Chủ Nhật, 04 Tháng Hai, 2018 6.070

SÁCH BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SÁCH BÀI ĐỌC TRONG THÁNH L

HƠN 50 NĂM SAU CÔNG ĐỒNG VA-TI-CA-NÔ II

 

Thư trả lời cho anh chị em (bạn của chị Hải Triều, thánh ca), hiện đang sinh hoạt và sáng tác thánh ca tại một giáo xứ ở Hoa kỳ, email đề ngày 31-1-2018 (Thinh-Qui Nguyen tinvy@hotmail.com)                            

 Chào anh Thịnh.

Cám ơn các anh chị em đã đón nhận những chia sẻ vừa qua của tôi. Qua chị Hải Triều mà tôi lại có dịp gặp gỡ các anh chị qua email này. Thời đại công nghệ thông tin quả thật đã làm cho mọi người trở nên gần gũi nhau, dĩ nhiên đôi khi cũng có những tác hại ngược lại khi người ta dùng nó để xuyên tạc sự thật hay ít là không trung thực. Dù chưa hề quen biết, nhưng qua những câu hỏi, những thắc mắc của các anh chị liên quan đến Phụng Vụ, đến Lời Chúa khiến tôi rất mến phục tinh thần học hỏi này. Hai câu hỏi lần này các anh chị đặt ra là vấn đề rất lớn và cũng rất nhức nhối của Giáo Hội Việt Nam, mà rất ít người hiểu tường tận để có thể trả lời cách đúng đắn hai câu hỏi này. Vấn đề tồn đọng cả hàng mấy chục năm, không thể trình bày trong vài trang giấy được, tôi chỉ cố gắng tóm tắt những điểm chính thôi.

 

Đây là câu hỏi thứ nhất của các anh chị:

1) Theo sự hiểu biết của chúng em qua các cha Nguyễn Duy, Kim Long, và Mi Trầm, thì bản dịch các BĐ, TVĐC và THTM của Ủy Ban Phụng Tự thuộc HĐGMVN đã được Tòa Thánh chuẩn nhận vào thập niên 70 là văn bản chính thức được dùng trong Thánh Lễ. Nhưng chúng em lại thấy phiên bản của Nhóm PVCGK được nhiều giáo xứ sử dụng (trong cũng như ngoài nước). Như vậy là thế nào?

  Trả lời:

 -         Sách Lễ: bản dịch 1969-1973 của UBPT

 Tôi không biết nguyên văn câu nói của các cha Duy, Kim Long và Mi Trầm như thế nào. Nhưng muốn biết bản dịch các Bài Đọc trong Thánh Lễ của Ủy Ban Phụng Tự thuộc HĐGMVN đã được Tòa Thánh chuẩn nhận vào thập niên 70 có phải là văn bản chính thức được dùng trong Thánh L hay không thì các anh chị cứ mở cuốn SÁCH LỄ Mùa Vọng và Giáng Sinhin năm 1969, sẽ có câu trả lời: ngay trong lời nói đầu đã ghi rõ đây chỉ là bản dịch để tạm dùng thôi. Tôi sẽ scan lại và để ở cuối thư này.

Các anh chị nên biết một trong vô số thành quả của Công Đồng Vatican II (1965) mà dân Chúa được thừa hưởng là công cuộc canh tân Phụng Vụ, nhờ vậy, chúng ta được tham dự thánh lễ một cách tích cực và sốt sắng hơn thời trước Công Đồng, vì thánh lễ được cử hành bằng tiếng bản xứ. Sau Công Đồng vài năm, tại Việt Nam Uỷ Ban Phụng Tự do cố Giám mục Giu-se Phạm Văn Thiên làm chủ tịch và cha Gia-cô-bê Nguyễn Văn Vy, tổng thư ký, đã nỗ lực dịch Sách Lễ Rô-ma, và bộ sách bài đọc trong thánh lễ để đáp ứng nhu cầu dân Chúa. Lúc đó uỷ ban có tên là Uỷ Ban Giám Mục Về Phụng Vụ, còn bộ sách có tên gọi chung là SÁCH LỄ gồm 5 cuốn: Mùa Vọng & Giáng Sinh – Mùa Chay & Phục Sinh – 2 cuốn Mùa Quanh Năm – và cuốn Ngoại Lịch. Cuốn đầu in vào cuối năm 1969, cuốn 5 in năm 1973.

Theo nội dung Lời nói đầu thì rõ ràng là uỷ ban chỉ xin phép “tạm dùng”, mà chỉ nói đến cuốn Mùa Vọng và Giáng Sinh, và một phần quanh năm, phần còn lại có xin phép hay không thì không thấy ghi trong những cuốn in sau.

Việc cho phép “tạm dùng” chỉ có giá trị trong một thời gian nào thôi. Dù vậy cũng cần nhận định rằng vào thời điểm đó, công lao của uỷ ban thật lớn và đã cống hiến cho dân Chúa một món ăn tinh thần rất có giá trị. Tuy nhiên, chính uỷ ban cũng thú nhận là bản dịch này còn thiếu sót do thời gian eo hẹp, cần phải tu bổ.  Một điều không nói ra nhưng phải nhận rằng: vào thời điểm ấy, đây là công việc khá mới mẻ, không chỉ đòi hỏi chuyên môn cao mà còn kinh nghiệm làm việc tập thể lâu dài, điều này không dễ dàng với người Việt Nam mình.

Sau ngày 30/4/1975 tất cả các hội đoàn, ban bệ có tên tuổi đều bị giải tán hoặc tự động ngưng sinh hoạt; Uỷ ban Phụng Tự của đức cha Thiên cũng chung số phận với các ban bệ hội đoàn mà rã đám, vì thế bộ sách được phép “tạm dùng” cứ tiếp tục phải “dùng tạm” cho đến hôm nay, gần 50 năm. Dĩ nhiên những sách in từ thuở ban đầu đã rách nát tả tơi, nên hầu hết phải photocopy lại, nhưng nhiều nơi kỹ thuật kém, vừa mờ vừa nhem nhuốc…

 Sách Bài Đọc trong Thánh Lễ: bản dịch của Nhóm CGK Phụng Vụ

 Trong khi tất cả các ban bệ đoàn thể ngưng mọi sinh hoạt, thì chỉ có một nhóm rất nhỏ khoảng 5,6 tu sĩ, linh mục dòng và triều vẫn âm thầm làm việc, vì nhóm này không có tên tuổi gì, nên không bị để ý; đó là Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ tự lập từ năm 1971, nhóm cứ miệt mài công việc phiên dịch Các Giờ Kinh và sau đó dịch tiếp toàn bộ Kinh Thánh, thời điểm khó khăn nhất lại là thời điểm làm việc hăng hái nhất và hiệu quả nhất; cái khó là tránh được tai mắt nhà nước, nên không chỉ tập trung một nơi nhất định…Chính nhờ tinh thần làm việc chung, gắn bó với nhau mà Nhóm CGKPV đã hoàn thành bộ Kinh Thánh, đặc biệt là Các Giờ Kinh Phụng Vụ trong đó Thánh vịnh là nội dung chính. Ngay đầu trang 4 ghi rõ: Sách này dịch từ bộ LITURGIA HORARUM theo ấn bản 1987, do nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ thực hiện, đã được Uỷ Ban Giám Mục đặc trách Phụng Tự thông qua, và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chấp thuận.

Vào năm đó Chủ tịch Uỷ Ban Giám Mục đặc trách Phụng Tự là đức cố Giám mục Bartolomeo Nguyễn Sơn Lâm đã ký ngày 06-05-1995. Như thế bản dịch Thánh vịnh của Nhóm CGKPV có một thế giá, và ngày hôm nay toàn thể linh mục tu sĩ và một số đông giáo dân Việt Nam đều sử dụng bộ sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ của Nhóm trong các giờ kinh nguyện, ít là Kinh Sáng & Kinh Chiều. Bài phổ nhạc Tv 72(71) mới nhất của anh mà tôi vừa nhận được chính là bản dịch của Nhóm CGKPV đấy, đó cũng là Tv đáp ca trong thánh lễ ngày 18-12, Kinh Chiều thứ Năm Tuần II, và một vài giờ Kinh khác.

Vào đầu mùa Vọng 1999, để đáp ứng nhu cầu mục vụ của một vài linh mục quen biết, Nhóm CGKPV đã cho ra cuốn Mùa Vọng và Giáng Sinh lấy tên là SÁCH BÀI ĐỌC trong Thánh Lễ, sau đó tiếp tục những cuốn còn lại. Lúc đầu cũng chia làm 5 cuốn như bộ SÁCH LỄ 1973, sau này gom lại thành 3 cuốn. (Trước đó nhiều năm Nhóm CGKPV đã có những sách Bài Đọc Chúa Nhật, Lễ Trọng… dưới dạng in ronéo và phổ biến hạn chế). Thời gian đầu có một vài vị giám mục mặc nhiên chấp nhận, có vị còn mua cho giáo phận của mình nữa. Nhưng có một số vị không muốn cho dùng, lấy lý do là Nhóm CGKPV không có quyền in ấn phát hành sách Phụng Vụ, việc dịch và phổ biến là quyền của UB Phụng Tự, rồi đưa luật này luật kia để không cho sử dụng. Nhưng không có văn bản nào công khai cấm sử dụng, vì 2 lý do:

- Các giám mục có quyền cho phép sử dụng, còn nếu cấm thì phải cho biết lý do bản văn có gì sai với đức tin không?

- Bộ sách “tạm dùng” lại “dùng tạm” quá lâu, văn chương không còn hợp với thời đại, rất nhiều linh mục chán ngán nên đã tý dùng bộ sách bài đọc của Nhóm CGKPV. Có cha lý luận, nếu không muốn cho đọc bản dịch của Nhóm CGKPV thì phải có bản mới tốt hơn!

Vậy bao lâu mà UB Phụng Tự chưa có bản văn chính thức thì người ta vẫn sử dụng bản dịch của CGKPV nếu muốn. Tôi chứng kiến một vài giáo xứ sử dụng sách Bài Đọc của CGKPV suốt mấy năm, nhưng khi cha xứ đổi đi, cha khác về thay, cha đến sau dùng lại bộ sách 1970!!!Và cũng có trường hợp ngược lại. Nhưng nhu cầu của độc giả càng ngày càng tăng, không chỉ trong nước mà còn cả ngoài nước như các anh chị đã thấy. Nhóm CGKPV trong suốt 17 năm qua, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của độc giả, từ giai đoạn photocopy, đến việc in có màu, tính chung có tới 17.000 bộ.                                                                                                                              

Mong rằng câu trả lời tạm đủ, xin qua câu hỏi thứ hai:

 2) Cách đây khoảng 9-10 tháng, Cha Nguyễn Duy và Kim Long có cho biết rằng: nếu mọi việc suôn sẻ thì sẽ HĐGMVN sẽ cho phát hành bản dịch mới của sách BĐ, TVĐC, và THTM (mà mới được Tòa Thánh châu phê) vào đầu Mùa Vọng 2017. Song, đến nay vẫn chưa thấy gì. Không biết Anh Hoan có thể cho chúng em biết thêm về thông tin bản dịch mới này không? Phải chăng bản dịch mới là bản dịch của Nhóm PVCGK? Và có cách nào để chúng em có thể xin một phiên bản kỹ thuật số để phổ nhạc cho kịp theo thời gian tính không ạ? các kinh nguyện, lời đối đáp và cả các bài đọc Kinh Thánh nữa.

 Trả lời:

             Việc HĐGMVN sẽ cho phát hành bộ sách bài đọc vào thời điểm nào thì tôi không thể nào biết được, nhưng trong câu hỏi có sự lầm lẫn với bản dịch của CGKPV và một yêu cầu của các anh chị nên tôi xin trả lời.

            Câu hỏi thứ hai cũng có liên quan ít nhiều với câu thứ nhất. Ít là cho đến hôm nay xin các anh chị đừng lẫn lộn “bản dịch mới” của UBPT với bản dịch của Nhóm CGKPV. Các anh chị cần biết cách vắn tắt về diễn tiến liên quan đến các bài Kinh Thánh dùng trong Phụng Vụ.

            Trong câu trả lời thứ nhất, tôi đã nói về bộ sách Bài Đọc của UBGM về PV mang tên là Sách L khởi sự từ cuối năm 1969 và hoàn tất năm 1973, với sự xin phép “tạm dùng”,  xin gọi tên bộ sách này là bản 1973 và sau đó là sự có mặt của bộSách Bài Đọc trong Thánh Lễ của Nhóm CGKPV (1999), từ đó, hai bản dịch sách bài đọc cùng lưu hành song song cả trong nước và ngoài nước.

            Trải qua một thời gian, bản dịch Sách Bài Đọc của Nhóm CGKPV được đông đảo độc giả sử dụng, vì lời văn dễ đọc, dễ nghe cũng như cách trình bày in ấn sáng sủa. Đã có lúc một vài Giám mục đề nghị sử dụng bản dịch này trong Phụng Vụ, nhưng những đề nghị chỉ mang tính cá nhân, không được quan tâm.

Ngay vào năm 2000, chính đức cha chủ tịch UBPT lúc ấy là giám mục GB Phạm Minh Mẫn đã gửi một kiến nghị lên HĐGMVN sử dụng bản dịch Kinh Thánh của CGKPV để sử dụng trong Phụng Vụ (ít là tạm thời) mà cũng không được chấp thuận. Tôi sẽ scan lá thư kiến nghị này ở cuối bài viết. Ngoài ra, để hiểu vấn đề hơn xin các anh chị cũng vào link này để đọc:

https://ktcgkpv.org/upload/ pdf/kyyeu/33. KyYeu2011baisocsachle.c.Tinh. 5tr..pdf

 

Công việc dịch thuật và phổ biến các bản văn Phụng Vụ là quyền hạn và trách nhiệm của Uỷ Ban Phụng Tự, theo luật là thế, nhưng thực tế suốt bao nhiêu năm nay, vẫn chưa có được bản dịch hoàn chỉnh do còn nhiều hạn chế; cũng vì lý do đó, nên đức cha chủ tịch Trần Đình Tứ và cha Kim Long đã 2 lần đến gặp Nhóm CGKPV vào năm 2001. Cuộc trao đổi không có kết quả dù Nhóm CGKPV đã tỏ nhiều thiện chí. Nhưng sau cuộc gặp gỡ ấy đã có nhiều lời xuyên tạc về Nhóm: Nào là gây khó dễ, bất hợp tác, nào là ham tiền…Xin các anh chị vào link này để hiểu rõ vấn đề hơn:

https://ktcgkpv.org/upload/ pdf/kyyeu/34. KyYeu2011Nhombathoptac.c.Tinh. 7tr..pdf

 

            Từ đó cho đến nay có những người vốn có cái nhìn sai lệch về Nhóm CGKPV tìm mọi dịp xuyên tạc. Còn UB Phụng Tự thì ra sức để “dịch” các sách phụng vụ. Trước hết là cuốn Sách Lễ Rôma dày 1070 trang của UB Phụng Tự do Đức cha B. Nguyễn Sơn Lâm làm chủ tịch, với sự đóng góp rất nhiều của Nhóm CGKPV, in năm 1992 sử dụng cho đến nay.

Sau đó UBPT (do Đức cha Trần Đình Tứ) miệt mài mấy năm trời sửa vài ba chữ trong phần Thánh lễ có giáo dân tham dự chỉ hơn 200 trang, rồi năm 2005 in ra  một cuốn riêng, bắt buộc sử dụng, nên các linh mục cử hành thánh lễ phải sử dụng 2 cuốn sách, sau đó để giải quyết sự bất tiện này, phải nhờ nhà in, xé bỏ phần cũ từ trang 419 – 594 để vá phần mới dịch vào.

Nếu các anh chị mở sách Lễ Rôma sẽ thấy sự chắp vá này: sau trang 419 là số thứ tự mới từ trang 1 – 204, sau đó tiếp tục số trang cũ 595. Đến năm 2008 lại dịch thêm được cuốn Nghi Thức Hôn Phối, các linh mục phải sử dụng, nhưng rất nhiều cha than phiền là khó sử dụng. Mới đây UBPT lại dịch thêm được cuốn Nghi Thức An Táng và cũng bắt buộc sử dụng! Ra cuốn sách nào UBPT cũng phải in ngay ở trang đầu tiên nói về quyền dịch, quyền phổ biến…

 

-         Việc phê chuẩn và in sách bài đọc của UB Phụng Tự

 

            Tôi không biết chính xác năm nào, chỉ nghe một số cha nói rằng UBPT đã dịch xong các bài đọc trong thánh l, và đã gửi qua toà thánh xin phê chuẩn từ những năm 2010…rồi cứ nghe tin sắp in từ nhiều năm rồi. Cho đến gần cuối năm 2017, lại nghe rằng đức khâm sứ Leopoldo Girelli chúc mừng HĐGMVN vì toà thánh đã phê chuẩn bản dịch tiếng Việt Sách Lễ Rôma và một giám mục rất hào hứng báo tin cho các giáo phận “chung tay góp sức” để tiến hành việc in sách, lần này thì không phải thông tin từ những nhà làm thơ làm nhạc mà từ những bậc vị vọng trong Giáo Hội.

Nhưng như các anh chị nói:” Cha Nguyễn Duy và Kim Long có cho biết rằng: nếu mọi việc suôn s …sách sẽ phát hành vào đầu Mùa Vọng 2017”.

Vâng thưa các anh chị, hai vị nhạc sĩ nói rất đúng NẾU…!  Và quả thế việc này đã thực sự không suôn sẻ …và dân Chúa tiếp tục những mùa vọng mong chờ sách đến. Các anh chị có biết tại sao không? Một người có chút hiểu biết phải nghĩ được là việc toà thánh phê chuẩn chỉ là thủ tục pháp lý theo giáo luật, vì một bản văn cả hơn 3.000 trang, dù các vị là người Việt Nam hay người nước ngoài rành tiếng Việt cũng chẳng đủ kiên nhẫn ngồi đọc để biết nó sai hay đúng, hay hoặc dở. Khi bản văn đã được HĐGM đồng ý vì tin vào Uỷ Ban Phụng Tự, còn Toà thánh thì tin vào uy tín của HĐGM nên phê chuẩn. Trong một chuỗi dây chuyền chỉ cần một mắt xích không làm trọn bổn phận, cho dù là sơ ý thì thành phẩm cũng mất giá trị. Tôi được biết, trước khi in người ta mới phát hiện bản văn có nhiều vấn đề, phát sinh nhiều ý kiến trái chiều, nhất là bản văn có nhiều chỗ copy bản văn của Nhóm CGKPV. “Công trình” này vốn dĩ là của Uỷ Ban Phụng Tự cũ trong gần 20 năm qua. UBPT mới nhận ra những bất ổn này, nên vì uy tín và trách nhiệm đã tuyên bố ngưng lại và kêu gọi một số linh mục có năng lực chuyên môn để bắt đầu làm lại!! Khi nào thật hoàn chỉnh mới in một lần. Đó là một quyết định khôn ngoan và đúng đắn.

Như vậy chẳng biết đến bao giờ mới có một bản dịch Sách Bài Đọc trong Thánh Lễ hoàn chỉnh cho dân Chúa Việt Nam!

- Một thông tin mới nhất

Lẽ ra tôi trả lời đến đây thôi, nhưng tôi lại mới đọc được một thông cáo có liên quan đến sách bài đọc, nên xin chia sẻ với các anh chị. Tại giáo phận Buôn-ma-thuột, Ban Phụng Tự mới ra một thông cáo mà nội dung là bắt buộc các linh mục trong giáo phận phải sử dụng sách Bài Đọc trong Thánh Lễ được Toà thánh phê chuẩn năm 1970, và không được sử dụng sách của nhóm các giờ kinh phụng vụ.

Thật đáng buồn về thông cáo này, vì đây là lần đầu tiên có một thông cáo công khai cấm đọc sách của CGKPV, và bắt đọc một bản văn  cổ cách nay 50 năm mà vốn dĩ là bản tạm dùng. Nay các ngài nâng nó lên tầm cao mới để trở thành bản được phê chuẩn chính thức, đồng thời các ngài còn muốn khai tử bản dịch của Nhóm CGKPV. Có lẽ các ngài muốn cho thấy bản 73 “chết rồi nhưng chưa chôn” , nhưng bản CGKPV các ngài muốn “chôn nó nhưng chưa chắc nó sẽ chết”. Trong bản thông báo dòng chữ nhóm các giờ kinh phụng vụ được tô đậm nhưng viết thường, vô tình hay có một dụng ý.

            Phải chăng vì bản dịch của UBPT cũ phải dừng lại nên các ngài phản ứng như vậy? Trong thông báo còn nại đến Giáo Luật số 838 và dựa vào một lá thư của HĐGMVN năm 2000 trả lời UBPT. Thực ra trong thông cáo này chỉ nói HĐGMchưa nhận và chưa cho phép, chứ không cấm…xem lại đường link đầu tiên.

Luật là cần thiết, nhưng con người giá trị hơn Luật, xin đọc Mat-thêu chương 12,1-8 để biết Chúa Giê-su có thái độ nào đối với Lề Luật.

 -        Kết luận

             Thật đáng buồn vì lập trường của một số mục tử, các ngài không nhìn nhận một sự thật là: Hơn 50 năm sau Công Đồng Vatican II, Giáo Hội Việt Nam không có một bộ sách Bài Đọc trong Thánh Lễ  chính thức và hoàn chỉnh. Xin đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh vì ít là từ hơn 20 năm nay, khi công nghệ thông tin phát triển, đã đẩy lui hoặc hạn chế những khó khăn trong sinh hoạt tôn giáo nên:

- Về nhân lực không còn thiếu với con số rất đông tu sĩ dòng, triều dễ dàng du học và trở về với đủ loại bằng cấp, cử nhân tiến sĩ.

- Về tài chính không còn thiếu thốn, để có thể xây cất bao nhiêu cơ sở vật chất hàng mấy chục tỷ đồng, những đại hội, yến tiệc…rất tốn kém.

Vậy mà giờ đây đành phải sử dụng một bộ sách “tạm dùng” nửa thế kỷ trước, mà cũng chỉ là những bản photocopy nhem nhuốc. Cách nay khoảng 7 năm tôi có viết một bài nhận định về bộ sách bài đọc này, đã nêu ra vô số điểm bất cập về nội dung với tiêu đề: Các Mục tử nuôi chiên bằng thứ lương thực nào?   bài này đã đăng trên nhiều trang mạng, để đọc xin vào link này:

http://tonggiaophanhue.net/ home/dulieu/timhieu/muc_tu_ nuoi_chien.pdf

            Nếu ai để ý sẽ thấy một số nơi, người ta làm một bìa sách bọc simili, rồi mỗi ngày in những bài Lời Chúa đọc trong thánh lễ của ngày hôm đó với 2 hoặc 3 tờ giấy A4, rồi kẹp vào tấm bìa đó.

Như vậy mà gọi là sách bài đọc được sao?

Phải chăng Giáo Hội VN chỉ cần nhà thờ tráng lệ, những cây đèn mạ vàng sang trọng, trang bị nhạc cụ và những dàn âm thanh hiện đại v.v. chứ còn sách Phụng Vụ thì dùng sách cũ nát, vá víu cũng được sao? Đâu là lòng tôn kính Lời Chúa như chính Thánh Thể Chúa mà Công Đồng khuyến cáo? (x. DV 21).

            Đó là những điểm chính để trả lời 2 câu hỏi của các anh chị, hai câu hỏi này cũng là thắc mắc của rất nhiều anh chị em giáo dân, từ trong nước đến ngoài nước, những người có thiện chí và quan tâm đến đời sống đức tin, nhất là khao khát Lời Chúa được truyền đạt bằng thứ ngôn ngữ trong sáng dễ hiểu.

Trong câu hỏi các anh chị cũng muốn có một phiên bản kỹ thuật số về các bài đọc, đáp ca…trong Thánh L  xin cứ tìm trong trang của Nhóm CGKPV có tất cả những gì các anh chị cần:

https://ktcgkpv.org/readings/ mass-reading

            Trước khi kết thúc xin phép các anh chị cho tôi gửi bài viết đến những người quen biết: linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, và những ai quan tâm đến vấn đề Phụng Vụ, Kinh Thánh.

            Cầu chúc các anh chị và gia quyến một Năm Mới an khang, hạnh phúc, tràn đầy ơn Chúa.

Sàigòn ngày 3-2-2018

Nguyễn Tuấn Hoan

prhoanal@gmail.com

 

 

 

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương