CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ÂM NHẠC TRONG PHỤNG VỤ
Quy chế tổng quát của sách lễ Rô-ma (QCTQSLRM), được ban hành ngày 6-4- 1969, số 19,31 viết rằng : “Thánh Tông Đồ bảo tín hữu, khi tụ họp lại trong niềm mong chờ Chúa đến, hãy cùng nhau (đem cả tâm hồn mà) hát (dâng Thiên Chúa) những bài Thánh vịnh, Thánh thi và Thánh ca do Thần Khí linh hứng (xem Cl 3,16). Vì ca hát là dấu tâm hồn hân hoan (x. Cv 2,46). Bởi đấy thánh Au-gút-ti-nô nói chí lý rằng : “Ca hát là việc của người yêu” (Cantare amantis est), và từ cổ thời cũng có ngạn ngữ rằng :”Hát hay là cầu nguyện hai lần” (Bis orat qui bene cantat). Bởi đó phải lấy làm quan trọng, việc sử dụng ca hát trong Thánh lễ, nhưng cũng phải chú ý tới cảm nghĩ của từng dân tộc và khả năng của từng cộng đoàn, đến nỗi không hẳn luôn luôn phải hát tất cả những phần được trù liệu để hát.
“Khi phải lựa chọn những phần để hát, thì nên dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần linh mục hoặc thừa tác viên hát và dân chúng đáp lại, hoặc những phần mà cả linh mục lẫn dân chúng cùng hát (Huấn thị về thánh nhạc 1967, số 7.16).”
[31][số 19 nay là Số 38 trong ấn bản thứ 3, ngày 22-02-2002]
Số 19 của QCTQSLRM vừa nêu trên, nói về tầm quan trọng của các bài hát trong Thánh lễ, đồng thời đưa ra một cách rất cô đọng những câu trả lời cho những vấn đề liên quan đến việc thể hiện âm nhạc trong Phụng vụ :
- Lý do và mục đích của việc ca hát
- Hát những gì ? Và ưu tiên chọn bài gì ?
- Những ai thể hiện âm nhạc trong Thánh lễ_Vấn đề Tham gia tích cực của dân chúng
- Thể hiện âm nhạc cho ai ?_ Vấn đề Hội nhập Văn hóa
- Thể hiện âm nhạc như thế nào ? _Vấn đề Huấn luyện âm nhạc
- Phải chọn lựa/thẩm định bài hát theo những tiêu chuẩn nào?
Phần trình bày sau đây mong được quảng diễn ý nghĩa của QCTQ số 19 theo 6 đề mục trên, và sẽ đưa ra một số nhận xét về hiện trạng việc thể hiện âm nhạc trong một số nơi so với những đòi hỏi của Giáo Hội.
1. Lý do và mục đích:
- 1. Lý do sâu xa của việc ca hát là tình yêu hân hoan được biểu lộ ra bằng tiếng hát: Cộng đoàn Dân Chúa, ý thức được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đối với mình, cũng như sự hiệp thông huynh đệ với nhau, khi tụ họp lại trong niềm mong chờ Chúa đến, không thể nào không cảm thấy hân hoan vui mừng và muốn bộc lộ bằng những lời ca tiếng hát, lòng tri ân cảm mến đối với Thiên Chúa. “Cũng như Phụng Vụ Do-thái bao gồm việc công bố các kỳ công của Thiên Chúa và dâng lên người những lời tri ân cảm tạ, thì Phụng Vụ Ki-tô giáo, tự đấy, là lời ca ngợi tán dương Thiên Chúa. Ca hát sinh ra cùng lúc với Phụng vụ, như là yếu tố chuyển đạt Tin Mừng cứu độ, và lời ca ngợi của những con người đã được cứu độ” (Universa Laus 5/1).
Như vậy ca hát là việc đương nhiên trong Phụng Vụ Ki-tô giáo. Có thể nói, có lễ là có nhạc, có thánh lễ là có đàn hát. Chính niềm vui được yêu thương, được cứu độ thúc đẩy mọi tín hữu phải chia sẻ, phải loan báo, phải công bố, tung hô, ca hát … Nhưng niềm vui trào dâng thành ca hát này, trong Phụng vụ, lại có tính tập thể, nên cần được “cơ chế hoá” để đạt được một số mục tiêu, để làm trọn một số phận vụ nào đó.
- 2. Mục đích tổng quát : Ca hát là thành phần thiết yếu hoạc là thành phần trọng vẹn của Phụng vụ, nên ca hát cũng có chung một mục đích như Phụng vụ là “làm Vinh Danh Chúa và thánh hoá các Tín Hữu” (PV. 10,112. HTTN 67 số 4)
- 3. Phận vụ thừa tác (munus ministeriale) : âm nhạc trong Phụng vụ không đóng vai trò độc lập mà trái lại phải phục vụ cho Phụng vụ tức là tuỳ thuộc vào từng diễn tiến của hoạt động Phụng vụ để đáp ứng, làm sao hoàn thành được một trong ba yêu cầu do Hiến chế về Phụng vụ nêu ra nơi số 112 như sau :
“Thánh nhạc càng gắn liền với hoạt động Phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh thiện bấy nhiêu, (a) hoặc bằng cách cung ứng cho lời kinh nguyện một cách diễn tả thấm thía hơn ; hay bằng cách giúp cho sự đồng tâm nhất trí thuận lợi hơn ; (c) hoặc bằng cách làm cho các nghi lễ thêm long trọng hơn”.
a. Âm nhạc có khả năng làm cho lời nói bình thường có sức diễn cảm hơn, dễ đi sâu vào lòng người, dễ đánh động con tim người nghe : nó không những có khả năng phô diễn nội dung tri thức của lời ca ; mà nhất là nó còn có khả năng tác động lên ý chí, lên con tim, lên tấm lòng, lên tình cảm của con người, và như vậy có sức cảm hoá lòng người, thức đẩy họ sống và hành động theo những cảm xúc do âm nhạc khơi dậy trong họ. Sự “thấm thía hơn” của ca hát là ở chỗ đó ; nó làm cho ta thích nghe hơn, nó làm cho lời kinh dễ diễn tả hơn đối với người đọc, và dễ “lọt tai” đối với người nghe. Thứ âm nhạc nào mà người hát không hát “ngon miệng”, người nghe không nghe được “lọt tai” do trẹo lời rối tiếng, thì thứ âm nhạc đó khó làm trọn vai trò thừa tác của mình trong Phụng vụ.
- Khi cùng đọc chung một lời kinh, đã có một sự đồng thanh. Nhưng khi hát chung, thì lại có thêm sự cố gắng, sự ý thức, sự tự bỏ mình để dấn thân hơn vào tập thể : Hát đòi hỏi mỗi người phải từ bỏ cung giọng bình thường khi nói khi đọc, cung giọng riêng của cá nhân, để hoà nhập vào cung giọng chung của tập thể. Ca hát giúp chúng ta tham gia, hoà nhập vào cộng đoàn Dân Chúa. Dr Helmut HUCKE, thuộc viện nghiên cứu âm nhạc của đại học Francfort-sur-le-Main bên Tây Đức, cũng là phó giám đốc về Phụng vụ của tạp chí Concilium, đã nói như sau : “Sau việc rước lễ, ca hát chung là hình thức giúp mỗi ca nhân tham gia vào Phụng vụ một một cách sâu xa nhất …” (Le Chant liturgique après Vatican II, Paris 1966, trang 38-39). Âm nhạc giúp cho sự đồng tâm nhất trí thuận lợi hơn tức là cách thế giúp cộng đoàn tham gia sống động và tích cực vào Phụng vụ. Ca hát trong Phụng vụ phải càng ngày càng giúp cho Tín hữu tham gia nhiều hơn, bằng những lời đối đáp, tung hô, cả những bài hát với những ĐK vừa tầm của cộng đoàn, với sự nâng đỡ, hỗ trợ, bổ túc của ca đoàn và nhạc công. c.Sự long trọng, trang trọng, đòi hỏi âm nhạc. Âm nhạc cần để diễn tả, biểu lộ tính cách lễ lạc của một số biến cố quan trọng trong đời sống của một gia đình, một tập thể, một quốc gia … Không phải chỉ thuần tuý tạo nên một “khung cảnh âm thanh” nào đó gây sự chú ý và tụ tập của những người tò mò, mà chính yếu muốn trang trọng bao nhiêu thì âm nhạc phải có chất lượng bấy nhiêu. Đòi hỏi tối thiểu là phải có một mức độ thành thạo nào đó trong ca hát cũng như tấu đàn (maitrise en matière de technique musicale), đó là chưa nói đến tính nghệ thuật trong diễn tấu. Muốn cho buổi lễ càng long trọng, thì ngoài vấn đề tổ chức trật tự … thì những người đàn cũng như người hát phải chuẩn bị chu đáo, từ khâu học tập, huấn luyện kỹ thuật, cho đến khâu tập dượt chung với nhau cho có nghệ thuật. Nếu không, âm nhạc sẽ không làm trọn phận vụ thừa tác của mình trong Phụng vụ.
Ba chức năng trên của âm nhạc không tách rời nhau, nhưng đồng bộ với nhau, nhưng có lúc chức năng này trổi hơn chức năng kia.
Thấy rõ được lý do mục đích và phận vụ của âm nhạc trong Phụng vụ, chúng ta sẽ dễ nắm bắt các vấn đề khác trong việc thể hiện.
2.Những phần có thể hát trong thánh lễ
- 1. Ca Mục
Huấn thị về Thánh Nhạc năm 1967 số 29 có đề ra ba mức độ tham gia bằng ca hát như sau :
- Mức độ 1 : gồm
- Lời chào của Linh mục cùng với lời đáp của dân chúng
- Lời nguyện nhập lễ
- Các lời tung hô trước và sau phúc âm
- Lời nguyện tiến lễ
- Kinh tiền tụng cùng với lời đối đáp và kinh “Thánh ! Chí Thánh”
- Lời tung hô sau truyền phép
- Lời vinh tụng kết thúc kinh tạ ơn
- Kinh Lạy Cha cho đến lời chúc bình an
- Lời nguyện hiệp lễ
- Các công thức giải tán
- Mức độ 2 : gồm
- Kinh Thương xót, Vinh danh, Lạy Chiên Thiên Chúa
- Kinh Tin Kính
- Lời nguyện phổ quát của Dân Chúa.
- Mức độ 3 : gồm
- Các bài ca tiến rước nhập lễ và hiệp lễ
- Thánh vịnh đáp ca
- Ha-lê-lui-a trước Tin Mừng
- Bài ca tiến lễ
- Các bài đọc Kinh Thánh, trừ ra khi xét thấy tuyên đọc mà không cần hát thì tiện lợi hơn.
Chúng ta nhận thấy QCTQ không đi vào chi tiết như trong HTTN, mà chỉ nêu lên nguyên tắc chung, và dành cho chúng ta sự uyển chuyển chọn lựa tuỳ theo hoàn cảnh (như cảm nghĩ của từng dân tộc, khả năng của từng cộng đoàn …).
2.3. Ý nghĩa của từ “Ca hát” trong Phụng vụ
- Trong các văn kiện về âm nhạc trong Phụng vụ, từ “ca hát” không chỉ là hát thực thụ như chúng ta thường hiểu, mà còn bao gồm cả một phong cách trung gian giữa nói và hát, đó là “Cantillation” tạm dịch là “ngâm tụng”, tức là một loại “recitativo” (hát kể) trong Phụng vụ dùng để diễn tấu các lời đối đáp, Lời nguyện, Bài đọc, Kinh Tiền Tụng, Kinh Lạy Cha … với những âm điệu đơn giản, ít ngân nga, cao độ và âm vực vừa phải.
- Tại Việt Nam, chúng ta cũng phân biệt giữa nói và hát, cả một chuỗi phong cách trung gian như : Đọc, công bố, rao, ngắm, ngâm, hò …
Ngôn ngữ Việt Nam với năm dấu sáu giọng khác nhau, khi nói khi đọc đã có cung giọng cao thấp, nếu có một bản văn tốt, thì đã có một giai điệu đơn giản. Nếu khi đọc, chúng ta tăng cao độ và cường độ, để ý đến trường độ âm thanh một chút, tức là đọc lớn tiếng, cao giọng và khoan thai, chúng ta đã có một cách “ngâm tụng” (cantillation) như trong Phụng vụ La-tinh đã từng làm trước đây. Như vậy, đối với mức độ ưu tiên 1, Chủ tế hoặc Thừa tác viên chỉ cần trang trọng hoá giọng đọc của mình bằng “cao giọng, lớn tiếng và khoan thai”, thì đã đạt yêu cầu ca hát phù hợp với tính chất của những phần đó rồi.
Có chăng là đề xuất ra một số kiểu ngân nga kết câu, kết bài, hoặc mở rộng tương quan cao độ giữa các dấu giọng, để có những kiểu ngâm tụng khác nhau thay đổi tuỳ theo mức độ long trọng.
-
Vì thế, ca hát thực thụ chỉ còn nên áp dụng cho các bài như : Thánh Thánh, Vinh Danh, Thương Xót, Lạy Chiên Thiên Chúa ; các bài ca nhập lễ, hiệp lễ, thánh thi tạ ơn, Ha- lê-lui-a, ca dâng lễ.
- Trong số những bài này, có những bài tự bản chất đòi hỏi phải hát lên nhiều hơn các bài khác như : Thánh thánh, vinh danh, ha-lê-lui-a, nhập lễ, tạ lễ …
- Cũng có những bài làm thành nghi thức như Thánh vịnh đáp ca, Thánh thánh, Vinh danh, Lạy Cha … thì lời ca cần giữ nguyên văn nguyên nghĩa. Các bài khác đi kèm nghi thức như các bài ca tiến rước nhập lễ, dâng lễ, hiệp lễ thì lời ca có thể được quảng diễn phóng khoáng hơn. Cũng có thể dùng bài khác thay thế nếu được sự chuẩn nhận của Giám mục thẩm quyền.
3.Những người thể hiện âm nhạc trong thánh lễ
3.1.Chủ Tế và các Thừa Tác Viên (Phó Tế, người đọc sách, xướng vịnh viên)
- Ngoài Chủ tế và Phó tế là những người có chức thánh, các người đọc sách và người xướng hát Thánh vịnh (Xướng vịnh viên: psalmiste) có thể do một giáo dân đảm nhiệm.
- Chủ tế, Phó tế, người đọc sách : không đòi buộc phải là người chuyên môn về ca hát. Họ chỉ phải “ngâm tụng” các phần của họ trên những cung điệu đơn giản, hoặc nếu họ không làm được như vậy, thì tốt hơn họ đọc cao giọng và rõ ràng là đủ32.
- Xướng vịnh viên thì lại đòi hỏi khả năng ca hát, để xướng các Thánh vịnh, nhất là Thánh vịnh đáp ca, vì tự bản chất, các Thánh vịnh là những bài hát mang nhiều tính thơ và nhạc. Chỗ đứng của Xướng vịnh viên là giảng đài hoặc một nơi thuận tiện khác. Khi xướng vịnh, phải rõ ràng, trang nghiêm, tránh phô trương chất giọng …
3.2.Cộng đồng Dân Chúa_Vấn đề Tham Gia Tích Cực
- Toàn thể mọi tín hữu hiện diện trong Thánh lễ đều được mời gọi tham gia vào Phụng vụ một cách linh động và tích cực, cả bề trong lẫn bề ngoài, nhất là bằng lời ca tiếng hát. Trong lãnh vực này. “nên có ca xướng viên hay ca trưởng để điều khiển và nâng đỡ việc ca hát của cộng đoàn” (QCTQ 64, HTTN 21). Ngoài các lời đối đáp, tung hô, các phần của bộ lễ như Thánh Thánh, Vinh Danh … cộng đoàn còn có thể tham gia vào các bài khác bằng những điệp khúc đơn sơ dễ nhớ dễ hát (thí dụ Điệp khúc của Ca nhập lễ, câu đáp ca, câu ha-lê-lui-a và các điệp khúc khác …).
“15. Các tín hữu chu toàn nhiệm vụ phụng vụ của mình, nhờ tham gia trọn vẹn, ý thức và tích cực, như bản chất của chính phụng vụ đòi hỏi. Đó cũng là một quyền lợi và một bổn phận của dân Kitô giáo, do phép thánh tẩy đã lãnh nhận.
a/ Sự tham gia này trước hết phải nội tại nghĩa là các tín hữu phải kết hợp lòng trí mình với điều họ đọc hay nghe, và cộng tác với ơn trên ban xuống (11).
b/ Nhưng sự tham gia này cũng cần phải ngoại tại nữa, nghĩa là được biểu lộ ra bằng những câu tung hô, những lời đối đáp và những bài ca (12). Cũng phải giáo dục cho tín hữu biết kết hợp lòng trí họ với những gì thừa tác viên hay ca đoàn hát để khi nghe thì họ nâng tâm hồn lên cùng Chúa.
“16. Thật không có gì tưng bừng và vui vẽ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát. Bởi vậy sự tham gia linh động của toàn thể giáo dân bằng lời ca tiếng hát phải được triển khai kỹ lưỡng theo thứ tự sau đây:
a/ Việc tham gia này trước hết bằng những lời tung hô, những câu đáp lại lời chào của Linh mục hay thừa tác viên hoặc đáp lại lời kinh dưới hình thức đối đáp, ngoài ra lại có những câu đối ca và những thánh vịnh, cũng như những câu xướng xen kẻ, hoặc những điệp ca, những thánh thi và thánh ca (13).
b/ Nhờ một nền giáo huấn thích hợp và những buổi thực tập dần dần sẽ đưa giáo dân đến chỗ hát những bài dành cho họ, cho đến khi họ tham gia hoàn toàn.
c/ Tuy nhiên, nếu giáo dân chưa được tập luyện đủ, và nếu dùng những bài hát nhiều bè, thì có thể giao một số bài hát của cộng đồng cho nguyên ca đoàn thôi, miễn là không loại họ ra, không cho hát những phần dành cho họ. Nhưng không được chấp nhận thói quen giao hết cho một mình ca đoàn hát phần riêng và phần thường lễ, mà loại hẳn không cho cộng đoàn hát.”(HTANPV 15-16)
- [Tính chất các phần dành cho vị chủ toạ buộc vị tư tế phải đọc rõ ràng, lớn tiếng, và buộc mọi người phải chăm chú lắng nghe. [44] Vì thế, khi vị tư tế đọc các phần đó, không ai được đọc hay hát kinh nào khác, cũng không được đánh đàn hay chơi nhạc cụ nào khác (QCTQSLRM 2000, 32)]
- Ca đoàn : “Giữa cộng đồng Dân Chúa, có ca đoàn thực hiện thừa tác vụ Phụng vụ của mình là lo ca hát chu đáo các phần dành riêng cho mình, tuỳ từng loại bài hát, và giúp cho giáo dân tham gia sống động vào việc ca hát (HTTN 19). Những gì nói về ca đoàn, tuy cần giữ những gì phải giữ, thì cũng có giá trị đối với các nhạc công, nhất là đối với người đánh đàn đại phong cầm” (QCTQ 63).
“20. Những "Ban hát nhà nguyện" vốn có sẵn ở những vương cung thánh đường, các nhà thờ chánh toà, các đan viện và các đại giáo đường khác, đã tạo được tiếng tăm lừng lẫy qua các thế kỷ, vì đã gìn giữ và vun trồng một kho tàng âm nhạc giá trị vô song. Phải duy trì những ban đó theo các qui tắc riêng và cổ truyền của chúng, và các đấng bản quyền địa phương nên thừa nhận, để làm cho việc cử hành các nghi lễ phụng vụ thêm tốt đẹp. Các vị quản nhiệm nhà thờ và chưởng sự các thánh đường nên liệu cho giáo dân luôn luôn tham gia ca hát, ít là những bài dễ hát dành riêng cho họ.
“21. Nơi nào thiếu phương tiện để thành lập một ca đoàn khiêm tốn, thì phải liệu cho có ít nhất một hoặc hai ca [xướng]viên được huấn luyện đầy đủ. ca x.viên đó phải có thể xướng lên một vài bài đơn giản cho các tín hữu tham gia, đồng thời cũng phải biết điều khiển và yểm trợ cho các tín hữu đó nữa. Trong những nhà thờ đã có sẳn một ca đoàn cũng nên có một ca viên như thế, nhằm khi cử hành phụng vụ mà ca đoàn không giúp được, thì cũng có thể cử hành cách long trọng nào đó, khi có bài hát xen vào.”Bản chất ca đoàn vừa là thành phần của Dân Chúa, vừa có phận vụ thừa tác riêng [cũng như các thừa tác viên đọc sách, giúp lễ, dẫn lễ (PV 29)], nên chỗ của ca đoàn phải thu xếp làm sao để không quá tách biệt khỏi cộng đoàn (như tầng đàn lúc xưa), nhưng cũng không phải quá trộn lẫn vào cộng đoàn, vì sẽ ngăn trở cho việc thi hành phận vụ của mình (QCTQ 274).
b.2. Phận vụ :
-nâng đỡ tiếng hát của cộng đoàn
-hát những phần dành riêng cho mình, tuỳ từng loại bài hát : như loại hợp ca đa điệu, hoặc loại bài có điệp khúc, phiên khúc …
-hát thay cộng đoàn khi cộng đoàn chưa kịp chuẩn bị (HTTN 16b).
-
Nhạc viên : bản chất cũng như các ca viên, nhưng phận vụ là :
- nâng đỡ và tô điểm tiếng hát của cộng đoàn và ca đoàn (HTTN 64-65) chứ không được làm át tiếng hát, hoặc phá lối hát của cộng đoàn, vừa giảm mức thông đạt của lời ca mà có khi còn giảm tính nghệ thuật nữa.
- diễn tấu một mình hoặc cùng với nhạc công khác, những bài đàn xứng hợp vào lúc thuận tiện như trước khi chủ tế đến bài thờ, khi dâng lễ, trong lúc rước lễ và cuối lễ (HTTN 65). Vì thế “quản cầm cũng như các nhạc cụ khác cũng được đặt ở chỗ thuận tiện để có thể giúp ca đoàn và giáo dân hát, và mọi người có thể nghe thấy được khi độc tấu” (QCTQ 275).
- Ca trưởng : là người điều khiển việc thể hiện âm nhạc trong Phụng vụ nên có trách nhiệm lớn hơn, từ khâu huấn luyện chuyên môn cho ca viên, đến khâu chọn bài cho phù hợp với những tiêu chuẩn của Thánh Nhạc, dọn bài để tập dượt cho ca đoàn và cộng đoàn, cuối cùng là điều khiển cộng đoàn hoặc ca đoàn trong buổi lễ. Ngoài ra, còn phải phối hợp ăn ý với các bộ phận khác trong buổi lễ như QCTQ 73 đòi hỏi : “Tất cả những người có nhiệmvụ phải đồng tâm nhất trí mà sửa soạn cho việc cử hành Phụng vụ, về nghi lễ, về mục vụ, về âm nhạc, dưới sự điều khiển của vị giám quản thánh đường, và giáo dân cũng có thể đưa ý kiến về tất cả những gì trực tiếp liên quan đến mình.”
Về vai trò của ca trưởng trong lãnh vực chuyên môn của mình, đã có một bài dành riêng để ca trưởng thấy hết trách nhiệm của mình trong việc thể hiện âm nhạc trong Phụng vụ (xem bài I).
4.Đàn hát cho ai ? _Vấn đề Hội Nhập Văn Hóa
Nói đàn hát trong Phụng vụ là đàn hát cho Chúa thì có lẽ quá đúng, đến nỗi trở nên thừa chăng ? Trong bài Tiền Tụng Chung mẫu 4 nói về việc “ca tụng Chúa là một hồng ân”, có viết rằng :
“Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng ; nhưng chính Cha lại ban ơn soi sáng để chúng con biết cảm tạ Cha. Vì tuy những lời ca tụng ấy không mảy may thêm gì cho Cha, những giúp chúng con được ơn cứu độ muôn đời nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con …”
Như vậy, cuối cùng, đàn hát trong Phụng vụ là đàn hát cho con người, vì ích lợi của con người.
- 1.Đàn hát cho chính bản thân người đàn, người hát : chính người đàn hát cũng phải cầu nguyện được bằng tiếng đàn tiếng hát của mình. Chính họ cũng phải mặc lấy những tâm tình do tiếng hát tiếng đàn gợi lên. HTTN 24 viết : “Ngoài việc đào tạo về âm nhạc, các ca viên cũng phải hưởng một nền đào tạo về Phụng vụ và thiêng liêng thích hợp để trong lúc chu toàn phận vụ Phụng vụ của mình, không những họ chỉ đem lại vẻ đẹp nhiều hơn cho động tác thánh, và một tấm gương tuyệt hảo cho các tín hữu mà thôi, nhưng họ còn mang lại cho chính họ một lợi ích thiêng liêng đích thực”. Do đó,
- Ca đoàn cũng như nhạc công không nên tự coi mình như ban nhạc hát đi làm thuê theo hợp đồng, cốt làm xong phận vụ của mình mà không cần sống tâm tình của buổi lễ.
-
Tuy nhiên cũng phải chấp nhận một sự “chia trí bắt buộc” do phận vụ mà thừa tác viên nào cũng cảm thấy, nhưng rất chính đáng, nhất là đối với người điều khiển cộng đoàn, ca đoàn, nhạc công. Nhưng nếu chuẩn bị chu đáo trước càng nhiều thì càng bớt được những “lo ra” cho mình cũng như cho kẻ khác
4. 2.Đàn hát cho những người cùng hiện diện trong buổi lễ : đàn hát một mình ở nơi riêng tư thì thế nào cũng được, miễn có tấm lòng chân thành trước mặt Chúa. Nhưng khi đàn hát cho cả một tập thể và với cả một tập thể, thì có một số đòi hỏi do tính xã hội của việc đàn hát nêu ra.
Mỗi người đàn hát với cả tâm hồn của mình, nhưng đồng thời cũng phải đàn hát thế nào, cung cách ra sao để tạo điều kiện cho người khác cũng cầu nguyện được, cùng chia sẻ được những tâm tình do tiếng đàn tiếng hát của mình đem lại. Do đó :
- Cần phải tuân theo một: kỷ luật tối thiểu để cho tiếng đàn hát chung được đồng đều và hoà lẫn vào nhau tiến dần tới chỗ càng ngày càng hát có nghệ thuật hơn. Từ đó cần huấn luyện ca hát, không những cho ca viên, mà cho cả cộng đoàn nữa (HTTN 18,24). Cần có người điều khiển cộng đoàn để việc ca hát của cộng đoàn được thể hiện tốt hơn.
- Cần chọn bài hát, bản đàn phù hợp với khả năng cũng như đáp ứng phần nào tâm tình của từng cộng đoàn : gồm mọi thành phần, hoặc chỉ toàn thiếu niên nhi đồng, hay chỉ toàn thanh niên nam nữ, hay chỉ toàn ông già bà lão, hoặc toàn người nước ngoài hay chỉ có người Việt Nam mà thôi.
- Vấn đề Hội Nhập Văn Hóa: Khi đa số là người Việt Nam hát cho người Việt Nam, thì lại cần có thao thức tìm những bài mang nhiều âm hưởng dân tộc, lời ca hoặc lời dịch trôi chảy theo văn phong của từng dân tộc, và nhất là thể hiện theo phong cách của người Việt Nam trong lối phát âm, cũng như cách xử lý các thanh điệu của ngôn ngữ, làm sao bảo toàn được nét thẩm mỹ của ngôn ngữ Việt Nam.
“Khi đưa ra những bản dịch theo lối phổ thông để dệt nhạc, đặc biệt bản dịch các thánh vịnh, các chuyên viên nên làm thế nào để vừa trung thành với bản văn la-tinh lại vừa thích nghi được với bản văn viết bằng ngôn ngữ hiện đại. Phải tôn trọng đặc tính và những qui luật của mỗi ngôn ngữ cũng như phải để ý đến đặc tính của mỗi dân tộc. Khi soạn những cung điệu mới, các nhạc sĩ phải hết sức quan tâm đến những dữ kiện trên cùng những qui luật của thánh nhạc
Thẩm quyền địa phương phải liệu sao cho trong Uỷ Ban đảm trách việc soạn thảo những bản dịch phổ thông, có những chuyên viên trong các bộ môn kể trên, cả về tiếng la-tinh lẫn tiếng bản quốc, phải có sự cộng tác của những người này ngay từ lúc khởi đầu công việc.”(HTANPV 54);
“Do đó, trong khi huấn luyện âm nhạc cho các vị thừa sai, phải hết sức lo lắng để họ có khả năng phát triển truyền thống âm nhạc của các dân tộc này, được chừng nào hay chừng đó, trong các trường học cũng như trong các hoạt động phụng vụ.” (HCPV 118);
- Cũng do tính xã hội của phụng vụ mà mọi người, nhất là các thừa tác viên, ca viên, nhạc công … phải có một sự tôn trọng kẻ khác, một sự tế nhị và lịch sự nào đó không gây khó chịu cho người khác từ trang phục, cho tới cử chỉ, cung cách đi lại, đứng ngồi. Cung cách của ca viên, nhạc công khi đàn hát cũng phải trang nhã và trật tự.
đ. Riêng ca trưởng, là người thường phải đứng trước mặt nhiều người khác thì lại phải ý tứ hơn : khi điều khiển bằng những cử chỉ của đôi tay, nét mặt và thân hình. ca trưởng không chỉ nhắm đến sự hữu hiệu của cử chỉ, mà còn phải đồng thời chú trọng đến tính mỹ quan của chúng nữa : Tránh những gì khoa trương, lố lăng chỉ cốt loè mắt thiên hạ, hoặc những cử chỉ thiếu tế nhị, khó coi (như lắc mông, văn người, nhún gối, dậm chân, doạ nạt, kéo quần …). Người ca trưởng điều khiển cộng đoàn chỉ nên dùng những cử chỉ đơn giản và rộng rãi hơn cho người ở xa cũng có thể nhìn thấy.
5.Đàn hát thế nào trong phụng vụ ? _ Vấn đề Huấn Luyện
Việc thể hiện âm nhạc trong Phụng vụ cần bảo đảm được các yêu cầu sau :
5.1.Tính thông đạt của lời ca
Trong Phụng vụ, lời ca là chính, cũng như trường hợp chung của các ca khúc, nên lời ca cần được đến tai người nghe một cách rõ ràng để họ có thể hiểu được ý nghĩa lời ca. Đây là một đòi hỏi gắt gao được lặp đi lặp lại rải rác trong nhiều văn kiện của Giáo Hội về Thánh nhạc (HTTN 64 ; QCTQ 18 …). Công đồng Tridentinô cũng đã nói : “Thánh nhạc khác với nhạc đời ở chỗ khi hát lên lời ca phải được nghe và hiểu rõ ràng, chứ không bị dòng nhạc lấn át”. Có nhiều nguyên nhân làm mất tính thông đạt.
- Ca trưởng chọn những bài hát tự nó rối lời, trẹo dấu : lỗi của người soạn nhạc và nhất là lỗi của người chọn bài.
- Cách phát âm chưa “tròn vành rõ chữ” khiến người nghe khó nhận ra tiếng gì nghĩa gì. Hoặc do thiếu tập luyện, chưa thuộc bài, chưa hiểu ý tưởng của bài hát … do lỗi của người trình tấu.
- Cũng có thể thông đạt kém do phương tiện khuyếch đại âm thanh chưa hoàn chỉnh hoặc kém chất lượng (micro, ampli, loa, điện …), người sử dụng không biết gì về âm nhạc … Cần có người chuyên trách về âm thanh mà đồng thời cũng nắm được những gì ca đoàn và cộng đoàn sẽ hát trong buổi lễ.
- Lối đệm đàn phô trương, lấn át tiếng hát, làm cho lời ca không nghe rõ, hoặc trở nên khó hiểu (HTTN 64). Đàn quản cầm cũng ví như một ca đoàn mà ca trưởng cũng phải lưu tâm để cho tiếng đàn đóng đúng chức năng “nâng đỡ và tô điểm” của mình khi đệm cho ca hát. Ban nhạc cũng vậy.
5.2.Tính Thánh thiện của âm nhạc trong Phụng vụ
Không phải chỉ người soạn nhạc, mà cả người thể hiện cũng phải lưu tâm đến tính cách này.
- Về mặt tiêu cực : tránh những biểu hiện nhạc đời trong Phụng vụ. Giáo hội từ đầu muốn “dành riêng” cho Chúa một lối phụng tự “trong tinh thần và chân lý”, với một thứ âm nhạc không lây nhiễm âm nhạc của ngoại giáo và cả Do-thái giáo nữa để người tín hữu thời đó thấy được sự khác biệt giữa Ki-tô giáo và các tôn giáo khác (xem Le chant liturgique après Vantcan II, tr. 19 …). Từ đó, có một ưu tư chính đáng loại trừ khỏi Phụng vụ những bài hát mang tính thế tục, những nhạc khí nào đã dành riêng cho một vị thần ngoại giáo … Dần dà tiến đến sự đối lập giữa đạo và đời, giữa thánh thiêng và trần tục. Công đồng Tridentinô đã cấm sử dụng những điệu nhạc uỷ mị, những điệu đi săn, điệu nhạc xuất trận … Nhưng với thời gian, khái niệm về thánh thiêng và phàm tục cũng đang thay đổi, nên cũng có đổi thay trong cách dung nạp vào Phụng vụ một số loại nhạc (như nhạc đạo bình dân, nhạc đa âm đa điệu tân thời …) hay một số nhạc khí (trước đây chỉ có quản cầm hoặc phong cầm). Dù sao vẫn còn một nguyên tắc thực tiễn là không nên dùng những loại nhạc, điệu nhạc, nhạc khí, hay phong cách thể hiện có liên hệ mật thiết tới một sinh hoạt thế tục mà môi trường xã hội đương thời đánh giá như một sinh hoạt vô đạo, phóng túng về đạo đức luân lý (chẳng hạn các điệu khiêu vũ phòng trà ; các kiểu hát phô trương chất giọng, rên rỉ, uỷ mị ướt át …). Làm sao cho sinh hoạt tôn giáo không lây nhiễm bầu khí của các rạp hát, sân khấu, các tụ điểm ca nhạc giải trí …
- Về mặt tích cực : Công đồng Vatican II đã nêu lên một nguyên tắc tích cực chi phối nền âm nhạc trong Phụng vụ về nhiều mặt : “… Âm nhạc thánh càng gắn liền chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh thiện bấy nhiêu …”
Từ nay, âm nhạc càng đóng đúng vai trò của mình trong từng nghi thức, nghi lễ, trong từng diễn tiến nhất định của buổi lễ, thì càng được đánh giá là thánh thiện. Có thể nói, không còn loại nhạc nào tự nó được gọi là thánh. Nhưng nó chỉ có tính thánh thiện thực sự khi thể hiện nó cụ thể trong một hoàn cảnh phụng vụ nhất định nào đó, qua đó nó làm trọn phận vụ thừa tác của mình (xem lại phần I, số 3 ở trên).
b1.Trong phụng vụ, có những “ngữ điệu” (actes de parole, xem universa Laus 7,3 trang 16) khác nhau như công bố, suy niệm, xướng vịnh, ngợi ca, tung hô, đối đáp … thì nhạc
càng phù hợp để thể hiện các ngữ điệu đó bao nhiêu thì càng thánh thiện bấy nhiêu (xem QCTQ 18).
b2.Trong Phụng vụ, cũng có những “khoảng thời gian nghi thức” (moments rituels, xem universa Laus 7,3) khác nhau như phần mở đầu, các cuộc tiến rước, các lời khẩn cầu, các giây phút thinh lặng … thì nhạc càng phục vụ tốt cho những lúc đó thì càng thánh thiện.
Đối với mỗi phận vụ nêu trên, cần có một hình thức âm nhạc phù hợp (giai điệu, tiết tấu, nhịp độ (tempo) ; thể loại …) để làm cho nghi thức càng có ý nghĩa và càng hữu hiệu chừng nào hay chừng đó. Và người thể hiện cũng phải hiểu tính cách đó để diễn tấu cho xứng hợp. QCTQ từ số 7 đến số 73 đã đưa ra những chỉ dẫn khá tỉ mỉ về tính chất của mỗi phần trong Thánh Lễ, và cách có thể ca hát như thế nào. Thông cáo 56/88 của Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn cũng đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể dựa trên QCTQ và một số văn kiện khác liên quan đến âm nhạc trong Phụng vụ.
Chẳng hạn sẽ không phù hợp nếu chúng ta diễn tấu thật long trọng Kinh Thương Xót, mà lại chỉ đọc Kinh Vinh Danh (vì lý do mất thời giờ), hoặc chỉ hát một cách rời rạc, buồn bã ; hoặc bài Thánh Vịnh đáp ca quá sôi động, trong khi bài Ha-lê-lui-a lại quá thanh thản, trầm lắng ; hoặc một bài ca nhập lễ thiếu hào hứng phấn khởi, so với một bài ca dâng lễ kềnh càng, lê thê …
Nguyên tắc tích cực này của Công đồng mở ra cho chúng ta một hướng đi mới, mà tất cả những gì đã được nại tới trước Công đồng đều phải được sáng soi, bổ túc hoặc huỷ bỏ dưới ánh sáng của nguyên tắc này.
5.3. Tính nghệ thuật của âm nhạc trong Phụng vụ
Người soạn nhạc phải biết soạn làm sao cho có nghệ thuật, đó là đòi hỏi đương nhiên, nhưng nghệ thuật trong Phụng vụ là một thứ nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật để phục vụ cho con người hiện diện trong buổi cử hành Phụng vụ. Nó không còn đứng tự lập, mà chỉ có giá trị thực sự khi nó có khả năng hoàn thành phận vụ nghi thức và mục vụ mà Phụng vụ dành cho nó33. Để cho khả năng hoàn thành phận vụ đó trở thành hiện thực, âm nhạc nhất thiết cần đến những người thể hiện nó một cách nghệ thuật. Cho nên việc thể hiện cho có nghệ thuật là một đòi hỏi chính đáng và cần thiết : Hát tự nó chưa phải là cầu nguyện hai lần. Muốn cầu nguyện gấp đôi bình thường thì cần phải hát hay, tức hát có nghệ thuật. Nhưng thế nào là hát hay, đàn hay ?
- Muốn hát hay, đàn hay, trước hết phải biết chọn bài hay. Đây chủ yếu là trách nhiệm của ca trưởng mà chúng tôi sẽ trình bày trong một bài khác, sẽ đưa ra một số tiêu chuẩn chọn bài …
-
Giọng hát, tiếng đàn “khả quan”
b1.Người hát có chất giọng tốt do trời cho hay do tập luyện, ca đoàn do có điều kiện chọn lựa Ca viên, và thì giờ tập luyện nhiều, nên các ca viên phải có giọng hát trên mức trung bình, có một số kỹ năng thanh nhạc tối thiểu nào đó. Một giọng hát tốt, có năng lực góp phần làm cho việc thể hiện thêm nghệ thuật. Cộng đoàn Dân Chúa đa hợp, phức tạp, không thể đòi hỏi họ như ca đoàn được ; cho nên chọn bài hát cho cộng đoàn, nên chọn bài cho đơn giản về tầm tiếng cũng như giai điệu
[xem Jos. Gelineau : les applications du “munus” de la musique dans la liturgie, trích lại từ Maison-Dieu 108 trang 44]
b2.Người đàn cần đạt tới một trình độ điệu luyện nào đó có khả năng “làm chủ” được tiếng đàn của mình. Chất lượng của cái đàn cũng phải đạt tới một mức trung bình nào đó …
Tuy nhiên, đó mới chỉ là khía cạnh “kỹ thuật của tiếng hát tiếng đàn hay, mới chỉ là cái vỏ ngoài, cái phương tiện để chuyển đạt cái ruột bên trong, cái nội dung, cái “hồn” của bản nhạc.
c Tiếng đàn, tiếng hát có hồn : đó là tiếng hát tiếng đàn diễn tả được những tình ý trong bản nhạc gần như hoặc có khi hơn điều tác giả mong muốn.
- Mọi người, dù không có giọng tốt, nhưng vẫn có khả năng diễn tả được điều mình muốn nói. Nghĩa là hầu như ai cũng có thể hát có hồn, miễn là họ biết và hiểu điều mình muốn diễn tả. Do đó, cộng đoàn Dân Chúa vẫn có thể hát có hồn nếu được người điều khiển cộng đoàn hướng dẫn và tập luyện dần cho trong một mức độ nào đó.
- Ca đoàn hoặc ban nhạc thì mức đòi hỏi cao hơn vì họ có nhiều cơ hội tập luyện hơn. Nhưng trách nhiệm cuối cùng là nơi người ca trưởng
- Ca trưởng chịu trách nhiệm chuyên môn về khâu thể hiện, nên cần phải học tập nhiều, để có khả năng nắm bắt được cái hồn của bản nhạc, và cũng có khả năng truyền đạt điều mình biết cho kẻ khác, và cuối cùng là khả năng điều khiển việc thể hiện cho tốt đẹp (xin xem thêm bài vai trò của ca trưởng).
-
Hát, đàn, có kỹ thuật và có hồn là 2 yếu tố bổ túc cho nhau làm cho Đàn hát có nghệ thuật. Nhưng yếu tố cơ bản là hát có hồn, hát có tâm tình mà hầu như mọi người đều có thể phần nào đạt tới. Điều tối thiểu, mà Phụng vụ đòi hỏi là mỗi tín hữu sống lời kinh mình đọc, và diễn tả ra bằng lời ca tiếng đàn đức tin sống động của mình trong từng hoàn cảnh phụng vụ : “Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ, mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát” (HTTN 1967 số 16).
đ. Nguy cơ cần tránh :
đ.1 Có người chủ trương : “Hát hay không bằng hay hát”. Đây là một câu châm ngôn áp dụng cho nhạc sinh hoạt đoàn thể, chứ không áp dụng cho nhạc phụng vụ. Bởi vì trong phụng vụ, nếu hay hát mà lại hát không hay, thì lại gây nhàm chán, khó chịu, bực bội, chia trí cho người nghe. Như vậy âm nhạc không đóng đúng vai trò của mình.
đ.2. Chủ trương “duy cộng đoàn” : Cái gì cũng hát cộng đoàn, lúc nào cũng chỉ ca hát cộng đoàn, không cần hoặc không có ca đoàn hỗ trợ hoặc thay đổi. Lý do nêu ra thường là để dân chúng tham gia tích cực. Chủ trương này trái với tính nghệ thuật mà Giáo hội vẫn bảo tồn và khuyến khích. Nó cũng chứng tỏ cách hiểu chưa đầy đủ về việc tham gia tích cực của mọi tín hữu, mặc nhiên tạo thành một thói quen “quy hoạt động nơi Dân Chúa” (phân biệt actif là tích cực, với activiste là duy hoạt động) : khi nào cũng phải nói, phải đọc, phải làm một việc gì bên ngoài, chứ ngồi lắng nghe, suy niệm đôi ba giây là thấy nóng ruột. HTTN 67 số 15 viết : “Sự tham gia đầy đủ ý thức và tích cực trước hết phải ở bề trong, hiểu theo nghĩa là nhờ sự tham gia đó mà các tín hữu kết hiệp tinh thần với những gì họ đọc hoặc họ nghe
…” (xem thêm số 17).
- Trong ca hát, tính nghệ thuật, không thể tách ra khỏi tính thông đạt và tính dân tộc được, bởi vì muốn cho người hát cũng như người nghe cùng chia sẻ một tâm tình, thì phải hát sao cho rõ lời rõ ý, hát trong một ngôn ngữ mà đại đa số người tham dự hiểu được và cảm nhận được : Ở Việt Nam, đó là ngôn ngữ Việt Nam với 5 dấu 6 giọng bổng trầm khác nhau. Nếu trong khâu soạn nhạc cũng như khâu thể hiện mà không biết tôn trọng bản sắc riêng của tiếng Việt Nam thì tính dân tộc cơ bản bị huỷ bỏ, tính thông đạt kém hiệu lực kéo theo sự xuống cấp của tính nghệ thuật. Riêng khâu trình tấu thể hiện, phải chú trọng nhiều đến lối phát âm sao cho ra tiếng Việt Nam.
Tác giả VĨNH LONG trong cuốn sách viết34 :
“Tiếng hát rõ lời là biểu hiện cụ thể của lòng trân trọng đối với tiếng nói và truyền thống ca hát dân tộc, của tinh thần độc lập và ý thức tự hào dân tộc, do đó dễ đi sâu lắng đọng trong lòng quần chúng. Bà con anh chị em chúng ta không thể hài lòng với những tiếng hát ồm ồm, ngọng nghịu vì bắt chước nước ngoài một cách thiếu sáng suốt, nếu không nói là nô lệ”
[“Sự tròn vành rõ chữ của tiếng hát dân tộc” , Viện Nghệ Thuật xuất bản năm 1976 tại Hà Nội tr.145 35 Trích từ Hương Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc 2014, Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam]
f.Vấn đề Đào tạo_Huấn luyện
Công đồng Vaticanô II nói rất rõ về nhu cầu cấp bách nầy: Huấn luyện và thực tập âm nhạc cho mọi thành phần Dân Chúa, nhất là các giáo sĩ, tu sĩ…cũng như đào tạo những chuyên viên (giáo sư) có nhiệm vụ dạy Thánh nhạc, đảm nhận công tác đào tạo ở mọi cấp khác nhau, từ ca viên, người đệm đàn Quản cầm (điện tử, 2 bàn phím tay, 1 bàn phím chân, bàn đạp biến cường…), ca nhạc trưởng, nhác sĩ sáng tác Thánh nhạc…về âm nhạc, Thanh nhạc, Điều khiển, Nhạc cụ, Phụng vụ Thánh nhạc….
“Phải chú trọng nhiều đến việc huấn luyện và thực tập âm nhạc trong các Chủng Viện, các tập viện cũng như các học viện của các Dòng Tu nam nữ, và cả trong những học viện và học đường công giáo khác. Vì thế, để đảm nhiệm công việc đào tạo ấy, cần phải quan tâm đến việc huấn luyện những giáo sư có nhiệm vụ dạy Thánh Nhạc.Ngoài ra, nếu thuận lợi, rất nên thành lập các Viện Cao Ðẳng Thánh Nhạc. Hơn nữa, các nhạc sĩ, ca sĩ, nhất là các thiếu nhi, cũng phải được huấn luyện cho có đủ căn bản phụng vụ.” (HCPV 115)
6. Tiêu chuẩn thẩm định bài hát35
Ba thẩm định nhưng chỉ một lượng giá
- Khi thẩm định sự thích hợp của âm nhạc trong Phụng vụ, ta sẽ phải xét về những đặc tính Phụng Vụ, mục vụ và âm nhạc. Nhưng cơ bản cả ba thẩm định này cũng chỉ là những khía cạnh của một lượng giá để có thể trả lời được câu hỏi: “Khi sử dụng phần nhạc cụ thể, (bài hát) này có thích hợp với phần Phụng Vụ lúc này không?” Cả ba thẩm định này phải được xét cùng lúc với nhau, không được áp dụng theo một thẩm định này mà bỏ hai thẩm định kia. Việc lượng giá này đòi hỏi sự hợp tác, tham vấn và làm việc chung với nhau và tôn trọng nhau giữa những người thành thạo về một trong ba thẩm định, như các vị quản thủ thánh đường, các nhạc sĩ, các nhà Phụng Vụ hay những người hoạch định lễ nghi.
Thẩm định về phương diện Phụng Vụ
- Người thẩm định có thể đặt ra câu hỏi để xác định như sau: “Trong nghi thức cụ thể này, bài hát này có đáp ứng được những đòi hỏi về bản văn và cấu trúc mà sách phụng vụ đã xác lập không?”
- Những cân nhắc về mặt cấu trúc dựa trên những yêu cầu của chính nghi lễ sẽ hướng dẫn phải chọn để hát những phần nào theo nguyên tắc về bậc lễ. Phải cố làm sao có được sự cân bằng nhất định giữa những yếu tố khác nhau của Phụng Vụ, để những yếu tố ít quan trọng không lấn át những yếu tố quan trọng hơn. Các yếu tố về bản văn, gồm cả việc dệt nhạc để nâng đỡ bản văn Phụng Vụ và chuyển tải ý nghĩa, phải thật trung thành với giáo huấn của Hội Thánh.
- Một lời dẫn vắn gọn vào các khía cạnh của âm nhạc và những nghi thức phụng vụ khác nhau sẽ được bàn đến trong các số từ 128 sau đây. Những vị nhạc sĩ lo về mục vụ nên phát triển thói quen làm việc với những quy định của mỗi nghi thức qua việc nghiên cứu chính các sách Phụng Vụ.
Thẩm định về phương diện Mục Vụ
- Thẩm định về phương diện Mục vụ là xem xét cộng đoàn thực tế đang cử hành ở một nơi riêng biệt và vào một thời điểm cụ thể. Bài hát có góp phần tăng thêm sự thánh hóa các thành phần trong cộng đoàn phụng vụ bằng cách lôi kéo họ đến gần hơn với mầu nhiệm thánh đang được cử hành không? Nó có làm cho việc giáo dục đức tin của họ được tăng cường bằng cách mở lòng họ trước mầu nhiệm được cử hành trong trường hợp này hoặc trong mùa phụng vụ này không? Nó có khả năng diễn tả đức tin mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng họ và kêu gọi họ đến cử hành không?
- Những yếu tố khác – như tuổi tác, văn hóa, ngôn ngữ và trình độ của một cộng đoàn phụng vụ nhất định – cũng phải được xét đến. Những thể loại âm nhạc riêng biệt và cách chọn những bài hát cá biệt cho sự tham gia của cộng đoàn sẽ thường dựa vào những cách thế mà một nhóm đặc biệt nhận thấy dễ dàng hơn để nối kết tâm trí họ với hành vi phụng vụ. Tương tự, cảm nghiệm âm nhạc của một cộng đoàn phụng vụ nhất định phải được xét đến một cách cẩn thận, ít nhất là những hình thức diễn tả âm nhạc xa lạ với cách phượng tự của họ phải được giới thiệu một cách tiệm tiến. Mặt khác, đừng bao giờ coi thường (đánh giá thấp) khả năng của những người thuộc mọi lứa tuổi, văn hóa, ngôn ngữ, và mọi trình độ giáo dục, nhưng hãy học biết một điều gì đó mới mẻ và tìm hiểu những gì người ta trình bày cho ta một cách đúng đắn và chu đáo.
- Cuối cùng, về phương diện mục vụ cũng phải đặt ra một câu hỏi tương tự: Bài hát này sẽ lôi kéo được những con người cụ thể đến gần với mầu nhiệm Đức Kitô là trọng tâm của cử hành Phụng Vụ này không?
Thẩm định về phương diện Âm Nhạc
- Thẩm định về khía cạnh âm nhạc đặt ra cho chúng ta câu hỏi: bài hát (hoặc đoạn nhạc) này có những đặc tính thẩm mỹ cần thiết hay không hầu có thể chuyển tải được ý nghĩa phong phú của những mầu nhiệm được cử hành trong Phụng Vụ. Hoặc chúng ta cũng sẽ hỏi: bài hát này có giá trị về mặt kỹ thuật, mỹ thuật và truyền cảm không?
- Thẩm định này đòi hỏi phải có khả năng về âm nhạc. Chỉ có loại âm nhạc vang lên một cách nghệ thuật mới đem lại hiệu quả và tồn tại qua thời gian. Đưa vào Phụng Vụ những âm nhạc tầm thường, rẻ tiền và khuôn sáo mà người ta thường thấy trong các bài ca trần tục sẽ hạ giá Phụng Vụ, đi đến chỗ bị chế diễu và thất bại.
- Tuy nhiên, để việc diễn tả nghệ thuật được đầy đủ thì không nên sử dụng chỉ một kiểu âm nhạc, vì “Hội Thánh không hề coi một kiểu nghệ thuật nào như là của riêng nhưng công nhận các kiểu của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và hoàn cảnh của các dân tộc, cũng như tùy theo nhu cầu của các nghi lễ.36 Vì vậy, Hội Thánh trước sau vẫn công nhận và vui mừng tiếp nhận việc sử dụng các kiểu âm nhạc khác nhau làm trợ tá trong phụng tự.
* * *
Chúng ta vừa xem qua một số vấn đề liên quan đến việc thể hiện âm nhạc trong Phụng vụ. Khi nhìn lại việc thể hiện cụ thể tại một số nơi, chúng ta thấy có một chiều hướng đổi mới chậm chạp, một số nơi khác có nhiều mặt chưa hợp với tinh thần Phụng vụ … mà nguyên do có thể tạm thu về những điểm sau :
- Số bài đàn, bài hát đáp ứng được các yêu cầu Phụng vụ tương đối còn quá ít so với số lượng lớn lao của những bài chưa đáp ứng nhu cầu Phụng vụ. Do đó việc chọn bài trở nên khó khăn, nhiều ca trưởng bèn phải chọn đại. Cộng đoàn ít tham gia được.
- Nhiều ca trưởng chưa có cơ hội để học hỏi về Phụng vụ, về Thánh nhạc nên cũng có hiện tượng chọn bừa, hát bừa …
- Nhiều ca trưởng chưa có cơ hội để học tập thêm về vai trò chuyên môn của mình… nên không hoàn thành nhiệm vụ của mình : hát cho có, hát mà ít ai hiểu là hát gì, hoặc hát như hát sinh hoạt vui chơi vậy … Ca trưởng giữ nhịp chứ chưa biết điều khiển …
- Đệm đàn không nâng đỡ, mà còn lấn át tiếng hát, đôi khi còn phá tiếng hát.
- Lời ca của nhiều bài hát còn sai văn phạm, hoặc còn “Tây” quá, hoặc không có chất thơ, hoặc sáo mòn, không sâu sắc; thiếu qui chiếu vào Kinh Thánh;
- Âm nhạc tầm thường, không có nghệ thuật…
- Nhiều nơi, cộng đoàn còn thụ động, ít tham gia, hoặc ít được tham gia vào ca hát Để khắc phục những “tồn tại” trên, cần có sự góp sức của nhiều phía :
- Phía người lãnh đạo tinh thần trong giáo phận, giáo xứ : nâng đỡ người soạn nhạc, ca trưởng, ca viên ; khuyến khích học hỏi và thực hành theo tinh thần Phụng vụ ; khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đoàn …
- Người soạn nhạc không những “tôn trọng quy luật của Thánh nhạc” mà còn phải “cố gắng giữ gìn bản sắc ngôn ngữ của dân tộc trong âm nhạc và tiết điệu, lại phát huy được một vài nét nhạc dân tộc trong các bản Thánh ca” (Lời nói dầu trong tập Thánh ca các Chúa Nhật Mùa Vọng năm C, số 3 do Ban Thánh Nhạc giáo phận Tp. HCM).
- Người điều khiển cộng đoàn, ca đoàn cần ý thức trách nhiệm của mình hơn bằng cách trau dồi, học hỏi chuyên môn âm nhạc và Phụng vụ để giúp cộng đoàn, ca đoàn tham gia tích cực hơn …
-
d. Các nhạc viên, đặc biệt người đệm đàn quản cầm, đàn organ điện tử, cần học cách đệm thánh ca sao để có thể nâng đỡ và tô điểm cho tiếng hát, chứ không phải phô trương, lấn át nó.
Với sự cố gắng đổi mới của nhiều phía như vậy, chúng ta hy vọng việc thể hiện âm nhạc trong Phụng vụ càng ngày càng tốt hơn nhằm giúp cho mỗi tín hữu, mỗi cộng đoàn “biểu lộ và thể hiện con người mới trong Đức Ki-tô Phục Sinh” bằng cách góp tiếng hát Việt Nam vào “Bài Ca Mới” của toàn thể nhân loại được cứu độ để Ca Tụng Chúa. “Bài Ca Mới sẽ không trọn vẹn, không hoàn thành, bao lâu những con người thuộc mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ, mọi nền văn hoá chưa góp tiếng mình vào đó.”37 Mỗi người trong chúng ta đang cố gắng góp phần nhỏ bé của mình để cho dân tộc Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam góp tiếng mình vào Bài Ca Mới đó, ước mong mọi người kiên trì cho tới khi Bài Ca Mới hoàn tất.
CÁC CÂU HỎI ÔN TẬP
- Lý do sâu xa của việc ca hát trong Phụng vụ ?
- Phận vụ thừa tác của âm nhạc trong Phụng vụ ?
- Ý nghĩa từ “Ca hát” trong Phụng vụ ?
- Vai trò và nhiệm vụ của ca đoàn ?
- Đàn hát cho ai ?
- Tính thông đạt của lời ca trong Phụng vụ ?
- Tính Thánh Thiện của bài ca trong Phụng vụ ?
- Tính nghệ thuật của âm nhạc trong Phụng vụ ?
- Các nguy cơ cần tránh để bảo toàn tính nghệ thuật ?
- Những “tồn tại” có thể thấy trong việt thể hiện Thánh nhạc ?
- Thẩm định về phương diện Phụng vụ như thế nào?
- Thẩm định về phương diện Mục vụ như thế nào?
- Thẩm định về phương diện Âm nhạc như thế nào?
- [HCPV, 124]
37. [Universa Laus : I,10,1-3 ; II,45] | |