Thứ Hai, 10 Tháng Ba, 2014 4.610

DÂN CA VIỆT NAM

TRANG DÂN CA VIỆT NAM

Trong kho tàng âm nhạc truyền thống của Việt nam [1]  có nhiều thể loại lớn như:

nhạc cung đình [2];

- nhạc tôn giáo hay nhạc nghi lễ, tế tự [3];

- nhạc thính phòng [4];

- nhạc tuồng hay nhạc ca kịch [5]; 

- nhạc Dân ca, như  Hát ru, Hát trẻ em hay Đồng dao, Ngâm thơ, Nói thơ, các điệu Hò, điệu Lý, và các điệu Hát khác như Hát Quan họ, Hát Trống quân, Hát Phường vải,  Hát Xoan, Hát Xẩm, Hát Ghẹo, Hát Ví dặm...

Dân ca là một thể loại ca hát dân gian, chủ yếu phát xuất từ môi trường nông ngư nghiệp ở thôn làng, rất có thể bắt đầu từ một cá nhân có năng khiếu dệt nhạc vào một bài ca dao (thơ dân gian), rồi được truyền miệng và nhào luyện, uốn nắn, gọt dũa qua nhiều người trong tập thể, từ làng này đến làng khác, từ thời này qua thời khác, có thể sinh ra nhiều dị bản khác nhau, thường khó xác định được gốc phát xuất, nói chi đến tên tác giả hoặc tập thể đầu tiên phác họa ra làn điệu gốc của bài Dân ca.  Từ môi trường nông ngư nghiệp đó, Dân ca có nhiều chức năng trong các sinh hoạt của cuộc sống, như chức năng hỗ trợ các thao tác lao động trên cạn (như ru con/em/cháu [6], xay lúa, giã gạo, tát nước, phát cỏ, nện vôi, đươn(g) đệm, dệt vải, hái củi, kéo ghỗ, ...), trên nước (chèo thuyền/ghe, đẩy thuyền, thả lưới...); chức năng giải trí nhằm giúp thư giãn thể xác, giải tỏa tinh thần lúc nghỉ ngơi; chức năng giao tiếp tạo cơ hội cho nam nữ trao đổi tâm tình; chức năng thông tin, giáo hóa, hoặc bày tỏ nỗi niềm; chức năng tế tự giúp con người tương quan với thế giới "siêu nhiên" (chẳng hạn với ông bà tổ tiên, thánh hiền đã quá cố, nhất là với "Ông Trời," hoặc với Đấng Siêu Việt...).  Nhạc tôn giáo, như vậy, cũng có thể là một thành phần của Dân ca.  Ngoài ra, có sự tương tác qua lại giữa nhạc thính phòng, nhạc tuồng và Dân ca, trong đó Dân ca có vẻ như là một thành viên uy tín, luôn giữ được địa vị của mình mà không bị tha hóa bởi cac thể loại khác.

Nếu như ngôn ngữ Việt nam, với tính đơn lập,-- mỗi tiếng mỗi chữ nói và viết tách bạch nhau, -- và tính đa thanh, -- năm dấu sáu giọng trầm bổng khác nhau, -- là yếu tố mang tính dân tộc cao nhất, đã vượt qua mọi thử thách của một ngàn năm bị đô hộ, một trăm năm làm thuộc địa, để càng ngày càng phát triển vững mạnh làm mối giây liên kết mọi người dân Việt qua mấy ngàn năm nay, thì Dân ca là loại nhạc dân gian, nhạc của đại chúng dựa trên ngôn ngữ Việt-đầy-dân-tộc-tính ấy có thể được coi là loại nhạc còn giữ được tính-dân-tộc-Việt trọn vẹn nhất.

Dân ca đáng là một kho tàng vô giá về văn chương và nhất là về âm nhạc cho bất cứ người Việt nam nào yêu thích và mong muốn phát triển tài năng trong lãnh vực âm nhạc. Hình như chỉ có phát xuất từ Dân ca, chúng ta mới hy vọng xây dựng được một cái gì có thể thực sự gọi được là bài nhạc có âm hưởng dân tộc Việt.

Do đó, chúng tôi giới thiệu một số bài Dân ca quen thuộc để các bạn yêu nhạc nghe cho quen đến độ có thể hát được một cách tự tin ở giữa bạn bè trong các dịp sinh hoạt giải trí. Muốn phần nào hiểu thêm cái hay cái đẹp của Dân ca, các bạn nên tìm đọc Nhạc Lý Căn Bản (Quê Hương) chương IV (B.Thang Âm); hoặc học theo giáo trình Xướng âm cấp 1-2-3 trong mục Âm Nhạc trên hailinhquehuong.net.

Vì nhu cầu phục vụ đại chúng trong lãnh vực bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, chúng tôi mong các ca sĩ và các nhà sản xuất cho chúng tôi dùng những bài Dân ca đã chọn lựa ra đây. Nếu quí vị nào thấy không thuận tiện, xin cho chúng tôi biết, và chúng tôi sẽ đưa xuống ngay những bài mà quí vị không chấp thuận. Thành thật xin quí vị thông cảm và cảm ơn quí vị trước.

X.T.

Chú Thích:

[1] còn gọi là nhạc cổ truyền, tức là nhạc do người dân Việt sử dụng và được truyền lại từ thời lập nước đến nay, để phân biệt với "nhạc mới" ít nhiều chịu ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây.

[2] các loại nhạc khác nhau dùng trong các lễ nghi hay sinh hoạt của triều đình.

[3] như nhạc Phật giáo với các điệu tụng, niệm, tán,..; nhạc Cao Đài với các điệu Nam Xuân, Nam Ai, Oán; nhạc Công giáo với các cung Kinh, cung Sách, cung Vãn, đặc biệt Vãn Dâng Hoa; và  các loại nhạc khác liên quan đến các sinh hoạt tế tự như hát văn thờ, văn hầu, chầu văn, sắc bùa, rỗi bóng, hò đưa linh, nhạc đám ma, lên đồng, ...

[4] nhạc chuyên nghiệp dân gian có nhạc cụ phối hợp với giọng hát: Hát Ả Đào, còn gọi là Ca Trù ở miền Bắc, Ca Huế ở miền Trung, và Đàn/Ca Tài Tử ở miền Nam.

[5] như hát bội, hát chèo, hát cải lương.

[6] Chúng tôi chia sẻ quan niệm của Trần Tấn Vĩnh, "Vài Nét Vè Miền Đất Nam Bộ" trong Ca Dao Dân Ca Nam Bộ (TP HCM: Nhà XB TP HCM, 1981), 22.

I. MỘT SỐ BÀI DÂN CA QUEN THUỘC (Xin nhấn vào đây để tìm bài):

Các bài này, tuy không ở trong môi trường diễn xướng tự nhiên của chúng (như môi trường lao động, giải trí tập thể, hoặc nghi lễ  tế tự...), và tuy phần nhạc đệm cho giọng hát có bài dựa trên chất liệu hòa âm Tây phương một cách quá lộ liễu làm giảm đi phần nào cái nét duyên dáng bay bổng và thoáng mỏng của Dân ca Việt Nam,  ít nhất cũng còn giúp chúng ta lưu giữ được phần nào cái cốt lõi  của Dân ca.

II. DÂN CA NỐI KẾT:

Chúng tôi cũng kết nối với các trang mạng khác có đưa lên một số bài Dân ca của Ba Miền

Có thể có một số bài có đầu đề khác với nội dung bài hát, xin quí vị thông cảm cho. Chúng tôi không có trách nhiệm gì đối với các nội dung khác ngoài những bài Dân ca và Âm hưởng Dân ca mà chúng tôi kết nối.

Dân Ca Miền Bắc

Dân Ca Miền Trung

Dân Ca Miền Nam

Dân Ca Thể loại khác

Âm Hưởng Dân Ca (Bấm Nhạc DC)

Trang DC khác

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương