Thứ Tư, 10 Tháng Ba, 2010 446

Tóm lược Bài Nói Chuyện của GS.TS Trần Văn Khê

A. GẶP GỠ NHAU TRONG CUỘC ĐỜI

Trong cuộc đời nghiên cứu và dạy học của tôi, tôi có cái may mắn đã gặp hai người, tuy là đến gặp tôi để học cách trình bày Luận văn Cao học và Tấn sĩ, nhưng để lại trong ký ức của tôi một dấu ấn đậm đà, đó là Cố Linh mục Ngô Duy Linh và Cố Nhạc sư Hải Linh.

Linh mục Ngô Duy Linh thì ghi tên tại Trường Sorbone làm sinh viên chính thức suốt 3,4 năm trường, vừa học đờn Tranh để đàn Tài tử, vừa học phương pháp nghiên cứu để viết Luận văn. Chỉ còn độ 5, 6 tháng nữa là hoàn tất, nhưng Linh mục Ngô Duy Linh đã can đảm quyết định bỏ học để làm tròn sứ mạng của một người Linh mục giúp cho người Việt đang sống bơ vơ trên đất Mỹ có được một chỗ dựa của linh hồn.

Nhạc sư Hải Linh lúc vừa đến gặp tôi, trước khi nghe tôi thuyết trình về “Âm nhạc truyền thống Việt Nam Dân gian và Bác học”, đã xin phép giới thiệu với tôi một số bài hát mà Nhạc sư ghi tại Bùi Chu – Phát Diệm để tôi có một khái niệm về những bài Thánh ca sáng tác theo một tinh thần mới mà Nhạc sư rất tâm đắc. Hôm đó tôi vô cùng thích thú vì Nhạc sư chưa học với tôi một buổi nào, mà đã áp dụng hai phương pháp cơ bản mà tôi thường trao cho sinh viên lớp nghiên cứu của tôi :

1. Khi gặp đối tượng nghiên cứu điều quan trọng không phải là mở cửa nhà của người nghệ sĩ, mà phải mở được cửa lòng của họ. Hôm đó, Nhạc sư Hải Linh đã được tôi mở cửa nhà đón người và trong câu chuyện lời lẽ nhẹ nhàng, bài bản phong phú đã làm cho tôi mở cửa lòng ra đón người đồng điệu.

2. Trước khi xin tôi những tư liệu về Âm nhạc dân gian, Nhạc sư Hải Linh đã cho tôi một tập ghi lại những bài Thánh ca ghi tại Bùi Chu – Phát Diệm đúng với nguyên tắc của tôi giảng dạy à Trước khi xin đã biết cho.

Từ hôm đó, chúng tôi trở nên một đôi bạn trên con đường tìm hiểu, phân tích, nhận xét Âm nhạc truyền thống Dân tộc Việt Nam.

Một lần tôi nói về tính chất động mà mở của Âm nhạc truyền thống Việt Nam khác với tính chất tịnh mà đóng của Âm nhạc phương Tây. Nhạc sư không chấp nhận ngay câu nói đó của tôi và sau một vài tuần nghiên cứu, trở lại gặp tôi, đưa ra một vài ví dụ để phản biện và cuối cùng nhận thấy có một số điểm chính xác trong cách nhìn của tôi. Tôi rất vui vì thấy Nhạc sư không phải là một sinh viên thụ động, chấp nhận tất cả những gì Giáo viên và sách vở nêu ra, nhưng cố tìm thời gian để chính bản thân mình nhận xét, phê phán và khi thấy được rõ sự kiện, gặp lại Giáo viên để trình bày kết quả kinh nghiệm bản thân. Thái độ đó chứng tỏ là Nhạc sư Hải Linh là một người Nhạc công, Nhạc sĩ, lại là một Nhà nghiên cứu bẩm sinh.

Nhạc sư Hải Linh không ghi tên là sinh viên chính thức của Đại học Sorbone, thường ngày học nghệ thuật và lý thuyết Âm nhạc tại Viện Thiên Chúa Balê (Institut Catholique de Paris) và Trường nhạc nổi tiếng César Franck. Nhưng về nghiên cứu thì cứ mỗi một hoặc hai tuần gặp tôi một lần tìm hiểu đủ các loại, nhất là Ca nhạc Cải lương Tài tử và Nhạc Lễ miền Nam mà tôi thông hiểu rõ hơn các bộ môn khác.

Cố Linh mục Ngô Duy Linh và Cố Nhạc sư Hải Linh tuy đến với tôi với tư cách môn sinh, nhưng trong lòng tôi quí mến hai vị như những người bạn đồng hành trên con đường tìm hiểu Âm nhạc truyền thống Việt Nam.

B. ĐÔI NÉT VỀ CON NGƯỜI VÀ TÁC PHẨM CỦA CỐ NHẠC SƯ HẢI LINH

Nhạc sư Hải Linh biết rõ tôi là một Nhà nghiên cứu hơn là một Nhà sáng tác, nên chỉ nói phớt qua một vài sáng tác của Nhạc sư, một vài thủ pháp đã được áp dụng mà trong lúc gặp gỡ nhau tại Paris, tôi chưa từng thưởng thức được cách đầy đủ các nhạc phẩm của nhạc sư. Khi về nước làm việc đến nay, tôi rất may mắn gặp được Linh mục Xuân Thảo, có dịp tham khảo Luận văn Tiến sĩ của Linh mục, ngang qua đó tôi hiểu thêm về con người và nghệ thuật của Nhạc sư Hải Linh. Tôi lại nhận được dĩa hát ghi âm một số nhạc phẩm của Nhạc sư Hải Linh, có bản tổng phổ kèm theo, tôi mới bắt đầu khám phá được tài năng và nghệ thuật của Nhạc sư Hải Linh.

Thế nhưng cái đó (dĩa hát và tổng phổ) cũng như chúng tôi ăn đồ hộp có chất bổ mà thiếu chất tươi. Thì hôm nay đến đây, cả một ban hợp xướng, những người chỉ huy, cả ban nhạc cổ, -có đờn tranh, sáo trúc, có đờn độc huyền (đờn bầu) và đờn nhị (đờn cò)… thì cái nhạc đó sống lại, không phải như ăn đồ hộp, mà hôm nay có cả chất tươi, có cả vitamine, tôi thấy thật thú vị. Bản thân tôi chưa bao giờ được nghe nhạc phẩm sáng tác theo phong cách mới mà đậm màu dân tộc bằng những nhạc phẩm này. Từ cách dùng những nhạc khí dân tộc phụ họa, tạo nên những màu âm gần gũi với nhạc Việt Nam, tôn trọng thanh giọng trong tiếng nói Việt Nam bằng một số luyến láy tô điểm lời ca, đến cách sử dụng thang âm, điệu thức, những tiếng đệm … để chấm câu, hay để cho lời ca thêm phần sinh động, cách chuyển giai điệu từ đơn điệu đến phức điệu, không áp dụng qui luật Hòa âm đối vị của phương Tây một cách máy móc, nhưng thoáng mỏng, cố giữ sao cho các bè còn được nét nhạc mang âm hưởng Việt Nam, lời ca nghe hiểu rõ.

Cũng có rất nhiều Nhạc sĩ Việt Nam đã từng học nhạc phương Tây một cách sâu sắc và trong lúc sáng tác đều có ý muốn áp dụng những yếu tố trong Âm nhạc Việt Nam, như bà Louise Nguyễn Văn Tỵ (Thái Thị Lan) đã biểu diễn trên đàn piano bài “Bình bán vắn” theo phong cách một Sonate và trong bài giao hưởng “Tết nguyên đán” bà đã dùng tiết tấu của Trống múa Lân để tạo nên không khí ngày xuân trên đất Việt. Từ đó đến nay các Nhạc sĩ tên tuổi trong nước như Nguyễn Văn Thương, Đỗ Nhuận, Huy Thục và ngoài nước như Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiên Đạo, Nguyễn Văn Tường. Sau này có Nguyễn Văn Nam, Đỗ Hồng Quân, Vũ Nhật Tân … trong những sáng tác theo phong cách phương Tây những nhạc phẩm lớn nhỏ, đều có dùng nhạc khí, thang âm, điệu thức, giai điệu, tiết tấu Việt Nam.

Nhạc sư Hải Linh cũng đi theo hướng đó nên trong bài “Nhạc Việt” đã có dùng đàn Tranh, ống Sáo trong đoạn mở đầu và phần khai đề ; Chiêng, Trống trong phần III (một hồi Chiêng Trống) …

Về Thang âm, điệu thức thì Nhạc sư Hải Linh đã dùng rất nhiều thang âm ngũ cung, rõ nét nhất là thang âm (Xừ xàng xê công liu u) trong đoạn khai đề của “Nhạc Việt” và chuyển qua thang âm (Hò xự xang xê cống), kết thúc bằng chữ xang trong đoạn “… chứ đời là đời Việt Nam”. Nghe diễn tấu, tôi cảm thấy là hơi Hạ mở đầu và chuyển qua hơi Bắc. Trong đoạn đó, nốt Do là chữ Hò, Fa là chữ Xang, Rê là chữ Xự  ú, La là chữ Cống. Nhưng khi chuyển qua phần A, thì dùng Cung Re Trưởng, nên chữ Xang thành nốt Re, nốt La biến thành chữ Liu, và khi nghe câu “… dô ta ơ hò dô ta, dô ta ớ dô ta” thì sự nhấn mạnh vào chữ Liu, Xàng, Liu, Xáng  của cả đoạn toát lên phong cách Xuân, vì các quãng đều là quãng 5 và quãng 4, nhưng chỉ thoáng hơi mà chưa rõ nét, bởi vì trong Âm nhạc truyền thống Việt Nam hơi, giọng trong điệu thức cần có những luyến láy đặc thù, mà trong một bài hợp xướng khó dùng khi phải kết nhiều bè.

Trong giai điệu có nhiều chỗ dùng luyến láy, đó cũng là một nét căn bản trong Âm nhạc truyền thống Việt Nam “giọng ca phải luyến láy, tiếng đờn phải nhấn nhá”, nhờ đó mà nét nhạc của Nhạc sư Hải Linh có phần mềm mại, dịu dàng. Cũng nhờ luyến láy nên thể hiện các thanh giọng được rõ ràng, như chữ “… đủ màu, đủ sắc, đủ hơi …”.

Tiết tấu cũng áp dụng tiết tấu đặc thù của Dân ca Việt Nam (dactyle), (thình thùng thình, …), thì trong bài của Nhạc sư Hải Linh ta bắt gặp rất rõ trong câu “… thoáng trông là trông còn nhớ, thuở xưa, xưa tung hoành …” và còn nhiều chỗ khác nữa.

Có rất nhiều tiếng đưa hơi, tiếng đệm lót, tiếng lập lại là những nét thường gặp trong dân ca. Nhưng trong truyền thống Việt Nam, những tiếng ấy được dùng tùy theo từng trường hợp, thí dụ như :

Hò lơ và A Li hò lơ thì được dùng trong những bài Hò, tức là bài ca dính liền với động tác lao động.

Hò dô ta thường dùng trong những điệu Hò đi đôi với động tác kéo dây, dựt dây.

Hụ, Hụi trong những điệu Hò đi đôi với động tác nện, dùng sức mạnh đến nỗi phải thở ra thành tiếng.

Hò khoan đầu tiên thường dùng cho những câu Hò trên sông, “để diễn tả tiếng chèo khuấy trên nước”.

Ru hời ru hỡi trong những bài hát ru con.

Mà, là, ấy, chứ thường dùng trong điệu hát Trống Quân.

Dẫu mà, ấy a dùng trong hát Chèo.

- Có những tiếng đờn thông dụng nhất là tình tính tang hoặc Hò xự xang xê cống như ở Bến Tre, ngoài ra còn có những tiếng khác như lu là tạo ra điệu Lý Lu Là ; ợ gọi là Lý Ợ.

Tuy nhiên, trong trường hợp dùng những tiếng đệm trên trong những sáng tác mới, có hòa âm nhiều bè, thì không thể khắt khe như trong Âm nhạc truyền thống.

Sau khi nghe một số bài của Nhạc sư Hải Linh, tôi có cảm giác nghe một sáng tác mới có âm hưởng Việt Nam. Lời ca rõ ràng, dù chưa thể làm toát ra được những nét đặc thù của các điệu thức Việt Nam. Thật ra, từ trước đến nay những sáng tác mới đậm màu dân tộc Việt Nam thường là những ca khúc đơn điệu, nhưng khi cho bè vào thì khó có bài nào còn giữ được nét đặc thù của điệu thức Việt Nam. Đó là điều dễ hiểu và dễ thông cảm.

Nhưng cách hòa âm phối khí của Nhạc sư Hải Linh không làm mất nhạc tính của từng bè và lời ca của các bè còn nghe rõ được câu thơ Việt Nam, không bị tréo giọng, mất nghĩa như trong đa số các bản nhạc nhiều bè khác.

Hôm nay, tôi được nghe tận tai, thấy tận mắt những bài hợp xướng tập rất công phu, mà điều khiển theo phong cách của cố nhạc sư –cố nhạc sư chú trọng đến cường độ, lúc nào nhẹ thì nhẹ, lúc nào mạnh thì đưa ra…làm cho tôi hồi hộp…-.  Các bạn đã học được nhiều bài học từ nhạc sư Hải Linh. Hướng đi của Nhạc sư Hải Linh rất đúng. Nếu Nhạc sư sống được đến ngày nay tôi tin chắc rằng trong những sáng tác sau, giai điệu cũng như phức điệu sẽ được rõ nét dân tộc hơn nữa. Sáng tác của Nhạc sư Hải Linh là những bài học rất quí cho các nhạc sĩ trẻ trên con đường đi tìm bản sắc âm nhạc dân tộc Việt Nam trong những sáng tác mới của mình.

Tôi mong rằng tất cả những gì mà một người nhạc sĩ lớn như cố nhạc sư Hải Linh để lại, tuy nhạc sư không còn trên trần này, sẽ còn mãi trong tâm chúng ta ngày nay và cả nơi các thế hệ mai sau.

Bình Thạnh, ngày 30-12-2008

GSTS Trần Văn Khê

Bài viết khác

Các khóa học nhạc ngắn hạn, dài hạn dành cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ | Hải Linh Quê Hương