Anh Chị Em thân mến,
Trong những tháng vừa qua, tôi đã có nhiều dịp để nhắc nhở mỗi anh chị em Kitô hữu nhu cầu tìm thời giờ cho Chúa, cho việc cầu nguyện, giữa nhiều sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Chính Chúa cho chúng ta nhiều cơ hội để nhớ đến Người. Hôm nay tôi xin đề cập vắn tắt đến một trong các con đường có thể dẫn ta đến với Thiên Chúa và cũng có thể hữu ích cho việc chúng ta gặp gỡ Người: Đó là con đường của các diễn tả nghệ thuật, là thành phần của "via pulchritudinis" --con đường của cái đẹp-- mà tôi đã nói đến nhiều lần; và người thời nay nên phục hồi lại trong ý nghĩa sâu xa nhất của con đường ấy.
Có lẽ anh chị em đã có lần --trước một bức tượng, một bức tranh, mấy vần thơ, hay khi nghe một bản nhạc-- đã trải qua một cảm xúc sâu xa, một cảm nghiệm hân hoan, tức là nhận thức rõ ràng rằng ở trước mặt anh chị em không chỉ là vật chất -- một miếng cẩm thạch hay một miếng đồng, một khung vải vẽ, một mớ chữ hay một mớ âm thanh -- nhưng là một cái gì cao cả hơn nhiều, một cái gì "nói" với chúng ta, một cái gì có khả năng đánh động con tim, truyền đạt một thông điệp, nâng cao tâm hồn.
Một tác phẩm nghệ thuật là hoa quả của khả năng sáng tạo của con người ngạc nhiên trầm trồ trước thực tại hữu hình, của con người tìm khám phá các tầng sâu ý nghĩa của nó và thông truyền nó qua ngôn ngữ của hình nét, màu sắc và âm thanh. Nghệ thuật có khả năng diễn tả, và bộc lộ nhu cầu của con người muốn vượt qua bên kia điều họ trông thấy; nó biểu lộ lòng khao khát và tìm kiếm cái vô tận. Thật vậy, nghệ thuật giống như một cánh cửa mở ra cái vô tận, mở ra một vẻ đẹp và một sự thật vượt quá cái thường ngày. Và một tác phẩm nghệ thuật có thể mở mắt của tâm trí và con tim, bằng cách đưa chúng ta lên cao.
Nhưng có những diễn tả nghệ thuật là những con đường đích thực dẫn chúng ta đến với Chúa, Vẻ Đẹp tối thượng. Quả thực chúng giúp tăng trưởng tương quan của chúng ta với Chúa trong khi cầu nguyện. Chúng ta đang nói đến những tác phẩm nghệ thuật thoát thai từ đức tin, và diễn tả đức tin. Thí dụ bất cứ khi nào chúng ta viếng thăm một vương cung thánh đường kiểu gô-tích: chúng ta bị cuốn hút bởi các đường cao vút lên trời, lôi kéo cái nhìn va tâm trí chúng ta lên cao, trong khi, cùng lúc đó, chúng ta lại cảm thấy bé nhỏ mà vẫn khao khát được tràn đầy viên mãn. ... Hoặc khi chúng ta vào một thánh đường kiểu Rô-măng: tự nhiên chúng ta được mời gọi vào cung chiêm và cầu nguyện. Chúng ta nhận thức rằng ẩn dấu bên trong các kiến trúc lộng lẫy đó là đức tin của bao thế hệ. Hoặc khi nghe một bài thánh nhạc rung động con tim chúng ta, tâm hồn chúng ta mở rộng ra và dễ dàng quay hướng về Chúa. Tôi nhớ lại một buổi hòa tấu nhạc của Gioan S. Bach tại Munich miền Bavaria, do Leonard Bernstein chỉ huy. Đến phần kết của chung khúc Giáo trường ca (Cantata), tôi cảm thấy, không phải bằng suy tư lý luận, mà là tự đáy lòng tôi, rằng điều tôi vừa mới nghe đã thông truyền chân lý cho tôi, chân lý về nhà sáng tác tối cao, và điều đó thôi thúc tôi dâng lời cảm tạ Chúa. Ngồi bên cạnh tôi là Giám mục của Munich thuộc Hội Thánh Luther. Tôi bộc phát nói với ngài: "Bất cứ ai nghe nhạc nầy cũng đều hiểu rằng đúng thật; một đức tin mạnh mẽ như thế là có thật, cũng như vẻ đẹp, một cách không thể cưỡng lại được, diễn tả sự hiện diện của chân lý về Thiên Chúa.
Vậy đã bao nhiêu lần các bức tranh hoặc bức bích họa, là hoa trái đức tin của người nghệ sĩ, --bằng hình nét, màu sắc, ánh sáng của chúng--, thúc đẩy chúng ta hướng tư tưởng chúng ta về Chúa, và làm cho chúng ta tăng thêm lòng khao khát kín múc nơi Nguồn mạch của mọi vẻ đẹp. Marc Chagall, một nghệ sĩ lớn, đã viết đúng và sâu sắc, rằng trong bao thế kỷ, các họa sĩ đã nhúng cọ của họ vào bảng chữ cái đầy màu sắc là cuốn Kinh Thánh. Bao nhiêu lần các diễn tả nghệ thuật có thể là những cơ hội nhắc chúng ta nhớ đến Chúa, để giúp chúng ta cầu nguyện hoặc ngay cả giúp hoán cải con tim chúng ta trở lại cùng Chúa! Năm 1886, Paul Claudel, một thi sĩ nổi tiếng, nhà viết kịch và nhà ngoại giao người Pháp, đã cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đại giáo đường Notre-Dame de Paris, chính xác là khi nghe hát bài Magnificat trong lễ Giáng Sinh. Ông vào nhà thờ không do đức tin thúc đẩy. Ông vào đó chính là để tìm các luận cứ chống lại các Kitô hữu, và thay vào đó, ơn Chúa đã hành động trong lòng ông.
Các bạn thân mến, tôi mời các bạn tái khám phá tầm quan trọng của con đường (của nghệ thuật) này cho việc cầu nguyện, cho tương quan sống động của chúng ta với Thiên Chúa. Các thành phố và các quốc gia trên toàn thế giới đều chứa đựng những kho tàng nghệ thuật diễn tả đức tin và nhắc chúng ta nhớ tới tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa. Do đó, ước mong sao cho việc thăm viếng các nơi nghệ thuật không chỉ là cơ hội để làm giàu văn hóa, mà trên hết nó có thể trở nên một thời gian ân sủng, một thời gian khuyến khích chúng ta củng cố mối dây liên kết và cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa, để chúng ta dừng lại và -đi từ thực tại đơn giản bên ngoài đến thực tại sâu xa hơn mà nó diễn tả- chiêm ngưỡng tia sáng của vẻ đẹp đánh động chúng ta, gần như "gây thương tích" cho chúng ta tận nơi sâu thẳm nhất của con người chúng ta và nó mời gọi chúng ta nâng hồn lên tới Thiên Chúa. Tôi kết thúc với một lời cầu xin của Thánh vịnh 26:
"Một điều tôi kiếm tôi xin
là luôn được ở trong đền Chúa tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng" (Tv 26,4).
Chúng ta hãy hy vọng rằng Chúa giúp chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Người, trong thiên nhiên cũng như trong các tác phẩm nghệ thuật, để một khi đã được ánh sáng tôn nhan Chúa đánh động, chúng ta cũng có thể là ánh sáng cho người thân cận chúng ta.
Xuân Thảo, OFM, chuyển dịch dựa trên bản tiếng Pháp