Thứ Bảy, 10 Tháng Ba, 2018 54

Thứ Năm Tuần Thánh

Các bài suy niệm/Chia sẻ Lời Chúa của Nhiều tác giả

1) Quesson

Thứ năm

Bài đọc i : xh 12,1-14. ; 1gr 11,23-26

 bữa tiệc vượt qua.

Đây là bài miêu tả lễ "chiên vượt qua" của người do thái. Một nghi lễ chúa giêsu đã sống mỗi năm trong đời người... Cho tới ngày nay, ngày thứ năm, trước khi người chịu chết, lúc chính người trở thành chiên gánh tội trần gian, người đã biến bữa ăn theo nghi thức này thành “thánh lễ”.

Tôi chiêm ngắm chúa giêsu, vào bàn với các môn đồ người, đang sống nghi thức này... Đầy ý nghĩa biểu trưng...

Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đầu năm. 

Lễ phục sinh đi vào niên lịch loài người.

Chính “trong thời gian”, trong lịch sử thời đại chúng ta, trong lịch sử đời tôi mà “ơn cứu rỗi" chen vào. Năm nay... Lễ phục sinh của tôi không phải là lễ của năm qua. “tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm”. Tuần thánh này sắp khởi đầu cho tới một năm mới thế nào ?

Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Người ta lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên.  

Nghi thức cộng đoàn, người ta không thể hoàn thành một mình !

Nghi thức hiện thực. Người ta không chỉ nhớ tới quá khứ. Đây không chỉ để tưởng nhớ “cuộc giải phóng khỏi ai cập” ngày xưa... Nhưng là “cuộc giải phóng hiện thời”. Mọi thế hệ đều liên hệ tới nghi thức này: mọi nhà, mọi năm đều ghi “máu” cứu rỗi ! Năm nay, mọi nhà, mọi kitô hữu cần thông phần vào hy tế của chúa giêsu.

Việc xưng tội, rước lễ mùa phục sinh của tôi ...

Thực hiện những việc đó ít lắt léo hơn như thói quen ! Được giải thoát ! Tôi có xác tín điều đó không ? Tôi có thấy cần được giải thoát không ? "

Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ ai cập. Vì ta là chúa. Máu bôi trên nhà các ngươi ở sẽ là dấu hiệu và khi thấy máu, ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi. 

Máu cứu khỏi sự dữ.

Máu “xóa tội trần gian” .

Lạy chúa, nhờ mình chúa, xin chữa lành... Nhờ máu chúa, xin chữa lành lòng người hôm nay. 

Phải thắt lưng, chân đi dếp, tay cầm gậy... Các ngươi sẽ lập lễ này để mừng vĩnh viễn muôn đời.

Tôi cũng là “kẻ lữ hành”, tiến về đất hứa. Tôi có thực sự sẵn sàng không ? Sẵn sàng lên đuờng, cho cuộc mạo hiểm xuất hành vĩ đại không ? Đêm nay, người ta giã từ ai cập và ra đi... Ra đi về miền đất chúa hứa cho chúng ta. Người ta giã từ miền đất nô lệ và tiến về miền đất tự do. Khi nào người ta sẽ tới đó ? Người ta giã từ đời tội lỗi và đi vào đời thánh thiện. Khi nào ta sẽ tới đó ?

Trong lúc  này, điều quan trọng không phải là đã tới đích, mà là đã định hướng.

Mỗi thánh lễ đều bao hàm đủ mọi nét tiêu biểu này.

Tôi đọc lại những đoạn này, và áp dụng vào thánh lễ.

Bài tin mừng : ga 13,l - 5

Trước lễ vượt qua, đức giêsu biết giờ của người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với chúa cha.

Bữa tiệc chiều nay... Cái chết ngày mai... Và buổi sáng phục sinh... Là những pha cảnh của cùng một mầu nhiệm: đó là “lễ phục sinh" là “giờ" của đức giêsu !

Và trong  ý thức của người, tất cả đều được gồm tóm trong thực tại sau đây: “người vượt qua thế gian này mà về cùng cha người"... Một đoạn đường, vừa đau khổ vừa sung sướng.

Lạy chúa, khi giờ của con sẽ đến, xin giúp con tưởng nhớ lại thực tại trên đây.

Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và người yêu thương họ đến cùng.

Đây là cách giải thích duy nhất về thập giá. Đó là tình yêu. Một tình yêu đi đến cùng.

Như thế, tôi luôn cần được yêu thương... Vượt khỏi những lỗi lầm của tôi, ngoài tầm những thái độ “không yêu thương" của tôi...

Trong bữa ăn tối, đức giêsu biết rằng: "chúa cha đã giao phó mọi sự trong tay người, người bởi thiên chúa mà đến, và sắp trở về cùng thiên chúa, nên người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi đức giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ...”

Tương phản hoàn toàn giữa đầu câu và cuối câu: ủy quyền của thiên chúa và cử chỉ hèn hạ của kẻ tôi đòi.

“đức chúa" thành “người tôi tớ”.

Thánh sử gioan không nói một lời nào về việc thiết lập thánh thể trong trình thuật mà ông ghi lại về buổi chiều cuối cùng của đức giêsu. Nhưng, thay vào đó, ông nêu lên cử chỉ “tôi tớ" này. Đó không phải là ngẫu nhiên. Cử chỉ long trọng của đức giêsu trên đây cũng gợi lên ý nghĩa thâm sâu về thánh thể và thánh giá :

- này là mình thầy, bị nộp vì anh em.

- thầy hạ mình xuống phục vụ anh em.

 nếu thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng còn được chung phần với thầy.

Sự kiện phêrô có từ chối không để chúa rửa chân cho ông, đã làm sáng tỏ ý nghĩa trên. Không, không chỉ là vấn đề để cho đức giêsu rửa chân, nhưng ăn thua là để cho người “cứu độ": nếu anh không muốn, anh sẽ không được dự phần với thầy... Anh không thể tự mình cứu độ, mà phải đón nhận ơn cứu độ mà thầy trao tặng, nhờ hi sinh thập giá của thầy.

Trong mỗi thánh lễ, mầu nhiệm ơn cứu độ này vẫn được tái diễn.

Anh em gọi thầy là “thầy”, là “chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, thầy là thầy là chúa. Vậy, nếu thầy là chúa, là thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như thầy đã làm cho anh em.

Đó là thái độ phải có của những người đồng dự tiệc với chúa. Thánh thể phải xây dựng một cộng đoàn yêu thương, trong đó mọi người phục vụ mọi phần tử khác, bữa tiệc thánh thể là một đòi hỏi tình yêu phục vụ.

Lạy chúa, chúng con còn sống xa tinh thần đó biết bao !

Những chia rẽ giữa các kitô hữu là một gương xấu thục sự : trái với ý muốn của đức giêsu.

Thái độ vị kỷ của các kitô hữu là một gương xấu thật sự: trái hẳn với thái độ phục vụ lẫn nhau, khiêm tốn, cụ thể mà đức giêsu đã thực hiện cho chính chúng ta, trong khi “cứu độ”chúng ta.

Ý nghĩa thâm sâu nhất của thánh thể là quy tụ mọi người được tinh thần đó tác động. Phục vụ.

2)

TUẦN THÁNH.

THỨ NĂM. (Lễ tối)

Gioan 13,1-15.

A. Hạt giống...

Chỉ một mình Thánh Gioan ghi lại cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Nhưng Gioan không chỉ tường thuật, mà còn chen vào những chi tiết rất có ý nghĩa:

-“Ngài yêu thương họ đế cùng”: đây là hành động biểu lộ tình thương.

-“Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”: việc này làm có nhiều ý nghĩa sâu sắc.

-“ Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”: việc làm này còn có “phần” trong màu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu.

-“Nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì…”: đây là cung cách của người làm lớn.

-“Các con cũng phải rửa chân cho nhau”: việc làm này hàm chứa một lệnh truyền.

B...Nẩy mầm.

1. Ta đã cảm nhận tình thương của Chúa Giêsu. “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình…thì đã yêu thương đến cùng”. Cũng giống như một người mẹ sắp đi xa, còn làm gì được cho con cái thì tận dụng thời gian còn lại để làm, như quét căn phòng, vá chiếc áo, để sẵn thuốc uống bên cạnh giường con…và lặp đi lặp lại những lời dặn dò…

2. “Tuy chúng con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”: ngay trong hàng ngũ các tông đồ mà còn có kẻ không sạch. Huống chi trong tập thể của chúng ta. Thái độ đối với người không sạch ấy phải thế nào? Chúa Giêsu không dạy lên án, khai trừ; nhưng dạy phải rửa. Dòng nước tẩy rửa thì nhẹ nhàng, ên ái chứ không gay gắt, nặng nề…

3. Khi tay chân giơ, ta làm gì? Tôi không chặt bỏ, nhưng rửa cho sạch. Bởi vì phần dơ đó là chi thể của ta. Cũng thế, ta sẽ không “chặt bỏ” nhưng nhẹ nhàng “rửa sạch” một người sai lỗi trong tập thể của ta nếu ta biết coi họ là tay chân, là chi thể cả ta.

4. Cha Doncoeur, khi giải thích một bức họa nhỏ trong tập thánh vịnh của Chantilly, đã diễn tã rất đúng ý nghĩa của hoạt cảnh này: “Hai tay (của Đức Kitô) đã khéo léo hành sự là lau chân Phêrô với chiếc khăn ở thắt lưng. Ngài đứng hơi nghiêng xuống như một người đầy tớ, vai trò Ngài muốn đóng lấy lúc bấy giờ. Điều quan trọng không phải là rửa chân, nhưng là phục vụ các môn đệ và phá đổ nơi họ cái tâm thức huênh hoang tự phụ vẫn chưa nhường bước chịu thua. Chúng ta hiểu tại sao mắt của họ như nói lên một nỗi bối rối, bởi lẽ trong họ một tấm kịch đang diễn ra” (Le Christ dans l’art francais, I, Paris,Plon, 1939, trang 104). Chúng ta sẽ không thể hiểu được cuộc khổ nạn trong Tin Mừng của Gioan nếu không hình dung ra tấm kịch này và nếu không nhớ tới sự đảo lộn đang diễn ra trong tâm hồn của Gioan cũng như Phêrô, gây nên bởi câu nói của Đức Giêsu: “Nếu Thầy không rửa chân con, thì con không có phần nào với Thầy”.

Trong hoạt cảnh Đức Giêsu đã hạ giáng, đã bước xuống chỗ thấp nhất này, tất cả đều trái ngược với ý nghĩ mà xưa nay các ông có về Đấng Messia. Đến nỗi các ông thấy như bị thách đố. Cách đây không lâu, Gioan đã chẳng mưu tính với anh mình là Giacôbê để vận động cho hai người được cái vinh dự là ngồi bên Đức Giêsu trong ngày Ngài được quang vinh hay sao? Thế mà bây giờ Đấng là “Chúa và Thầy” của các ông đang ăn mặc như một nô lệ và đang phục vụ dưới chân các ông! Tệ hơn nữa, Ngài còn lấy đó làm quy luật cho các môn đệ: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để theo như Thầy đã làm như thế nào thì anh em cũng làm y như vậy” (13,15). Có lẽ cũng như Phêrô, “sau này” Gioan mới hiểu được điều đó (13,7). Như một bài học đã được ghi khắc bằng những nét giống như lửa vào trong tâm hồn tự cao tự đại này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga4,8). Để giải cứu con người, Thiên Chúa đã hạ mình đến mức đó. Từ đây tất cả mọi sự đều thay đổi ý nghĩa: tự hạ trở thành “nâng cao”. Bước xuống chỗ thấp nhất là leo lên chỗ cao nhất. Tự huỷ của một tên nô lệ chính là sự siêu tôn Con Người (“Tìm hiểu Tin Mừng theo Thánh Gioan. Trang177-178).

5. Mầm khác.

 

3) Lm Hàm

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Thánh Lễ Tiệc Ly

TÌNH YÊU HIỆP NHẤT VÀ TẬN HIẾN

Gio-an 13, 1-15

 

“Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : "Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?" Đức Giê-su trả lời : "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." Ông Phê-rô lại thưa : "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !" Đức Giê-su đáp : "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy."   Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." Đức Giê-su bảo ông : "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !" Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : "Không phải tất cả anh em đều sạch."

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”

 

Một điều hết sức tự nhiên trong lời từ giã phải nói về sự ra đi của mình. Chúa Giê-su đã làm như thế đối với các môn đệ của mình, nhưng Ngài đưa ra thêm một mệnh lệnh.

Bằng một cử chỉ sống động bày tỏ tâm tình vẫn có nơi Ngài, Ngài bưng một chậu nước cúi mình rửa chân cho các môn đệ. Cảm nghiệm tâm tình của Chúa qua cử chỉ này, thánh Gio-an đã nhận định : "Ngài vẫn thương yêu những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và thương yêu họ đến cùng." Sau đó Ngài bảo họ phải đối xử với nhau như Ngài đã đối xử với họ.

Ngài dùng chữ điều răn mới trong lời Ngài nói với họ như một lời từ giã. Đó là điều răn mà lãnh tụ Mô-sê tóm tắt trong luật pháp, nhưng đã được Chúa Giê-su làm mới lại bằng cách ban cho nó một tiêu chuẩn mới, một động lực mới : "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu anh em." Ngài sắp bước vào chuyến đi mà không ai có thể theo được, Ngài phải lên đường một mình, trước khi ra đi, Ngài truyền cho họ một mệnh lệnh là phải yêu mến nhau như Ngài đã yêu mến họ. Điều này có ý nghĩa gì cho chúng ta, và cho liên hệ giữa chúng ta với người khác ? Chúa Giê-su đã yêu môn đệ Ngài như thế nào ?

Chúa yêu các môn đệ bằng một tình yêu vô vị lợi, chỉ ban phát :

Đời sống của Ngài là đời sống ban phát (cho đi, trao tặng...). Ngài ban phát ra những gì Cha đã ban cho Ngài. Ngài đã ban cho họ sự bình an của Ngài nhờ đó Ngài được nâng đỡ trong cơn hoạn nạn. Ngài đã ban cho họ sự vui mừng mà Ngài đã tạo nên được giữa những khốn khổ đau buồn của mình. Ngài đã ban cho họ chìa khóa Nước Trời mà các quyền lực của hỏa ngục không thể nào thắng được. Ngài đã ban cho họ vinh quang mà chính Ngài đã có trước khi các thế giới được tạo nên, để tất cả mọi người trong họ được kết hợp làm một với Cha Ngài. Ngài đã ban cho tất cả những gì mình có – đã không giữ lại một chút gì dầu là chính mạng sống của mình.

Trong tình yêu thương cao quý nhất của loài người vẫn còn yếu tố ích kỷ. Có thể trong vô thức chúng ta thường nhớ đến hạnh phúc mình sẽ nhận, hoặc sự cô đơn mình phải chịu nếu mối tình bất thành hay bị từ chối. Chúng ta thường nghĩ : tình yêu này đem lại điều gì cho tôi ? Mặt trái của tình yêu là chúng ta đi tìm hạnh phúc cho mình. Nhưng Chúa Giê-su không nghĩ đến chính mình Ngài. Ước muốn duy nhất của Chúa là tự phó mình và những gì Ngài có cho những người Ngài yêu thương.

Chúa Giê-su yêu thương môn đệ bằng tình yêu hy sinh :

Chẳng có đòi hỏi nào là quá đáng đối với tình yêu. Chúa Giê-su đã yêu thương các môn đệ đến tận cùng, nên Ngài không đặt một giới hạn nào cho tình yêu thương. Nếu yêu thương có nghĩa là phải mang thập giá thì Chúa Giê-su sẵn sàng lên thập giá. Không còn lời nào rõ ràng hơn : "Này là mình Ta hiến nộp vì các con, này là máu Ta đổ ra vì các con …" Lắm lúc ta suy nghĩ cách sai lầm rằng tình yêu thương nhằm đem hạnh phúc đến cho mình. Dĩ nhiên, cuối cùng, tình yêu sẽ đem lại hạnh phúc, nhưng trước mắt, có thể tình yêu thương đem lại đau đớn, đòi hỏi thập giá.

Chúa Giê-su yêu môn đệ bằng tình yêu thông cảm, hiểu biết:

Chúa Giê-su biết rõ mọi nhược điểm của các môn đệ, nhưng Ngài vẫn yêu thương họ. Những người thật sự yêu thương chúng ta là những người biết rõ những điều tệ hại nhất nơi chúng ta mà vẫn yêu thương. Chẳng bao giờ chúng ta biết rõ ai nếu chưa sống với họ. Thỉnh thoảng mới gặp, chúng ta thấy họ trong tình trạng tốt nhất, hoàn toàn nhất ; nhưng khi sống chung, chúng ta mới biết được tính tình và nhược điểm của họ. Người khác cũng kinh nghiệm về ta như vậy. Chúa Giê-su đã sống với các môn đệ qua nhiều ngày nhiều tháng, Ngài biết tất cả những gì cần biết về họ, nhưng Ngài vẫn yêu thương họ. Nhiều khi chúng ta bảo rằng tình yêu mù quáng. Sự thật không phải thế, vì tình yêu mù quáng có thể kết thúc trong tan vỡ và trống rỗng. Tình yêu chân thật là tình yêu với đôi mắt mở to, là yêu con người không theo tưởng tượng, nhưng yêu người ấy vì chính người ấy vậy. Không yêu một phần của người đó mà yêu con người toàn diện. Tấm lòng bao la của Chúa Giê-su đủ để yêu thương chính con người thật của chúng ta.

Chúa yêu môn đệ bằng tình yêu tha thứ.

Người môn đệ đầu đàn chối bỏ Chúa. Tất cả đều lìa bỏ Ngài trong giờ phút Ngài cần họ hơn cả. Trong những ngày Chúa sống với họ, thật sự họ không hiểu Ngài. Họ mù quáng và không nhạy bén, học chậm và thiếu hiểu biết. Nhưng Chúa Giê-su không chấp ; không có sự thất bại nào mà Ngài không tha thứ được. Tình yêu không biết tha thứ thì không thể làm gì được ngoại trừ  co rút dần và chết. Chúng ta là những tạo vật nghèo khốn, mang một thân phận khiến chúng ta làm tổn thương những người yêu mến chúng ta hơn cả. Vì thế tình yêu trường tồn phải được xây dựng trên sự tha thứ vì không có sự tha thứ thì tình yêu sẽ chết.

Ngài đã chết vì kẻ khác, việc ấy chứng tỏ tình yêu của Ngài. Tình yêu hy sinh biểu lộ trong những kẻ theo Ngài sẽ làm chứng cho thế gian biết thế nào là môn đệ thật.

 

 
5) Trầm Thiên Thu

Rửa chân
Trầm Thiên Thu3/24/2013


Rửa là hành động làm cho sạch. Cái gì cũng phải rửa mới sạch, thân xác cần được rửa đã đành, chính tâm hồn cũng cần được rửa để làm sạch những “vết nhơ”.

Rửa chân là bổn phận phục vụ và là công việc của tôi tớ (hoặc nô lệ). Ngày xưa, tôi tớ phải rửa chân cho chủ. Việt Nam không “lệ” rửa chân, nhưng tôi tớ lại phải khom lưng hoặc nằm xuống cho chủ bước qua.

Rửa chân là một cách phục vụ của tôi tớ. Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình để làm việc của tôi tớ mà rửa chân cho người khác, dù Ngài đã xác định: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” (Ga 13:16a; Ga 15:20) và “kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13:16b). Trước khi các Giáo hoàng ký các văn bản, truyền thống Giáo hội có “cách nói” khiêm nhường thật tuyệt vời: “Tôi tớ của các tôi tớ”.

Có lẽ chân đi nhiều nên phải rửa. Tay muốn phạm tội mà chân không đi thì cũng… “bó tay”. Rửa chân còn có nghĩa là yêu thương, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ.

RỬA CHÂN LÀ YÊU THƯƠNG

Trong Phúc âm, thánh Gioan ghi chép lại nghi lễ rửa chân do chính Chúa Giêsu thực hiện vào đêm cuối đời Ngài trên thế gian. Đây là điểm khác so với các Phúc âm nhất lãm. Rửa chân người khác là hành động yêu thương. Nghi thức rửa chân chỉ có trong Phúc âm của thánh Gioan – là “chàng trai trẻ” tự xưng “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 13:23; Ga 19:26; Ga 13:23; Ga 20:2; Ga 21:7 & 20), và vì thế mà thánh Gioan cũng rất thích nói về tình yêu. Người rửa chân là “người thực hành yêu thương”, còn người được rửa chân là “người được yêu thương” – và cũng có trách nhiệm yêu thương người khác.

Tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Tình yêu ấy là Lòng Thương Xót vô biên của Ngài, là khối tình cuồng si không ai hiểu thấu: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10). Tình yêu có lý lẽ riêng của con tim mà lý trí không thể hiểu hết, nó có những nghịch lý vừa “kỳ diệu” vừa “dễ thương” và khả dĩ chấp nhận. Thánh Gioan phân tích: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4:12). Đại văn hào Victor Hugo cũng có ý tưởng độc đáo: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu”. Chết vì yêu lại là sống trong tình yêu. Quá ngược đời, và lạ thật! Người đời còn nhận ra như vậy, huống chi Thiên Chúa.

RỬA CHÂN LÀ KHIÊM NHƯỜNG

Người có lòng yêu thương thì luôn sống khiêm nhường. Mà khiêm nhường chính là nền tảng mọi nhân đức. Rửa chân người khác là động thái chứng tỏ sự khiêm nhường, khi chúng ta làm vậy là chúng ta vâng lời mà thực hành mệnh lệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy. Chúa Giêsu quan tâm công việc mà người ta cho là hèn hạ đó, thế nên chúng ta cũng phải noi gương mà làm với sự vui vẻ và lòng khiêm nhường, khi đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa để hiểu đúng và làm đúng. Ý nghĩa sâu sắc này sẽ giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của gương Chúa Giêsu đối với chúng ta ngày nay.

Có vẻ lạ khi 3 tác giả phúc âm kia (Mátthêu, Máccô và Luca) tập trung vào Bánh và Rượu mà Chúa Giêsu biến thành Mình Máu Ngài lúc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể vào chiều tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối cuối cùng của đời Ngài. Tông đồ Gioan lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Chúng ta biết rằng “người môn đệ Chúa yêu” ghi lại đầy đủ các hành động và lời nói của Chúa Giêsu, còn các tác giả kia không ghi lại. Câu trả lời có thể đơn giản là Gioan cảm thấy nghi thức rửa chân cần được thuật lại trong Tân ước. Mặt khác, Gioan có thể nhận thấy có sự nối kết trực tiếp giữa việc rửa chân và “việc làm khác thường” của Đức Kitô trong cuộc đời Ngài, trong cái chết của Ngài và sự sống đời sau.

Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã noi gương Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, không chỉ rửa chân cho người khác mà còn cúi xuống hôn chân người được rửa chân. Một động thái “kỳ lạ” gây ấn tượng rất sâu sắc, nhưng thật là dễ thương!

ĐGH Phanxicô (đắc cử giáo hoàng ngày 13-3-2013), lúc còn là Hồng y Bergoglio TGM của TGP Buenos Aires, ngài cũng đã rửa chân và hôn chân người được rửa. Một biểu hiện của đức khiêm nhường và tôn trọng nhân vị của người khác. Ngài chỉ thở bằng một lá phổi từ hồi thiếu niên, nhưng ngài vẫn khỏe mạnh vì lá phổi đó hít thở không-khí-yêu-thương của Đức Kitô. Ngài sống giản dị, thương người nghèo, tự nấu ăn và không có xe đưa rước, sống cầu nguyện, điều đó cho thấy ngài là một người thánh thiện.

Ngày nay khó tìm được những linh mục, giám mục và hồng y sống khó nghèo như vậy. Không can đảm thì không thể sống nghèo và sống phục vụ trong yêu thương! ĐGH Phanxicô đã và đang làm gương cho mọi người là HÀNH ĐỘNG chứ không NÓI SUÔNG, nhất là đối với những người Công giáo, và đặc biệt là đối với các giáo sĩ.

RỬA CHÂN LÀ PHỤC VỤ

Người có lòng khiêm nhường thì luôn sẵn sàng phục vụ người khác. Chúa Giêsu xác định: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26). Ngài không nói cho có lệ, không nói suông, mà chính Ngài đã nêu gương và xác định: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45).

Nghi thức rửa chân được ghi lại trong Ga 13:1-17 cho chúng ta một cái nhìn mới về tính cách của Đấng Cứu Độ. Khi nào chúng ta áp dụng bài học “độc nhất vô nhị” này trong đời sống, chúng ta sẽ có thể hiểu hơn về lý do có người vẫn cố gắng đi tìm hạnh phúc mà chưa đạt được trọn vẹn, còn có người lại may mắn đầy ắp niềm vui sướng – như người Việt Nam nói: “Sướng từ trong trứng sướng ra” hoặc “đẻ bọc điều”. Đây cũng là một bí ẩn mầu nhiệm của cuộc đời, một dạng “vô cực”.

Chúa Giêsu đã làm công việc mà người ta cho là hèn hạ, đó là rửa chân, nhưng không phải là rửa chân cho người trên mà là rửa chân cho người dưới quyền mình. Rõ ràng là Ngài không muốn được phục vụ mà chỉ muốn phục vụ. Tuy nhiên, đó cũng chính là mệnh lệnh của Ngài: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-16).

Thánh Luca cũng nói đến việc đó trong buổi tối lễ Vượt Qua: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:24-27).

Qua hành động, Chúa Giêsu cho thấy rõ rằng Ngài không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Ngài, dù Ngài là Thủ lĩnh và Đại huynh của chúng ta, đáng lẽ Ngài phải được người khác phục vụ, thế mà Ngài lại phục vụ họ – tức là chúng ta, và Ngài không chỉ muốn mà còn bắt buộc chúng ta phải vui vẻ phục vụ nhau. Như vậy, chắc chắn sự phục vụ là thực chất của việc lãnh đạo.

Chúa Giêsu thích phục vụ, cả đời Ngài rong ruổi khắp nơi để phục vụ người khác – đặc biệt là những người nghèo khổ. Điều này được xác định qua mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô trong trình thuật Ga 13:6-10: “Chúa Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa với Ngài: “Thưa Chúa, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”. Nhưng Chúa Giêsu nói ngay: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Vừa sợ không được chung phần vừa khoái chí, ông Phêrô phấn khởi: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa”. Chúa Giêsu cười rất hiền: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch”. Và Ngài “láy” một câu quan trọng: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”.

RỬA CHÂN LÀ THA THỨ

Người mau mắn phục vụ thì dễ dàng tha thứ. Vì cảm nghiệm được ơn tha thứ nên muốn tha thứ, muốn rửa mình và rửa người khác. Ở đây, động từ “rửa” không chỉ là làm cho sạch mà còn là tha thứ. Phàm cái gì bẩn thì phải rửa, dù bẩn theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Thánh vương Đa-vít cũng đã cầu nguyện: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:4).

Rửa sạch là việc cần làm ngay, tha thứ cũng là việc cần làm càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt. Có lần ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21). Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22). Không chỉ vậy, chúng ta còn phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho cả kẻ thù nữa (Mt 5:44; Lc 6:27). Khó quá, nhưng không được phép không làm!

Tha thứ mỗi ngày 1 lần cũng khó rồi, nhất là khi “sự xung đột” trầm trọng, huống chi mỗi ngày tha thứ 7 lần. Giáo hoàng Phêrô nghĩ mình có thể tha thứ 7 lần là “ngon” lắm rồi, ai dè… “bị hố”!

Chúng ta thực sự may mắn nên có thể tạ ơn vì luôn tận hưởng hồng ân tha thứ mỗi khi chúng ta cần đến Lòng Thương Xót của Chúa. Nếu chúng ta không biết tha thứ thì chúng ta là người đầy tớ không biết thương xót đồng loại (x. Mt 18:23-35), nghĩa là chúng ta vừa ích kỷ vừa độc ác nên không thể được Thiên Chúa tha thứ!

Lòng Chúa Thương Xót quá lớn nên ơn tha thứ của Ngài cũng vô cùng, vẫn cầu xin Chúa Cha thương chính những kẻ đã dã tâm giết chết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).

VĨ NGÔN

Cuối cùng, chúng ta phải ghi nhớ lời Chúa Giêsu nói về việc rửa chân: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13:17). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hành chứ không bảo chúng ta nghe biết cho vui tai.

Ngài chú ý cách thực hành tích cực, và chúng ta chắc chắn sẽ hạnh phúc nếu chúng ta thực hành điều Ngài đã làm. Ngài biết rằng sự đố kỵ, ghen ghét, bực tức, và thiếu lòng tha thứ làm chúng ta bị hạn chế và ngăn cản sự phát triển tâm linh của chúng ta. Nếu chúng ta cho phép những điều đó xảy ra, cuối cùng chúng sẽ hủy diệt chúng ta.

Khi tham dự phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta hãy suy niệm những bài học Chúa Giêsu đã làm, chúng ta sẽ cố gắng khiêm nhường và cảm nghiệm niềm hạnh phúc khi noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu trong việc phục vụ nhau bằng cách tha thứ lẫn nhau. Yêu thương – Tha thứ – Phục vụ là ba cạnh tạo thành tam giác đều, không thể thiếu một trong ba cạnh. Ba cạnh đó liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành Tam-Giác-Khiêm-Nhường, vì khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức, nền tảng của đời sống Kitô hữu. Thật kỳ diệu và tuyệt vời!

Vậy thì chúng ta đích thực là môn đệ của Chúa Giêsu, như Ngài đã tâm sự: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:15). Là thân phận tôi tớ, thậm chí chỉ đáng làm nô lệ, thế nhưng chúng ta lại được Chúa Giêsu gọi là bạn hữu, là môn đệ, là con cái. Thật không còn hạnh phúc nào hơn!

6)THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Ga 13,1-15

 

TIỆC YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ

“Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1)

 

Suy niệm: Khi nói về Nước Trời, Chúa Giê-su hay dùng hình ảnh một bữa tiệc để diễn tả niềm vui của những người được dự tiệc. Hôm nay Ngài đã dùng chính bữa tiệc cuối cùng của đời mình trên trần gian để diễn tả cho các môn đệ biết thế nào là một tình yêu thương phục vụ và hiệp thông. Của lễ trong bữa Tiệc Ly, bữa tiệc Thánh Thể, không còn là bánh-rượu của trần gian nữa, mà là chính con người của Ngài. Đó là bằng chứng cụ thể, rõ rệt nhất của tình yêu dâng hiến, và ai muốn làm đồ đệ của thầy Giê-su thì phải học thuộc bài học tình yêu ấy. Suốt dọc dài lịch sử của Giáo Hội, khởi đi từ bữa Tiệc Thánh ấy cho đến hôm nay, trên bàn thờ mỗi ngày, tiệc hiệp thông vẫn được Hội Thánh cử hành, trở nên nguồn sống cho toàn thể Hội Thánh.

 

Mời Bạn: “… Ta hãy xin cho được năng tham dự Thánh lễ và rước Mình Máu Ngài” (gẫm thứ năm Năm Sự Sáng). Hằng tuần hay thậm chí hằng ngày, ta  vẫn cố gắng dự lễ và hiệp lễ. Nhưng xem ra chúng ta chỉ coi đó như một thói quen, mà quên rằng đang đón nhận sức sống vô giá của Thiên Chúa, cũng như mình được mời gọi thể hiện sự sống ấy trong đời sống qua hành động của yêu thương và phục vụ “như Thầy đã yêu thương anh em.”

 

Sống Lời Chúa: Tập làm những hy sinh nho nhỏ mỗi ngày để cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi được giao hòa cùng Chúa và Hội Thánh.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cho con sự sống quý giá của Chúa, xin cho con cũng biết sẵn sàng cho đi những gì cần thiết để mưu ích cho phần rỗi các linh hồn. Amen.

 

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương