Thứ Sáu, 09 Tháng Ba, 2018 61

Thứ 7 sau CNMC 3

Theo ĐTQ, Quesson, Lm Hàm, MHLC, Ban MVPT, Lm Liễm

1) Lm Hàm:

THỨ BẢY CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Luca 18, 9-14

9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác : 10 "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-SẼâu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-siêuđứng thẳng, nguyện thầm rằng : 'Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.' 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : 'Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.' 14 Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

 

Ở Palestine, người ngoan đạo giữ ba giờ cầu nguyện mỗi ngày: lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa và 3 giờ chiều. Lời cầu nguyện được kể là linh nghiệm đặc biệt nếu cầu nguyện trong đền thờ, và vì thế vào những giờ đó nhiều người đến Đền thờ để cầu nguyện. Chúa Giêsu nói về hai người đi lên Đền thờ để cầu nguyện :

Có một đạo sĩ Do thái. Thực ra ông ta không đi cầu nguyện cùng Thiên Chúa mà chỉ cầu nguyện với chính mình. Lời cầu nguyện đích thực bao giờ cũng phải được dâng lên cho Thiên chúa và cho một mình Chúa mà thôi. Đạo sĩ Do thái đang trình bày chính mình như một bằng chứng trước Thiên Chúa. Luật do thái chỉ bắt buộc giữ một ngày chay, đó là ngày lễ đại chuộc tội. Các kẻ muốn lập công đặc biệt cũng ăn chay các ngày thứ hai và thứ năm nữa. Nên nhớ đó là những ngày phiên chợ và Giêrusalem đầy dẫy dân từ các làng đổ về. Những kẻ ăn chay làm cho sắc mặt mình tái đi, bước đi trong bộ áo nhàu nát, những ngày đó tuyên truyền mạnh mẽ cho cái vẻ đạo đức của họ vì nhiều người nhìn ngắm họ. Các người Lêvi được nhận một phần mười hoa lợi của nhân dân (Dnl 14,22). Nhưng đạo sĩ Do thái này dâng 1/10 trong mọi sự, cả những thứ không buộc dâng 1/10. Tất cả thái độ của ông ta tiêu biểu cho điều tệ hại nhất của chủ nghĩa Biệt phái. Có một bài cầu nguyện của Rabi được ghi lại như sau: "Lạy Giavê là Thiên Chúa của tôi, tôi cảm tạ Ngài vì Ngài đã đặt tôi dự phần với những viện sĩ trong Hàn lâm viện chứ không phải ngồi chung với những kẻ đầu đường xó chợ. Vì tôi dậy sớm thì chúng cũng dậy sớm, tôi dậy sớm để học luật pháp Chúa, còn chúng dậy sớm vì những sự hư không. Tôi làm việc, chúng cũng làm việc. Tôi làm việc và lãnh phần thưởng, còn chúng làm việc và không được lãnh phần thưởng. Tôi chạy và chúng cũng chạy, tôi chạy tới sự sống của đời sau, còn chúng chạy tới hố diệt vong". Rabi Simon ben Jocai được ghi nhận là đã có lần nói "nếu chỉ có hai người công chính trên thế gian thì đó là tôi và con trai tôi; nếu chỉ có một người công chính thì người đó là tôi". Người biệt phái này thực ra không đến Đền thờ để cầu nguyện. Ông ta đến để nói cho Thiên Chúa biết ông ta tốt như thế nào.

Có một người thâu thuế. Người này đứng cách xa và không dám ngước mắt lên Thiên Chúa nữa. Anh ta chỉ có một lời thưa với Chúa: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi". Chúa Giêsu phán "chính lời cầu nguyện tự hạ và đầy lòng tan vỡ này đã khiến Thiên Chúa thương anh ta".

Có mấy điều về sự cầu nguyện chúng ta học được qua dụ ngôn này:

a. Người kiêu ngạo không thể cầu nguyện. Cửa lên trời rất thấp nên chỉ ai biết quì gối xuống mới vào được. Đây là những gì người ta có thể nói "không có con chiên nào khác hay danh nào khác, không có hi vọng nào khác trên trời, dưới đất hoặc dưới biển, không có nơi ẩn náu nào khác cho khỏi tội và khỏi hổ thẹn, không có điều gì khác trừ ra chính Chúa".

b. Người nào khinh dể anh em mình thì không thể cầu nguyện. Trong khi cầu nguyện chúng ta không được nâng mình lên trên kẻ khác. Cần nhớ rằng chúng ta là một phần nhân loại đang phạm tội, đang đau khổ, đang âu sầu, tất cả đang quì gối trước nga0i xót thương của Thiên Chúa.

c. Chỉ có sự cầu nguyện thật khi chúng ta biết đặt đời sống mình bên cạnh sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta không hồ nghi điều mà người biệt phái này nói, tất cả đều đúng. Ông ta đã ăn chay và đã kỹ lưỡng dâng 1/10, ông ta đã không giống người khác, lại càng không giống người thâu thuế này. Nhưng vấn đề không là "tôi có tốt như kẻ khác chăng ?" nhưng "tôi có tốt như Chúa không ?" Tất cả tùy chúng ta so sánh mình với đối tượng nào. Khi chúng ta đặt đời sống mình bên cạnh đời sống kỳ diệu của Chúa Giêsu, bên cạnh sự thánh thiện của Thiên chúa, thì chúng ta chỉ có thể nói "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi khốn nạn". 

 

2) Quesson:

THỨ BẢY

Bài đọc I : Hs 6,1-6

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đòi chúng ta đặt mình "trong chân lý" trước mặt Thiên Chúa : Người biệt phái kiêu căng thật láu cá khi tăng số những cử chỉ bên ngoài... Vị ngôn sứ đã hỏi : "Ta muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ”.

Ta muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ. Ta muồn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu. 

Chúa muốn nói lại với chúng ta điều đó.

Không hề bằng các nghi thức và lễ lạc mà chúng ta có thể làm vui lòng Thiên Chúa. Điều Người mong đợi nơi chúng ta là chúng ta yêu mến Người. "Ta muốn tình yêu”. Một tình yêu biến đổi mọi hành vi trong đời sống chúng ta, gồm cả nghi thức lễ lạc, nhưng trước hết là các hành vi thông thường.

Ngôn sứ Hôsê cũng như mọi ngôn sứ, như Chúa Giêsu, đặt tình yêu Thiên Chúa đối nghịch lại các nghi lễ được cử hành không có tình yêu. Chúng ta thú nhận điều này là đúng sau bao nhiêu là thánh lễ người ta ra về mà không thực sự gặp Chúa ? Không hiểu biết và yêu mến Chúa hơn ?

Có biết bao thánh lễ người ta đến trễ,  người ta không bỏ thời giờ để đặt mình dưới sự hiên diện của Đấng vô hình.

Hãy đến và chúng ta trở về với Chúa. Và hãy ra sức nhận biết Chúa.

Chủ đề nhận biết Thiên Chúa vẫn thường thấy trong ngôn sứ Hôsê.

Không được đối nghịch "tình yêu" với “hiểu biết" vì điều này không xuôi nếu không có điều kia. Ai biết một người thì có thể yêu họ hơn. Ai yêu một người đều muốn biết họ hơn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ước muốn được biết Chúa ngày một hơn .

Người ta không ngừng khám phá Chúa bao giờ.

Những suy niệm lời Chúa, thuờng xuyên và kiên trì là một trong những phương thế để biết Chúa hơn. Xin giúp con theo đuổi việc suy niệm này, không phải cách máy móc,  nhưng với tình yêu và trung thành, không hình thức nhưng với tình yêu.

Người sẵn sàng xuất hiện như vừng đông.

Sự điều hòa trong các nhịp điệu của thiên nhiên đối với người Xê-mít bảo đảm sự điều hòa của Thiên Chúa. Vừng đông chắc chắn xuất hiện sau đêm dài... là hình ảnh bảo đảm rằng Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến.

Thiên Chúa, một hừng đông. Ngày đến...

Người sẽ đến cùng chúng ta như mưa thuận và như mưa xuân trên mặt đất. 

 Tôi gợi lên trong trí, nếu có thể được, những hình ảnh được đề ra ở đây. Cơn mưa xuân làm vọt lên những cánh đồng xanh và những dòng suối. Thiên Chúa cũng vậy, Người hứa sự sống cho đời chúng ta đông lạnh và khô héo.

Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi.

Thiên Chúa mong đợi tình yêu của chúng ta. Chúng ta hay làm cho Người thất vọng. Hôm nay tôi nghe Người phiền trách. Tôi có nghe Người và áp dụng cho mình “Tình yêu của người, thuộc về ngươi... (tôi đặt tên mình vào đây) thì chóng tàn".

Lạy Chúa, xin giúp con yêu Chúa và đáp đền tình yêu Chúa.

Tin Mừng

Tồi tàn, đáng thương.

Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với những kẻ tự đắc, cho mình là công chính mà khinh chê kẻ khác.

Tôi không thuộc vào loại những người trên sao ? Lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Thực sự con thường coi mình là cao trọng hơn kẻ khác... Lạy Chúa, xin giúp con đừng khinh chê một ai, không nên tự hào mình là người công chính...

Có hai người kia lên đền thờ cầu nguyện: một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.

Trình thuật được Đức Giêsu nêu lên ở đây, rõ ràng mang đôi chút biếm họa : Những nét liên hệ đến câu chuyện được phóng đại ra. Không nên ngạc nhiên về những điểmđó nhưng cần nắm giữ điều chính cốt.

Trước hết, Đức Giêsu muốn nói rằng : “Kẻ tội lỗi nhận biết tình trạng của mình" đều được Thiên Chúa yêu thương... và họ có mọi vận may. Trái lại, người kiêu ngạo, vì tưởng mình là công chính, nên đã tự dối mình. Đó là một giáo lý căn bản : Thánh Phaolô đã triển khai giáo thuyết đó trong thư gửi tín hữu Rôma. Con người không tự mình công chính hóa được. Con người nhận sự công chính, sự xác đáng từ một Đấng khác nhờ ơn thánh.

Người Pharisêu, chủ yếu đó là kẻ tin mình có thể nhờ công việc riêng, nhờ việc chu toàn lề luật, để tự cứu độ.

Người thu thuế, trái lại, đó là kẻ tội lỗi đáng thương, không có khả năng thực hiện lý tưởng của mình luôn phải vươn tới. Đó là người không thể tin cậy vào sức riêng của mình nữa.

Lạy chúa, con nhận biết con, ít nhiều thuộc vào hai loại người trên. 

Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác, là những hạng trôïm cướp, bất công, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười lợi tức  của con.

Phải, đó là những nét được phóng đại, nhưng với thái độ tự mãn biết bao !

Đành rằng, đó là một người đạo đức và quảng đại, cần phải có những nhân đức thực sự. Nhưng tất cả những đức tính đó đều bị đầu độc bởi tính kiêu ngạo. Lòng tự ái có thể chôn vùi những thực hiện đẹp đẽ nhất.

Không nên áp dụng những lời của Chúa trên đây cho kẻ khác, nhưng cho chính tôi... Đối với tôi, não trạng Pharisêu trong tôi là gì .? Cái gì đã đầu độc ngay cả điều tốt tôi đang làm. ? Động lực thâm sâu đang tác động mọi hành vi của tôi là những động lực nào .

Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, cũng chẳng dám ngước mắt lên trời, mà chỉ đấm ngực, cầu nguyện rằng : "Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi xin thương xót con".

Đó là lời nguyện xin của kẻ đáng thương: Nó biểu lộ sự bối rối sâu xa. Đối với những người Do Thái thời Đức Giêsu, đó là một trường hợp tuyệt vọng, không lối thoát. Nghề nghiệp của người "thu thuế" này bị người đời nguyền rủa : Có thể người ta sẽ nói, anh ta đã lợi dụng nghề nghiệp để cuớp bóc tiền của, để gây tài khoản, cho một “chế độ”bỉ ổi cho “xã hội Rôma" ngoại giáo, đầy dẫy thần tượng và những việc làm vô luân, làm “lợi cho kẻ xâm chiếm áp bức". Phải trường hợp của anh ta thật là tuyệt vọng !

Đức Giêsu đứng lên chống lại quan điểm thời Người : Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa của những kẻ tuyệt vọng... Và lòng khoan dung yêu thuơng của Người tác động đến cả những trường hợp bề ngoài xem ra không còn lối thoát nào. Thiên Chúa dành cho mọi người cơ may, ngay cả những người tội lỗi nặng nề nhất.  

Tôi nói cho các ông biết : "Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi, còn người kia thì không”.

Tôi chăm chú nhìn anh ta trở về nhà, trong tư thế bình an, được chữa lành, được công chính hóa nhờ ThiênChúa, được tha thứ, tràn đầy sung suớng. Anh ta đã làm gì để đuợc như thế ? Anh ta đã nhận biết tội lỗi mình : xin thương xót con, là kẻ có tội.

Lạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra tội lỗi của con, những tồi tàn kém cỏi của con. Xin ban lại sự can đảm cho mọi kẻ tuyệt vọng. Dù bề ngoài xem ra bất lợi, chớ gì đừng ai nghi ngờ tình yêu của Chúa. Lạy Chúa Giêsu, xin thông tỏ Chúa là như thế đó, cho chúng con là những kẻ tội lỗi đáng thương.

 

3)Hạt giống-Nẩy Mầm

Thứ Bảy : Hs 6,1-6 ; Lc 18,9-14

A. Hạt giống...

1. Bài đọc 1 : Ngôn sứ Hôsê đã để lại cho hậu thế một câu nói lừng danh “Ta muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ”.

2. Bài Tin Mừng : Hai người lên đền thờ cầu nguyện là hai hình ảnh minh họa cho câu nói trên của Hôsê :

‑ Người biệt phái : anh có rất nhiều lễ vật dâng lên Chúa nhưng thiếu tình yêu. Thứ nhất là anh không yêu người khác (“tôi không như các người khác, hay là như tên thu thuế kia”) ; thứ hai là anh cũng không yêu Chúa : anh giữ luật và làm nhiều việc lành chỉ để chứng tỏ cho Chúa biết anh là người đàng hoàng và do đó Chúa phải yêu thương anh, ban thưởng anh.

- Người thu thuế : anh chẳng có lễ vật gì dâng lên Chúa mà chỉ có tình yêu. Tình yêu của anh không nồng nàn thắm thiết mà chỉ là một tình yêu muộn màn của đứa con tội lỗi quay về với một tấm lòng tan nát, một trái tim đang kêu gọi tình thương xót của Chúa (“Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội”)

B.... nẩy mầm.

Lời Chúa hôm nay rất dịu dàng, kêu gọi chúng ta tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, kêu mời chúng ta dâng lên Ngài những tội lỗi và yếu đuối của chúng ta :

1. Lời của một bản thánh ca : con chẳng có gì dâng lên Chúa hôm nay...

2. Một đêm giáng sinh nọ, Thánh Giêrônimô đang quỳ bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người thì bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói loà. Ngài hỏi thánh nhân : 

- Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không? 

- Lạy Chúa Hài Đồng, thánh nhân đáp, con xin dâng Chúa trái tim của con. 

- Được lắm, nhưng còn gì khác nữa không ? 

- Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể.

- Con còn điều gì khác nữa không ?

- Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu. Thánh nhân khẩn khoản thưa.

Chúa Hài Đồng bảo : 

- Này Giêrônimô, hãy dâng cho ta cả những tội lỗi của con nữa.

- Ô lạy Chúa, Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được ? 

- Được chứ ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi. 

Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. (Trích ”Món quà giáng sinh”)

3. Người Hồi giáo có chuyện sau đây : Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến  trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo : “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một  điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.”

 Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm nang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói : “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”

 Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ  thần, người ấy giải thích : “Tôi đã chìu theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói : “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian  không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu. (Trích ”Món quà giáng sinh”)

4. (những mầm khác)

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương