậm ngùi muốn lưu giữ mãi những kỷ niệm của tháng học này, một khoảng thời gian chúng tôi thấy mình được khăng khít hơn trong tình anh em và thấy mình được mọi người yêu thương nhiều hơn!
Một tháng học hè đã trôi qua. Đây không chỉ là khoảng thời gian giúp tôi có thêm kiến thức về xướng âm, vững tay nhịp và biết cách luyện thanh nhưng còn là khoảng thời gian tôi may mắn nhận được những món quà tinh thần đến từ mọi người xung quanh.
Trước hết, tôi nhận thấy mình có khả năng vượt thắng chính bản thân mình. Âm nhạc đối với tôi thực sự là ‘khó nuốt’! Từ khi vào Nhà Tìm Hiểu, tôi đã phải đối diện với “anh bạn” không mấy thân thiện này. Tuy nhiên, tôi nhận ra được sự cần thiết của “anh” trong đời sống ơn gọi của mình nên tôi cũng mon men làm quen với “anh” trong vòng một năm nay. Tưởng rằng kỳ hè chúng tôi sẽ tạm chia tay để hai bên thảnh thơi hơn. Ai dè, tôi lại “được” gắn bó thêm một tháng nữa! Vui hay buồn đây? Trong thời gian đầu của khóa học tôi có những suy nghĩ, phản ứng không mấy tích cực với “anh bạn” âm nhạc này.
- Sao nhiều môn quá vậy?
- Ca trưởng, thanh nhạc, xướng âm học liên tục từ sáng tới chiều sao mà nhớ kịp?
- Hay mình cứ học tà tà rồi vào năm mình học lại?
- …
Đó là những phản ứng ban đầu của tôi trong mấy ngày đầu. Thực sự thì tôi bị dội vì mình chưa bao giờ rơi vào một hoàn cảnh học từ sáng đến chiều, trong vòng 1 tháng; mà phải học một môn mình không yêu thích nữa chứ! Thế nhưng, với sự động viên của các anh giám sư và anh em trong nhà, tôi đã dám đứng ra thử sức mình một lần xem sao. Tôi nhận ra rằng đây chính là cơ hội để tôi vượt thắng sức ì của mình. Và tôi đã chiến thắng.
Kế đến, trong thời gian qua, tôi cảm nghiệm được tình anh em nâng đỡ nhau. Tôi nghĩ rằng nếu như mỗi người chúng tôi tách riêng ra thì có lẽ số lượng “rơi rụng” trong khóa nhạc hè này sẽ cao lắm đây! Ơn Chúa, chúng tôi được ở chung với nhau, cùng đi học chung, nâng đỡ nhau khi chán nản, giúp nhau khi chưa hiểu bài… Chính tình anh em nâng đỡ nhau đã giúp chúng tôi học tốt hơn và đặc biệt chính khóa hè này đã thật sự nối kết chúng tôi lại gần nhau hơn. Kỷ niệm tôi nhớ nhất đó là chúng tôi luôn tranh thủ học chung với nhau trên đường ra bến xe bus, khi đứng trên xe bus. Tắm cũng học. Giặt đồ cũng học… Lúc nào cũng học mà trên mỗi gương mặt lúc nào cũng vui vẻ vì chúng tôi biết rằng mình luôn có anh em.
Tiếp theo phải nói đến là sự động viên của các anh Giám sư. Mỗi buổi sáng háo hức đi học và mỗi buổi chiều tối đói mệt trở về nhà, chúng tôi đều nhận được những nụ cười động viên, những lời hỏi thăm việc học của các anh giám sư. Công việc lo bữa ăn cho gần 50 anh em đi học đối với hai thầy không phải nhẹ nhàng gì. Thế nhưng tôi chưa bao giờ thấy khuôn mặt thầy nhăn nhó, khó chịu. Trái lại, chính khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười động viên của thầy đã giúp chúng tôi cố gắng hơn. Riêng cá nhân mình, tôi cảm thấy đó chính là món quà cuối ngày mà tôi nhận được sau những mệt mỏi của một ngày học. Một buổi chiều đi học về, anh em ai cũng đói. Những bước chân lên cầu thang nặng nề. Leo lên hết bốn tầng lầu ai cũng đuối hơi, ngồi phụp xuống giường. Nhưng hôm nay có một điều nho nhỏ khác với mọi khi. Trên giường của mỗi người có một trái mận. Món quà tuy nhỏ nhưng tôi nhận thấy sự quan tâm thầy dành cho mỗi anh em thật lớn!
Và sau hết, tôi muốn nói đến sự nhiệt tâm và tình thương của các thầy cô giáo. Tuy năm nay đã ngoài 60 nhưng Cha vẫn dạy học và đi trông nom các lớp. Cha quan tâm đến từng học viên. Cha lo lắng sắp xếp cho các lớp xướng âm, organ, ca trưởng, thanh nhạc với mọi cấp độ. Tuy công việc bộn bề nhưng tôi chưa bao giờ thấy Cha cau có hay tỏ ra nóng nảy với các học viên. Lúc nào Cha cũng niềm nở, vui vẻ. Đó chính là sự khích lệ và làm cho tình cha con gần nhau hơn. Cộng tác với Cha trong việc dạy học còn có các thầy cô giáo, những người luôn nhiệt tâm truyền đạt kiến thức âm nhạc cho chúng tôi. Tôi nhận thấy đây không chỉ là một trường học nhưng đây thực sự là một gia đình…
Một tháng học hè tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, và đặc biệt đây là khoảng thời gian tôi nhận ra được mình luôn được Chúa thương yêu qua những ân nhân, các thầy cô giáo, các anh giám sư. Và hơn hết, tôi cảm nhận rằng tôi luôn có anh em bên cạnh. Xin chân thành tri ân với tất cả lòng yêu mến.
Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Ngọc Anh
Tìm hiểu Tỉnh dòng thánh Phan-xi-cô Việt Nam