Có người muốn biết rõ hơn về trang mạng hailinhquehuong.com là thế nào? Sao tên của cố nhạc sư HẢI LINH lại ghép với QUÊ HƯƠNG? Các LỚP NHẠC QUÊ HƯƠNG hình thành và phát triển ra sao? Rồi Viện ÂM NHẠC PHAN SINH (VANPS, FAM) có phải cũng là các lớp nhạc Quê Hương không? Và nhất là tổ chức các Khóa Nhạc tại VANPS như thế nào để có thể GHI DANH theo học. Do đó, chúng tôi sẽ kể chuyện sơ qua từ giai đoạn khởi đầu, các bước phát triển và tinh hình hiện tại ra sao để quý Bạn được tường.
Giai đoạn Khởi đầu
1. Năm 1979 là năm kỷ niệm 50 thành lập Dòng Anh Em Hèn Mọn tại Việt Nam. Nhạc sư Phanxicô Hải Linh được Tỉnh Dòng (qua trung gian Lm Duy Ân Mai) mời sáng tác Khúc Ca Mặt Trời (lời thơ do Lm Vũ Đình Trác chuyển dịch từ phần đầu Bài ca Vạn vật của thánh Phanxicô At-xi-di) và nhạc sư đem ca đoàn tổng hợp đến Thánh đường giáo xứ Đakao trình tấu trong buổi kỷ niệm đó. Đây là một biến cố lớn về mặt Hợp xướng trong thời buổi khó khăn lúc đó. Rất đông giáo dân nghe tiếng đã đến đứng chật cả sân nhà thờ để thưởng thức bài ra mắt nầy. Và cũng từ đó, nhạc sư có thêm động lực để mở Lớp Hợp Ca cũng như các lớp Ca trưởng khác tại giáo xứ Huyện Sĩ (1980) với sự phụ tá của một số môn sinh.
(Di ảnh Nhạc sư Hải Linh)
2. Năm 1981, Thầy Hải Linh cùng một số học trò chia nhau sáng tác Trường Ca Các Tạo Vật (dựa trên toàn bộ Bài ca Vạn vật của thánh Phan-xi-cô) để chuẩn bị cho lễ mừng 800 năm ngày sinh của thánh nhân vào 4-10 năm 1982. Cuối cùng chỉ có Thầy Hải Linh và Xuân Thảo sáng tác được 6 Đoạn: Hợp Ca Mở đầu, Ông Anh Mặt Trời, Chị Hằng Nga và Tinh Tú, Anh Gió, Chị Nước, và Chung Khúc (Các Đoạn khác sáng tác sau theo thứ tự: Chị Chết, Anh Lửa, đến 2003 mới xong Chị Đất Mẹ Hiền, và Anh Chị Em Loài Người). Ns Nam Hải đã phối khí cho Dàn nhạc giao hưởng các Đoạn nhạc nầy. Đồng thời NS Nam Hải, Nữ tu Thiên Lan và Xuân Thảo hợp tác mở một số lớp XA, Thanh nhạc và Ca trưởng tại Tu viện Phanxicô Thủ Đức.
Nhóm Quê Hương và Các Lớp Nhạc Quê Hương (1982- đến nay)
3. Đầu năm 1982, Thầy Hải Linh thành lập Nhóm QUÊ HƯƠNG: lúc đầu Thầy kêu gọi một số môn sinh, nhưng cuối cùng chỉ còn Nữ tu Thiên Lan dòng MTG Thủ Đức, Nhạc sĩ Nam Hải, và Xuân Thảo* . Mục đích là để học tập, rồi cộng tác với Thầy trong việc phổ biến học thuật âm nhạc theo đường hướng Thầy đề ra. Từ đó có Các Lớp Nhạc Quê Hương, được mở ra tại nhiều nơi (như Tu viện Phanxicô Thủ Đức, Tu viện MTG Thủ Đức, Tu viện Đaminh Thánh Tâm Hố Nai, Giáo xứ Phúc Lâm, Bắc Hải, Xuân Hoà,... Đền Martinô...thuộc gp Xuân Lộc; Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm (Bình Thạnh).
4. Năm 1986, sau khi Thầy Hải Linh đoàn tụ gia đình tại Mỹ (8/5/1986) Nhóm Quê Hương mở thêm lớp Hợp ca (tức CA ĐOÀN QUÊ HƯƠNG, tại gx Vô Nhiễm, Hố Nai, và Thủ Đức; diễn tấu Hợp Xướng trong nhiều Buổi Thánh Ca/Diễn nguyện tại nhiều nới trong nhiều dịp lễ khác nhau như lễ Phanxicô, Lễ giỗ 100 ngày, 1 năm, 2 năm, 3 năm...của cố nhạc sư Hải Linh với sự thành hình của Dàn Nhạc do NS Nam Hải phối khí và Điều khển).
5. Từ năm 1990 các Khoá Nhạc Dài Hạn Quanh Năm được mở thường xuyên tại Tu viên_Giáo xứ thánh Phanxicô Đakao (50 Nguyễn đình Chiểu, Q.1, SG). Khoá dài hạn thường kéo dài 9 tháng, từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau, gồm các lớp Xướng âm 1,2,3; Thanh nhạc 1,2,3; Điều Khiển 1,2,3; Sáng tác.... Sau nầy mở thêm các lớp Đàn Organ 1,2,3,4...Lớp Hoà Âm, Đối âm, Nhạc cụ Dân tộc (Sáo trúc, Tranh, T'rưng...).
(*) Năm 2008, Nhóm Quê Hương mời thêm Ns Hương Vĩnh tham gia nhóm sau nhiều năm sáng tác và dạy nhạc.
(Ca Đoàn Quê Hương tổng hợp và Dàn nhạc Nam Hải,
nhân giỗ 25 của cố Nhạc sư Hải Linh (1988-2008), tại giáo xứ Xóm Thuốc)
(Ca Nhạc trưởng Nam Hải)
(Lm Ns Xuân Thảo)
(Nữ tu Ca Nhạc trưởng Thiên Lan)
(Ca Nhạc trưởng Hương Vĩnh)
Các Khoá nhạc Cấp tốc Mùa Hè Cố định (7/2008-đến nay)
6. Đặc biệt từ tháng 7/2008, khởi xướng Các Khoá nhạc Cấp tốc Mùa Hè Cố định để tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên ở xa không theo các khoá dài hạn quanh năm được, có cơ hội học "cấp tốc"(intensive) trong thời gian 1 tháng, với 8-10 tiếng học cật lực mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần. Đến nay, sau nhiều năm tiến hành, đã đem lại hiệu quả có khi nhiều hơn là học khoá dài hạn quanh năm (mỗi tuần tới lớp 2-3 buổi).
Cấp tốc có nghĩa là học cật lực, dồn nén, dùng toàn thời giờ trong ngày, trong 4 tuần, trong trọn 1 tháng để học và khổ luyện các kỹ năng âm nhạc (như xướng âm, ký âm, phân tích cấu trúc, cảm thụ, đọc/hát "tròn vành rõ chữ" một cách diễn cảm, điều khiển hợp xướng với những cử chỉ thầm lặng nhưng hữu hiệu, ý nghĩa và nghệ thuật, đệm đàn và diễn tấu đàn trong phụng vụ...). Có học viên học được 1 môn; Có nhiều học viên học được 3 môn, tương đương với lịch học 3 môn trong khoá dài hạn 9 tháng.
Cấp tốc còn bao hàm một sự tập trung hiện diện, chia sẻ mục đích và động lực, hiệp thông trong khao khát, khích lệ, kiên trì và quan tâm hỗ trợ nhau, nhất là đối với các học viên nội trú đến từ các vùng ngoại biên: vùng xa, vùng sâu, vùng cao. Các em được căn dặn: "Đến đây không phải để ăn, để ở, để giải trí, mà là để HỌC. Trước mắt là Học Nhạc để làm phát triển, làm sinh lời khả năng đàn hát nơi mỗi học viên để đem ra phục vụ cho cộng đoàn, giáo xứ, và xã hội. Người được 1 nén, 2 nén hoặc 5 nén đều phải nỗ lực gấp đôi để sinh lợi gấp đôi. Ngoài ra, trên hết, học viên còn được HỌC để sống chung với nhau, biết khiêm tốn cộng tác và quan tâm phục vụ lẫn nhau." Cấp tốc có lợi thế đem các vùng biên đa dạng về thành phố để dễ dàng tiếp cận, tạo sự thông cảm hiểu biết nhau giữa nhiều vùng miền.
7. Xen kẽ với các Khóa Nhạc Dài hạn Quanh Năm, và Khóa Nhạc Cấp tốc Mùa Hè Cố định, còn có những Khóa Nhạc Cấp Tốc Lưu Động tại các giáo xứ, giáo hạt, cộng đoàn tu sĩ, học viện...tùy sự sự sắp xếp linh động của mỗi nơi: Học cả sáng+chiều+ tối, hoặc sáng/chiều+tối tùy hoàn cảnh công việc của địa phương. Thuận tiện nghỉ học, nghỉ làm vào dịp: (1) 1 tuần trước Tết; (2) 1-2 tuần Tháng 6 Hè; hoặc (3)1-2 tuần tháng 8 Hè; (4) 1-2 tuần thời điểm nào khác.
Liên kết FAM (Franciscan Academy of Music) với LCM (London College of Music) (2013-đến nay)
8. Từ năm 2013, khi liên kết với London College of Music, thuộc University of West London, qua trung gian của Nhạc sĩ kiêm Giảng viên P.Kim, hiện là Tổng quản trị Việt Thương Music Education, đại diện chính thức của LCM Examinations (Khoa Khảo thí của LCM) chúng tôi đã thiết kế lại chương trình các môn học để học viên nào muốn, đều có thể tham gia học, luyện thi các chứng chỉ và văn bằng do LCM Examinations tổ chức.
Từ đó đến nay, FAM mở thường xuyên các lớp LTG5 (Luyện thi Lý Thuyết LCM Grade 5) đến LTG8. Để tham gia thi các chứng chỉ và văn bằng khác của LCM, học viên bắt buộc phải có chứng chỉ LTG5 nêu trên. Dĩ nhiên các học viên vẫn phải học XA1,2,3; Organ/Piano 1,2,3,4; có thể chọn ngành điều khiển qua các lớp TN1,2,3 và ĐK 1,2,3; dạy piano, hoặc Đàn Organ điện tử; Đối âm, Lịch sử âm nhạc, Phối khí....
Trong lễ Tổng kết Khoá nhạc Cấp tốc Mùa Hè 7/2017 vừa qua, NS P. Kim đã cho biết số học viên của các đơn vị đã dự thi LCM trong kỳ Hè 2017 như sau:
Kỳ thì LCM mùa hè 2017
1. Cấp Đại Học:
10 x LLCM in Teaching (Licenciate LCM: trình độ cử nhân sư phạm nhạc cụ)
11 x ALCM in Teaching (Asociate LCM: trình độ Cao đẳng)
22 x DipLCM in Teaching (Diploma LCM: trình độ năm I Đại học)
2 x DipLCM in Performance (Trình độ năm I Đại học ngành Biểu diễn nhạc cụ)
2. Các Grade Thực Hành: 800 thí sinh (Sài gòn - Hà Nội)
3. Các Grade Lý Thuyết: 150 thí sinh (Sài gòn - Đà nẵng - Hà Nội)
9. Năm 2018, giỗ 30 năm cố Nhạc sư Hải Linh tại gx Đồng Tiến.
10. Năm 2022, đánh dấu 40 năm Nhóm Quê Hương, chúng tôi đã khai triển thêm ALCM(Associate LCM) in Electronic Organ Teaching. Chúng tôi sẽ khai triển DipLCM in conducting, dành cho các học viên đã đậu LTG5, và đã tốt nghiệp loại giỏi_xuất sắc từ CT2 đến CT3.
...(còn tiếp)
Nhắc lại những mốc thời gian đó để thấy HỒNG ÂN CHÚA trên từng cây số và qua biết bao nhiêu Anh em trong Hội dòng, Ân Nhân,Thân hữu, Thân nhân gần xa không thể kể hết ra đây được. Xin Chúa tuôn đổ hồng ân xuống tất cả quý vị, và xin quý vị tiếp tục chia sẻ "những vụn bánh" xuống cho chúng tôi và các học viên xa gần.
Xuân Thảo, ofm.
(16-5-2023)